Giải mã bí ẩn về loài cá mập cổ đại Ptychodus
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B ngày 24/4, các nhà khoa học đã đạt được hiểu biết mới về một loài cá mập thời tiền sử thông qua việc khai quật bộ xương hoàn chỉnh của sinh vật này.
Hãng tin Guardian cho biết các mẫu vật được phát hiện tại các mỏ đá nhỏ ở phía đông bắc Mexico trong thập kỷ qua thuộc về Ptychodus – một loài cá mập cổ đại sống ở biển từ khoảng 105 triệu đến 75 triệu năm trước.
Các nhà khoa học trước đây vốn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác Ptychodus trông như thế nào và vị trí của nó trong cây phả hệ tiến hóa. Nguyên nhân là do các mẫu vật khai quật được trước đây thường tương đối nhỏ lẻ, ví dụ như một số chiếc răng đơn lẻ hay phần xương làm từ sụn không khoáng hóa tốt.
Tiến sĩ Romain Vullo, tác giả đầu tiên của nghiên cứu từ Đại học Rennes cho biết: “Hình dáng chung của sinh vật này cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn vì thiếu tài liệu đầy đủ. Việc phát hiện ra các mẫu vật mới từ Vallecillo do đó có thể giúp tiết lộ hình dạng cơ thể và giải phẫu của loài cá mập đã tuyệt chủng này, từ đó giúp giải quyết được bí ẩn”.
Cụ thể, ông Vullo cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu tổng cộng 6 mẫu vật có niên đại khoảng 93 triệu năm trước. Trong số đó có một mẫu vật hoàn chỉnh cho thấy hình ảnh hoàn thiện nhìn từ 1 phía của Ptychodus có chứa hầu hết các bộ phận xương cùng răng, các phần cơ được bảo tồn và đường viền cơ thể hoàn chỉnh với tất cả các vây.
Ba mẫu vật còn lại cũng ở trạng thái gần như hoàn chỉnh, bao gồm một mẫu vật chưa trưởng thành có chiều dài chỉ hơn 56cm và hai mẫu vật bộ xương chưa hoàn chỉnh. Kết quả cho thấy Ptychodus là một loài cá mập cá thu – một nhóm bao gồm loài cá mập khổng lồ megalodon đã tuyệt chủng và loài cá mập trắng lớn sinh sống ở các đại dương ngày nay.
Cũng như hình dạng và tỷ lệ cơ thể tổng thể, một số đặc điểm của Ptychodus, bao gồm kích thước, hình dạng và vị trí của các vây, cũng như cột sống dày, cho thấy loài sinh vật này bơi rất nhanh. Trong khi đó, cơ thể to lớn với những chiếc răng giúp các nhà khoa học đi tới kết luận tiềm năng rằng Ptychodus ăn các sinh vật có vỏ. Ptychodus có khả năng là loài săn mồi ở vùng nước mở, với thức ăn có thể bao gồm rùa biển và ammonite chứ không phải những sinh vật như trai sống dưới đáy biển như quan niệm nghĩ trước đây.
Theo ông Vullo, “Ptychodus thường được cho là có hình thái tương tự như cá mập miệng bản lề hiện đại, nhưng giờ đây chúng ta biết rằng nó trông giống loài cá mập porbeagle còn tồn tại, một loài cá nổi bơi nhanh”.
Về chiều dài, các hóa thạch mới cho thấy nó có chiều dài tối đa khoảng 9,7 mét – lớn hơn cá mập trắng lớn ngày nay nhưng nhỏ hơn so với ước tính trước đây cho thấy nó có thể dài tới hơn 10 mét. Nghiên cứu cũng đưa ra gợi ý về sự diệt vong của Ptychodus, cho thấy nó có thể đã chết do cạnh tranh với các sinh vật khác, chẳng hạn như các loài bò sát thủy sinh lớn, ăn những con mồi tương tự.