'Giải mã' các triệu chứng tuổi mãn kinh

Mãn kinh - một giai đoạn tự nhiên trong quá trình lão hóa của phụ nữ mà chắc chắn ai cũng trải qua. Khi bước vào giai đoạn này, phụ nữ không chỉ phải đối mặt với những thay đổi tâm lý mà còn phải đối mặt với các ảnh hưởng khác trực tiếp đến sức khỏe. ThS.BS. Phạm Minh Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội đã có những chia sẻ, 'giải mã' triệu chứng thường gặp của phụ nữ ở giai đoạn này.

PV: Là một chuyên gia có nhiều nghiên cứu về y học giới tính nói chung, cũng như những đề tài liên quan đến “mãn kinh” nói riêng, bác sĩ có thể khái quát một cách dễ hiểu, mãn kinh là gì? Các giai đoạn cũng như độ tuổi của người phụ nữ Việt Nam sẽ bắt đầu vào giai đoạn mãn kinh?

ThS. BS Phạm Minh Ngọc tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân.

ThS. BS Phạm Minh Ngọc tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân.

ThS.BS. PHẠM MINH NGỌC: Mãn kinh là một hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ. Nó giống như là một quy luật tất yếu của tự nhiên. Tuy nhiên trong khi trải qua giai đoạn này, có những người phụ nữ trải qua rất nhẹ nhàng, êm đềm gần như không ảnh hưởng xáo trộn gì đến cuộc sống. Nhưng ngược lại, có nhiều chị em phụ nữ gặp rất nhiều rối loạn chức năng và nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.

Mãn kinh là sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, được xác định bằng việc không có kinh trong 12 tháng liên tiếp. Có nghĩa là chúng ta không biết được chính xác khi nào chúng ta mãn kinh. Chúng ta chỉ có thể chẩn đoán thông qua hồi cứu lại 12 tháng mà chúng ta không có kinh nguyệt, thì thời điểm đấy gọi là mãn kinh.

Về giai đoạn, đầu tiên là tiền mãn kinh, khi người phụ nữ chưa có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng gì, hoặc là những bạn trong độ tuổi sinh sản. Thứ 2 là giai đoạn quanh mãn kinh, tức là khi chúng ta bắt đầu có một dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt. Sau đó là giai đoạn mãn kinh. Cuối cùng là hậu mãn kinh.

Vậy, độ tuổi bắt đầu bước vào mãn kinh ở người phụ nữ Việt Nam thường xoay quanh khoảng bao nhiêu tuổi, thưa bác sĩ?

- Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, độ tuổi mãn kinh ở Việt Nam sớm hơn so với phương Tây từ 2 đến 7 năm, trung bình từ 45 đến 55 tuổi. Mãn kinh trước 40 tuổi gọi là mãn kinh sớm, trước 35 tuổi gọi là mãn kinh quá sớm.

Hiện tại, ở Việt Nam tuổi thọ trung bình của phụ nữ là khoảng 76 tuổi. Nếu một người mãn kinh khoảng 50 tuổi, thì sau đấy còn khoảng 26 năm sống trong giai đoạn hậu mãn kinh. Đây là một thời gian rất dài, nếu chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống giai đoạn này, nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống chung của người phụ nữ rất nhiều.

Vậy với những gia đình, con gái có người mẹ mãn kinh sớm ấy, thì liệu rằng con gái có khả năng bị mãn kinh sớm như người mẹ không?

- Những phụ nữ bình thường, mãn kinh đã có thể gây ra nhiều rối loạn chức năng. Với những người mãn kinh sớm, họ lại còn phải chịu những hậu quả của giai đoạn này mang lại rất sớm. Trong độ tuổi của họ, đôi khi vẫn còn sinh sản nhưng họ lại không có khả năng sinh sản, áp lực đó tạo gánh nặng cho họ rất nhiều so với mãn kinh tự nhiên. Có nhiều nguyên nhân gây ra mãn kinh sớm, một trong số đó là di truyền.

Độ tuổi dưới 40, cũng có những người gặp tình trạng chu kỳ kinh ngắn lại, hoặc kéo dài hơn khoảng cách chu kỳ kinh, thậm chí có biểu hiện giảm ham muốn trong đời sống vợ chồng... Những dấu hiệu này có phải là dấu hiệu của mãn kinh sớm hay không?

- Câu chuyện mãn kinh sớm, chúng ta thường gặp ở những bệnh nhân mong con, khi đi khám thì phát hiện kinh nguyệt bất thường, rối loạn nội tiết, suy buồng trứng sớm... Mãn kinh gây ảnh hưởng rất nhiều, không chỉ trong sinh sản. Nó gây ảnh hưởng đến cả đời sống tình dục cũng như là sức khỏe những cơ quan khác nữa.

Vậy, bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn, ảnh hưởng của mãn kinh đến sức khỏe bên trong người phụ nữ như thế nào?

- Mãn kinh sẽ ảnh hưởng gần như tất cả các bộ phận của cơ thể. Ngoài liên quan khả năng sinh sản thì mãn kinh còn ảnh hưởng đến những rối loạn toàn thân. Đầu tiên là dấu hiệu vận mạch, xuất hiện những cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm. Thứ hai là thay đổi về mặt tinh thần, dễ xúc động và hay cáu gắt. Thứ ba là ảnh hưởng đến hệ tiết tiết niệu sinh dục. Ngoài ra nó còn có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch rồi xương khớp...

Có rất nhiều người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh cũng như giai đoạn trung niên thì hay gặp những vấn đề liên quan đến thoái hóa xương khớp sớm hoặc có thể dễ gãy xương hơn bình thường?

- Có rất nhiều người đến độ tuổi mãn kinh hay bị đau xương, loãng xương hoặc đau khớp. Đa số nghĩ là do vấn đề về tuổi già, ít khi nghĩ nó liên quan đến cả vấn đề về nội tiết, vấn đề mãn kinh. Nhưng thực ra, mãn kinh liên quan mật thiết đến sức khỏe của xương. Và một trong những nguyên nhân gây loãng xương là do giảm estrogen.

Estrogen có một chức năng là làm tăng hoạt động của tế bào tạo xương. Chính vì vậy, phụ nữ mãn kinh có nguy cơ gãy xương do loãng xương cao hơn. Hàng năm ở Mỹ có khoảng 2 triệu trường hợp gãy xương do loãng xương. Ở phụ nữ, tỷ lệ gãy xương do loãng xương sẽ tăng theo độ tuổi. Khi 35 tuổi thì tỷ lệ này chỉ khoảng 6,8% nhưng lên đến 80 tuổi thì tỷ lệ này là 35%...

Có nhiều người trong các giai đoạn mãn kinh còn hay mắc chứng hay quên. Vậy mãn kinh có ảnh hưởng gì đến trí nhớ của người phụ nữ không, thưa bác sĩ?

- Tỷ lệ trầm cảm, lo âu, hay lo lắng, nghĩ ngợi nhiều tăng từ 30% ở độ tuổi trước mãn kinh lên tới 70% ở giai đoạn mãn kinh. Nguyên nhân do, estrogen có vai trò là chất điều biến thần kinh, hỗ trợ chúng ta điều khiển về tâm trạng hành vi, cảm xúc. Một số nghiên cứu còn cho thấy estrogen giúp giảm triệu chứng phiền toái như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, giúp ngủ ngon hơn. Ngoài ra một số tác giả ủng hộ giả thuyết estrogen giúp giảm nguy cơ mắc một bệnh lý về não không hồi phục, dần dần phá hủy trí nhớ, khả năng ngôn ngữ và năng lực tư duy .

Mãn kinh còn có ảnh hưởng nào liên quan đến bên ngoài người phụ nữ không?

- Khi phụ nữ có tuổi, làn da xuống sắc rất nhanh. Bởi da được cấu tạo bới các chất chính (collagen, elastin, glycosaminoglycans,...). Các thành phần này sẽ giảm ở tuổi mãn kinh. Khi collagen giảm thì da có nhiều nếp nhăn hơn, kém căng mịn hơn. Còn khi giảm elastin thì da giảm khả năng đàn hồi, bị nhăn nheo chảy xệ xuống, thậm chí có chỗ vón cục. Khi giảm glycosaminoglycans thì da sẽ kém giữ ẩm hơn. Do đó, khi ta bổ sung estrogen thiếu hụt, chính là bổ sung tất cả các chất cần thiết giúp da khỏe mạnh và cho sự toàn vẹn cấu trúc da. Ngoài ra, estrogen còn có vai trò giúp tăng tưới máu cho làn da, tăng sửa chữa của da, và làm giảm hắc tố. Nếu phụ nữ khi bước vào giai đoạn mãn kinh, nên phối hợp đi kèm các biện pháp phòng ngừa từ bên ngoài và bên trong.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

TÙNG LINH (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giai-ma-cac-trieu-chung-tuoi-man-kinh-10291139.html