Giải mã các cuộc tấn công 'ăn miếng trả miếng' bất thường giữa Iran và Pakistan
Pakistan và Iran đã tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau, động thái leo thang chưa từng thấy giữa 2 nước láng giềng vào thời điểm căng thẳng gia tăng mạnh mẽ trên khắp Trung Đông.
Các cuộc tấn công bất thường
Iran và Pakistan có chung đường biên giới trải dài khoảng 900km, với một bên là tỉnh Balochistan của Pakistan và một bên là Sistan và Baluchestan của Iran.
Loạt đạn mở đầu trong chuỗi sự kiện diễn ra nhanh chóng này bắt đầu hôm 16/1 khi Iran tiến hành các cuộc tấn công vào tỉnh Balochistan của Pakistan – khiến 2 trẻ em thiệt mạng và một số người khác bị thương.
Iran tuyên bố “chỉ nhắm mục tiêu vào những kẻ khủng bố Iran trên đất Pakistan” và không có công dân Pakistan nào bị nhắm mục tiêu. Mục tiêu của Iran là các thành trì của nhóm chiến binh Sunni Jaish al-Adl (Iran gọi là Jaish al-Dhulm).
Nhóm chiến binh ly khai này hoạt động ở cả hai bên biên giới Iran-Pakistan và trước đây đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Iran. Mục tiêu cuối cùng của nhóm này là giành độc lập cho tỉnh Sistan và Baluchestan của Iran.
Tuy nhiên, vụ tấn công đã khiến Pakistan tức giận. Islamabad gọi vụ tấn công của Tehran là “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tinh thần của quan hệ song phương giữa Pakistan và Iran”.
Pakistan đã đáp trả 2 ngày sau cuộc tấn công của Iran. Islamabad gọi đó là “một loạt cuộc tấn công quân sự chính xác có mục tiêu cụ thể và được phối hợp chặt chẽ” nhắm vào nơi ẩn náu của các phần tử ly khai ở Sistan và Baluchestan.
Cuộc chiến của Pakistan và Iran chống lại lực lượng ly khai hoạt động ở hai bên biên giới của nhau không phải là mới.
Các cuộc đụng độ chết người dọc biên giới hỗn loạn thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua. Tháng trước, Iran đã cáo buộc phiến quân Jaish al-Adl xông vào đồn cảnh sát ở Sistan và Baluchestan, khiến 11 sĩ quan cảnh sát Iran thiệt mạng.
Tuy nhiên, điều hết sức bất thường là mỗi bên sẵn sàng tấn công các mục tiêu bên kia biên giới mà không báo trước cho nhau. Tất cả những điều này đang xảy ra trong bối cảnh Israel bắn phá Gaza, gây ảnh hưởng lan rộng khắp khu vực. Iran ngày 15/1 đã phóng tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu ở Iraq và Syria với lý do để bảo vệ chủ quyền, an ninh đồng thời chống khủng bố.
Mối đe dọa chung từ lực lượng ly khai
Balochistan, tỉnh có diện tích lớn nhất Pakistan, đã chứng kiến loạt vụ tấn công chết người trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ của những người theo chủ nghĩa ly khai đòi độc lập.
Người Baloch (hay Baluch) sống ở khu vực biên giới giữa 3 nước Pakistan, Afghanistan và Iran. Họ từ lâu đã thể hiện mong muốn độc lập với các cuộc nổi dậy bùng phát khắp khu vực biên giới lỏng lẻo trong nhiều thập kỷ qua.
Khu vực họ sinh sống cũng rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng những người theo chủ nghĩa ly khai Baloch cho rằng người dân của họ nằm trong số những người nghèo nhất trong khu vực, lại không được hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên đó.
Iran từ lâu cũng đã phải đối mặt các cuộc nổi dậy từ các nhóm thiểu số người Kurd, Arab và Baloch.
Jaish al-Adl chỉ là một trong nhiều nhóm ly khai hoạt động ở Iran. Theo Trung tâm chống khủng bố quốc gia của chính phủ Mỹ, nhóm này ban đầu là một phần của nhóm chiến binh Sunni lớn hơn có tên Jundallah. Jundallah đã tan rã sau khi thủ lĩnh bị Iran hành quyết vào năm 2010. Sau đó, Jaish al-Adl nổi lên và bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.
Năm 2015, nhóm Jaish al-Adl đã nhận trách nhiệm về một vụ tấn công giết chết 8 lính biên phòng Iran, trong đó các chiến binh được cho là đã vượt biên giới vào Iran từ Pakistan. Năm 2019, nhóm này nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết nhằm vào một chiếc xe buýt chở các thành viên của quân đội Iran, khiến ít nhất 23 người thiệt mạng ở Sistan-Baluchestan.
Iran – Pakistan “hòa” nhau, căng thẳng sẽ không leo thang?
Sau cuộc tấn công của Iran hôm 16/1 Pakistan triệu hồi đại sứ ở Iran về nước và đình chỉ tất cả các chuyến thăm cấp cao. Còn Iran ngày 18/1 đã yêu cầu nước láng giềng “giải thích ngay lập tức” về cuộc tấn công đáp trả.
Các quốc gia lân cận đã lên tiếng. Ấn Độ nói rằng họ “không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố” và vụ tấn công là “vấn đề giữa Iran và Pakistan”. Trung Quốc kêu gọi cả hai nước kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng hơn nữa.
Theo các nhà quan sát, bất chấp các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng, Iran và Pakistan dường như không muốn rơi vào tình trạng thù địch toàn diện với nhau. Tuyên bố của cả 2 bên phần nào cho thấy điều này.
Bộ Ngoại giao Pakistan gọi Iran là “quốc gia anh em” và nhấn mạnh sự cần thiết phải “tìm giải pháp chung”. Trong khi đó, đầu tuần này Ngoại trưởng Iran cũng gọi Pakistan là “quốc gia thân thiện” và nhấn mạnh các cuộc tấn công của Tehran chỉ nhằm vào phiến quân.
Ông Michael Kugelman, giám đốc Nam Á tại Trung tâm Wilson, nhận định mặc dù hành động trả đũa của Pakistan làm tăng nguy cơ leo thang nhưng nó cũng tạo đường lui để 2 bên “rút khỏi bờ vực”. Với cuộc tấn công đáp trả, Pakistan đã có tỷ số hòa với Iran.
Một số người cho rằng chính phủ ở Islamabad đang chịu áp lực trong nước phải đáp trả, bởi Pakistan sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng tới.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Asif Yaseen cho hay: “Có rất nhiều áp lực từ công chúng buộc chính phủ phải làm điều gì đó và vì vậy họ làm điều này chỉ để chứng minh rằng họ không kém gì Iran”.
Ông Yaseen cho biết, ông có “linh cảm rằng chuyện này sẽ dừng lại ở đây đối với cả hai nước” và Pakistan giờ đây có thể bắt đầu lại đối thoại với Iran.