Giải mã công thức quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025

Quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025 có gì mới? Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của bạn, đừng bỏ lỡ!

Bảo đảm công bằng cho thí sinh

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025, các trường đại học vẫn được sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp, đồng thời quy đổi điểm giữa các phương thức, tổ hợp về thang chung.

Như tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm trước, kỳ thi đánh giá tư duy tính theo thang điểm 100, xét tuyển tài năng thang 110, xét điểm thi tốt nghiệp THPT thang 30 thì năm nay phải quy về cùng một thang.

Bộ yêu cầu việc quy đổi phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng, trong đó, các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc trung học phổ thông làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố dự kiến cách quy đổi điểm. Mới đây nhất là Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Theo đó, công thức được nhà trường dựng trên một biểu đồ, thí sinh có thể nhập điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội (SPT) vào để nhận kết quả quy đổi sang điểm thi trung học phổ thông.

Biểu đồ công thức quy đổi điểm của Trường đại học Sư phạm Hà Nội

Biểu đồ công thức quy đổi điểm của Trường đại học Sư phạm Hà Nội

Cụ thể, trục hoành là giá trị điểm SPT, trục tung là điểm thi THPT tương ứng.

Theo công thức quy đổi điểm dự kiến của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, 6 điểm kỳ thi SPT tương đương 7,25 điểm thi tốt nghiệp THPT; 7 điểm SPT tương đương 8 điểm thi tốt nghiệp THPT; 8 điểm SPT tương đương 8,67 điểm tốt nghiệp THPT; 9 điểm SPT tương đương 9,33 điểm tốt nghiệp THPT.

Theo công thức quy đổi, 9 điểm thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội sẽ bằng 9,33 điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thông tin về công thức quy đổi điểm xét tuyển dự kiến của nhà trường. PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho hay, năm nay, trường tuyển sinh bằng 3 phương thức: Xét tuyển tài năng, dựa vào điểm thi đánh giá tư duy (TSA) và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đầu vào theo phương thức xét tuyển tài năng và điểm thi TSA sẽ được Đại học Bách khoa Hà Nội quy đổi tương đương với điểm của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, qua công thức: “y = ax + b”. Trong đó, y là điểm quy đổi tương đương từ điểm xét của kết quả thi TSA; x là điểm xét theo điểm thi THPT; a, b là các hệ số quy đổi. Giá trị hệ số a, b và số khoảng điểm trong một dải điểm sẽ được trường tính toán và công bố (dạng bảng số). Thí sinh có điểm xét nằm trong khoảng nào thì sẽ tra cứu được hệ số a, b để tính.

Việc xác định giá trị các hệ số quy đổi và chia khoảng phải căn cứ vào một số yếu tố, như: phổ điểm thi tốt nghiệp của thí sinh, phương thức ưu tiên của trường, chất lượng tuyển của phương thức áp dụng (kết quả học tập của sinh viên một số khóa trước đó).

Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến chia thành 4 khoảng điểm. Hệ số a, b sẽ được xác định khi chính thức có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ông Nguyễn Phong Điền khẳng định việc xác định hệ số quy đổi sẽ theo hướng công bằng nhất cho thí sinh, tránh việc các em đăng ký xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT bị giảm cơ hội trúng tuyển khi trường quá ưu tiên cho các phương thức khác.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Phòng Truyền thông và Tuyển sinh - Trường Đại học Thương mại, cho biết công thức tính điểm xét tuyển của các phương thức được tính toán kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm sự công bằng cho thí sinh. Nhà trường căn cứ điểm chuẩn của 3 năm gần nhất, so sánh với kết quả học tập của những thí sinh trúng tuyển theo các phương thức này và nhận thấy có sự tương đồng. Đây là dữ liệu để tính toán, đưa ra công thức xét tuyển năm 2025.

Thí sinh không nên lo lắng về việc quy đổi điểm. Ảnh minh họa

Thí sinh không nên lo lắng về việc quy đổi điểm. Ảnh minh họa

8.5 IELTS mới được quy đổi thành điểm 10

Với môn ngoại ngữ, trong khi nhiều trường cho phép thí sinh quy đổi IELTS 7.0 - 7.5 thành điểm 10, một trường ở Hà Nội yêu cầu thí sinh phải có IELTS 8.5 mới được đổi thành điểm 10 xét tuyển đại học.

Loạt trường đại học tiếp tục cho phép thí sinh quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thành điểm xét tuyển đại học.

Năm nay, Học viện Ngoại giao gây bất ngờ khi yêu cầu thí sinh phải đạt IELTS 8.5-9.0 mới được quy đổi thành điểm 10. Thí sinh có IELTS 6.0 chỉ được quy đổi thành 7,5 điểm, IELTS 6.5 được quy thành điểm 8.

Dù đạt IELTS 8.0 - mức điểm nhiều người mơ ước, thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường này cũng chỉ được quy đổi thành 9,5 điểm môn tiếng Anh.

Không riêng chứng chỉ tiếng Anh, mức quy đổi các chứng chỉ khác ở những ngoại ngữ khác cũng khá cao. Ví dụ, thí sinh có chứng chỉ tiếng Trung HSK6 hoặc tiếng Nhật N1 (mức điểm từ 130) mới được quy đổi thành điểm 10. Đây đều là những mức cao nhất trong các bài thi năng lực ngôn ngữ quốc tế.

Đối với việc quy đổi bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế, Học viện Ngoại giao yêu cầu thí sinh phải đạt 1.450-1.600/1.600 điểm trong bài thi SAT hoặc 33-36/36 điểm trong bài thi ACT mới được quy đổi thành điểm 10.

Trong khi đó, tại Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu sử dụng IELTS để xét tuyển kết hợp, thí sinh lưu ý phải có IELTS 7.5 trở lên mới được quy đổi thành điểm 10 và sẽ được quy thành điểm 9,5 nếu có IELTS 7.0.

Thí sinh có IELTS 5.5 cũng sẽ được quy đổi thành điểm 8 khi đăng ký xét tuyển tại trường này.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho phép thí sinh sử dụng điểm IELTS để xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và quy đổi để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.

Với hình thức quy đổi thành điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đạt IELTS từ 6.0 trở lên có thể được quy đổi thành điểm 10 và mức thấp nhất là IELTS 4.0, được quy đổi thành 6 điểm. Đây là cơ sở giáo dục đại học duy nhất tính đến thời điểm hiện tại cho phép thí sinh dùng IELTS 4.0 để quy đổi điểm thi.

Một số trường đại học khác cũng đã thông báo mức quy đổi điểm IELTS trong xét tuyển đại học 2025. Mức quy đổi của các trường cụ thể như sau:

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường được quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn này để đưa vào tổ hợp xét tuyển, nhưng trọng số không quá 50%. Như vậy, với tổ hợp ba môn và thang điểm 30, điểm ngoại ngữ sau khi quy đổi hay nhân hệ số được chiếm tối đa 15 điểm.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định điểm cộng khuyến khích, điểm thưởng với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, không được vượt quá 10% mức tối đa của thang điểm xét, ví dụ tối đa 3 điểm trên thang 30. Đồng thời, các trường phải đảm bảo không có thí sinh nào có điểm xét tuyển (bao gồm cả điểm cộng và điểm ưu tiên khu vực, đối tượng) vượt quá mức tối đa.

Điều này đồng nghĩa, nếu thí sinh đã đạt 30 điểm theo tổ hợp xét tuyển, việc có chứng chỉ ngoại ngữ gần như vô nghĩa.

Lãnh đạo các trường đại học cho biết đã thu thập, phân tích dữ liệu để xây dựng công thức mẫu, trong khi chờ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Dù sẽ phải tính toán nhiều, các trường đều nhấn mạnh thí sinh không nên lo lắng về việc quy đổi điểm. Thay vào đó, thí sinh tập trung học tập tốt, ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và có thể tham dự một số bài thi đánh giá năng lực, cải thiện điểm chứng chỉ quốc tế để tăng cơ hội trúng tuyển. Khi có kết quả, thí sinh chỉ cần áp theo công thức sẽ ra điểm xét tuyển. Về cơ bản, những em có năng lực phù hợp vẫn trúng tuyển.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-ma-cong-thuc-quy-doi-diem-xet-tuyen-dai-hoc-2025-381119.html