Giãi mã bí ẩn trong nhà mồ Tây Nguyên
Nhiều người tỏ vẻ sợ nhà mồ của người Tây Nguyên, bởi hình ảnh bên ngoài của nó nhìn kỳ bí. Nhưng nếu hiểu rõ về tính cách cũng như những đặc trưng văn hóa của con người nơi đây thì dễ dàng lý giải được những bí ẩn quanh ngôi nhà mồ.
Ngày xưa nếu đến với Tây Nguyên, vào một khu rừng của các tộc người như Ba na, Ê đê, Gia rai, Mnông, Xơ Đăng, sẽ khiến người ngoài cảm thấy rợn người bởi những “căn” nhà mồ huyền bí. Nếu ai đó chưa hiểu về nhà mồ thì tưởng nó là một căn nhà của một vị pháp sư nào đấy, hoặc tưởng tượng ra cảnh ma quái trong phim kinh dị.
Hình ảnh bắt mắt nhất nếu bắt gặp nhà mồ là những bức tượng gỗ xung quan. Những hình thù bằng gỗ được tạc thành nhiều kiểu dáng khác nhau như người phụ nữ mang bầu, hay cảnh sinh hoạt tình dục của một cặp vợ chồng,…Vì thế mà nhà mồ đã thu hút nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước của các nhà khoa học.
Rừng đã hình thành nên con người Tây Nguyên, rừng đã nuôi họ lớn, rừng đã bảo vệ họ trong ách quân thù. Vì thế đối với họ rừng là mẹ, là cuộc sống của họ. Cũng chính vì vậy cho nên họ quan niệm chết không phải là hết mà chết là về với mẹ, chính là núi rừng. Người chết sẽ luôn sống với họ, quanh quẩn xung quanh người sống.
Từ quan niệm này, người dân Bana, Jarai, Êđê, Cơho, Mạ, Xơđăng hay Mơnông đã hình thành nên một lễ hội độc đáo có sự tham gia của cả người sống và người chết, đó chính là lễ “bỏ mả”.
Lễ “bỏ mả” là nghi thức người sống tổ chức để xây lên nhà mồ to hơn, thay thế ngôi nhà mồ làm tạm nhỏ bé trước đây cho người chết. Bởi với họ, nếu người thân qua đời họ sẽ được chôn trong một ngôi mộ tạm. Khi chưa làm lễ “bỏ mả” thì hàng ngay, người thân trong gia đình đến cho người chết “ăn uống” qua chiếc ống cắm sâu xuống mộ. Về ngày tháng tổ chức lễ bỏ mả thì chính người thân của người đã khuất tự chọn. Họ thường chuẩn bị trước 2 tháng khi tiến hành lễ bỏ mả, lúc này người chết mới chính thức trở về với mẹ thiên nhiên.
Ngoài tín ngưỡng phồn thực là tạc những bức tượng bằng gỗ về người phụ nữ mang bầu, cảnh sinh hoạt tình dục của vợ chồng, để nói lên sự luân hồi của kiếp người, sự sinh sôi nảy nở. Không những thế còn có nhiều hình ảnh khác mà người thân của họ bắt gặp trong cuộc sống và cảm thấy cảnh tượng đó vui vẻ, đặc biệt thì họ sẽ tạc thành tượng gỗ rồi để xung quanh ngôi nhà mồ như là nỗi niềm chia sẻ với người chết. Nếu quan sát kỹ những bức tượng tác bằng gỗ được cắm xung quanh nhà mồ thì có thể thấy rõ khuôn mặt của các bức tượng đó rất sinh động, có thể đang khóc, đang cười,…với ý nghĩa là những người thân luôn ở bên người đã khuất, làm bạn với họ hàng ngày.
Ngôi nhà mồ sẽ được xây dựng như một ngôi nhà bao gồm mái nhà, tường,… người sống còn để toàn bộ vật dụng mà người chết đã từng dùng trong chính ngôi nhà mồ đấy. Đây còn gọi là tục chia của cho người chết. Bởi theo quan niệm của người Tây Nguyên, người chết sẽ có cuộc sống riêng, họ sẽ phải trải qua 7 kiếp luân hồi để được trở về làm người, vì thế mà nhà mồ được họ chăm chút, coi sóc cẩn thận.
Ngày nay do hội nhập, kinh tế phát triển nên nhà mồ dường như không tồn tại với đúng nguyên bản của nó nữa. Thay vào đó là những ngôi mộ được xây dựng bằng bê tông, một số họ vẫn tạc những bức tượng bằng gỗ để dựng xung quanh ngôi mộ.