Giải mã cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên trên thế giới
Đó là cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 giữa Mỹ cùng liên quân chống Iraq.
Nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc chiến là do những sai lầm chiến lược của Iraq, tấn công nhằm thôn tính Kuwait - một quốc gia có chủ quyền, thành viên của Liên Hợp Quốc mà không tính đến khả năng phản ứng của Mỹ và phương Tây.
Liên hợp vũ khí công nghệ cao
Mỹ và NATO tấn công Iraq nhằm phá hủy sức mạnh quân sự, kinh tế, kiềm chế, phong tỏa, tiến tới thay đổi chế độ Saddam Hussein. Đây cũng là thời cơ Mỹ thử nghiệm học thuyết quân sự và vũ khí mới, thực thi những ý tưởng chiến lược, chiến dịch, chiến thuật trong tập hợp, huy động lực lượng, chuẩn bị và tác chiến liên hợp với vũ khí công nghệ cao trong thời đại thông tin.
Để tranh thủ dư luận, Mỹ đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao thuyết phục lãnh đạo các nước, nhân dân Mỹ và thế giới về tính bức thiết của cuộc chiến, tạo sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước, nhất là khối NATO. Mỹ đã thiết lập được một liên minh gồm 30 nước, trong đó có cả Ảrập Xêút, Ai Cập, Syria.
Liên quân do Mỹ đứng đầu đã có nửa năm chuẩn bị, triển khai không quân, hải quân, lính thủy đánh bộ, căn cứ hậu cần áp sát biên giới Iraq và tiến hành trinh sát các mục tiêu trọng yếu. Cuộc tấn công Iraq thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 với chiến dịch “Lá chắn sa mạc” phong tỏa đường biển, đường không, đưa lực lượng tiến công áp sát Iraq.
Giai đoạn 2 với chiến dịch “Bão táp sa mạc”, tấn công đường không bằng không quân và tên lửa bắn phá các mục tiêu và khu vực phòng ngự của Iraq kể cả trên đất Kuwait, khống chế toàn bộ trên không, vô hiệu hóa bộ binh, thực hiện tác chiến nghi binh trên hướng biển, tạo điều kiện cho chiến dịch trên bộ tiếp theo.
Giai đoạn 3 với chiến dịch “Thanh gươm sa mạc”, là sự kết hợp tấn công đường bộ, đường biển với đổ bộ đường không chiến dịch trong chiều sâu chiến lược, thực hành bao vây, chia cắt, thọc sâu với tốc độ nhanh vô hiệu hóa lục quân Iraq.
Đúng theo lý luận tác chiến không- bộ với hình thức tác chiến liên hợp, Mỹ và liên quân đã sử dụng ưu thế hải quân, không quân, vũ khí trang bị... tấn công bằng hỏa lực cùng với tác chiến điện tử làm “mềm chiến trường”, làm “mù, điếc” các mục tiêu của Iraq...
Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tuy chỉ có 8% số lượng bom đạn có điều khiển nhưng đã phá hủy 80% mục tiêu quan trọng của Iraq. Chỉ với 25 lần xuất kích trong đêm đầu tiên, máy bay tàng hình F-117A đã thực hiện 40% nhiệm vụ của không quân và cùng với bom đạn thông minh diệt được 87 mục tiêu quan trọng.
Sự thất bại "nhãn tiền" của Iraq
Đây cũng là lần đầu tiên, tấn công hỏa lực được kết hợp chặt chẽ với chiến tranh thông tin và sử dụng hệ thống chỉ huy C4I2 (command, control, communications, computers, intelligence, interoperability - chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính, tình báo, tương tác) trên phạm vi toàn chiến trường, đảm bảo trinh sát và tấn công theo thời gian thực.
Iraq thất bại do thiếu khả năng dự báo và nhận định chiến lược. Lãnh đạo Iraq quá tin vào sự hùng biện và tuyên truyền của chính họ, thiếu những dự báo khoa học và nhận định khách quan về đối phương, không dự đoán đánh giá hết phản ứng của Ảrập Xêút, tính toán sai phản ứng của Mỹ và khả năng lập liên quân, sức mạnh tác chiến liên hợp có vũ khí công nghệ cao.
Iraq lập kế hoạch tác chiến chiến lược chủ yếu theo các điều kiện của cuộc chiến tranh với Iran. Họ chưa thấy được những thay đổi về tình hình quân sự thời đại hậu công nghiệp nên chưa thấy được chỗ mạnh, chỗ yếu của quân nhà. Họ bố trí chiến lược thiên về phòng ngự tĩnh, thiếu sự liên kết.
Việc tổ chức tác chiến giữa các quân đoàn, giữa vệ binh cộng hòa và các binh đoàn chính quy khác không chặt chẽ. Lãnh đạo, chỉ huy tập trung cứng nhắc, khi bị đánh phá dễ mất chỉ huy- kiểm soát- hiệp đồng; các lực lượng mất phương hướng vì bị cô lập. Chưa có biện pháp hữu hiệu khắc phục điểm yếu về khả năng trinh sát và chỉ huy đồng thời trên cả chiến trường, về khả năng phòng không, cơ động.
Lực lượng Iraq tổ chức phòng ngự thiếu chiều sâu và liên hoàn, chưa coi trọng tính tích cực trong phòng ngự bằng vận động tấn công, chưa coi trọng lực lượng tại chỗ để bù cho khả năng cơ động yếu hơn đối phương. Các đơn vị dự bị của Iraq tuy mạnh, nhưng không linh hoạt nên dễ trở thành mục tiêu cho các vũ khí trinh sát và tấn công tức thời.
Tác chiến phòng không của Iraq kém hiệu quả vì bố trí không hợp lý. Do không sử dụng các hệ tên lửa phòng không tầm xa bảo vệ lực lượng trên chiến trường Kuwait, nên các lực lượng này nhanh chóng bị vô hiệu hóa. Các hệ thống phòng không bảo vệ yếu địa được bố trí theo đội hình cứng nhắc, ít di chuyển, cơ động nên dễ bị định vị và tiêu diệt.