Giải mã điểm nóng Bakhmut
Theo tình báo Mỹ, trong vòng 5 tháng qua, Nga đã mất khoảng 100.000 binh sĩ tại Ukraine. Phần lớn những tổn thất này xảy ra ở mặt trận Bakhmut.
Nhiệm vụ chiến lược
Bakhmut là một TP ở vùng Donetsk, nơi có khoảng 70.000 người sinh sống trước khi bắt đầu chiến sự nổ ra trên diện rộng, và hiện nay nó gần như bị phá hủy hoàn toàn. Các lực lượng Ukraine ở đó từ lâu đã bị bán bao vây.
Hầu hết các khu phố đã thuộc sự kiểm soát của quân đội Nga. Tuyến đường luân chuyển kho đạn và binh lính thường xuyên bị quân đội Nga tấn công.
Tuy nhiên, ở phía Tây TP này, binh lính Ukraine đang cố thủ trong các khu chung cư.
Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby, trích dẫn dữ liệu được giải mật từ cộng đồng tình báo Mỹ, nói rằng hơn 20.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ tháng 12 năm ngoái và 80.000 người khác bị thương.
Một quan chức quân sự giải thích rằng một phần đáng kể của những tổn thất này xảy ra trong trận chiến giành Bakhmut, với gần một nửa số người chết là thành viên của nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga.
Các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều lý do cho quyết tâm “phải có Bakhmut” của Nga, bất chấp cả những thiệt hại lớn về nhân lực. Nhìn chung, việc chiếm được Bakhmut sẽ mang lại cho Nga phạm vi hoạt động để tiến hành một cuộc tấn công tiếp theo trên tuyến Sloviansk-Kramatorsk. Ngoài ra, thông qua Bakhmut, đó sẽ là một con đường thông suốt từ Raygorodok chảy vào Donetsk, Mariupol và các TP khác của Donbass.
Sau khi rút khỏi Kherson, lo sợ sự phát triển của Lực lượng vũ trang Ukraine, quân Nga đã gia tăng áp lực về phía Đông. “Họ hy vọng rằng Ukraine sẽ tung quân dự bị vào mặt trận này, và điều này sẽ khiến một cuộc phản công toàn diện là không thể với Kiev” - Alexander Musienko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý quân sự, giải thích với New Europe.
Tuy nhiên, cũng theo Musienko, người Nga đã “rơi vào cái bẫy của chính họ”, khi không thể làm hao mòn lực lượng Ukraine, trong khi Moscow lại buộc phải ném ngày càng nhiều quân dự bị vào Bakhmut.
Về phần mình, Kiev tin rằng nếu Nga thắng tại “chảo lửa” Bakhmut, Tổng thống Vladimir Putin sẽ buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán với những yêu sách khó chấp nhận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã giải thích quan điểm của mình về vấn đề này trong một phát biểu hồi cuối tháng 3 năm nay: “Putin sẽ bán chiến thắng này cho phương Tây, cho nước Nga, Trung Quốc, Iran”. Nhà lãnh đạo thừa nhận người Ukraine có thể cảm thấy mệt mỏi sau một năm chiến tranh khốc liệt, từ đó thúc đẩy Chính phủ Kiev thỏa hiệp với Moscow.
Để thấy, chinh phục Bakhmut rõ ràng là một nhiệm vụ chiến lược đối với quân đội Nga và Tập đoàn Wagner. Nhưng tình hình dường như đã bắt đầu thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine. Yevgeny Prigozhin - người đứng đầu nhóm Wagner - đã nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng cấp dưới của ông đang chịu tổn thất nghiêm trọng.
Prigozhin sau đó cũng đăng một video trên Telegram, trong đó đổ lỗi cho giới lãnh đạo quân đội Nga vì việc chậm trễ cung cấp đạn dược, dẫn đến những thiệt hại cho lực lượng tiền tuyến ở Bakhmut. Thủ lĩnh của Wagner thậm chí còn đe dọa sẽ rút quân khỏi Bakhmut vào nửa đêm ngày 10/5 nếu không được chi viện kịp thời.
Trong khi đó, Chỉ huy Lữ đoàn Xung kích độc lập số 3 Ukraine ngày 10/5 tuyên bố đã đánh bại Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới số 72 của Nga đang tham chiến tại Bakhmut, xóa sổ đại đội 6 và 8 của đơn vị này, cũng như gây tổn thất nặng cho đơn vị xung kích số 3 của Wagner. Tài khoản Telegram của Lữ đoàn 3 cũng xác nhận tuyên bố trước đó của Yevgeny Prigozhin rằng Lữ đoàn 72 quân đội Nga đã “tháo chạy” khỏi Bakhmut.
Liên quan đến diễn biến này, blogger quân sự nổi tiếng Anastasiya Kashevarova nhận định rằng các đơn vị Wagner và Lữ đoàn 72 đã để lộ ra lỗ hổng nghiêm trọng ở Bakhmut khi “hoàn toàn không liên lạc với nhau”. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến hai đại đội của Lữ đoàn 72 chịu thiệt hại.
“Lữ đoàn 72 cấm các sĩ quan thuộc quyền phối hợp trực tiếp với Wagner, trong khi Wagner lại tỏ ra quá kiêu ngạo. Hậu quả là Lữ đoàn 72 thường không biết ai đang ở bên cánh phải hay cánh trái của mình” - Kashevarova cho biết trên Telegram - “Hai bên không có một chỉ huy thống nhất để đưa ra mệnh lệnh buộc họ phục tùng vô điều kiện. Mặt trận hoàn toàn mất liên kết, điểm yếu mà đối phương đang tận dụng”.
Dấu chấm hết với Prigozhin?
Mối quan hệ thân cận giữa Yevgeny Prigozhin với Chính phủ Nga bắt đầu từ những năm 1990, khi Prigozhin chịu trách nhiệm làm việc với các công ty cung cấp thực phẩm cho Điện Kremlin. Nhân vật này nhanh chóng thăng tiến tại Nga, tích lũy được khối tài sản khổng lồ và nổi lên vào năm ngoái với tư cách là nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến tại Ukraine do Tổng thống Putin phát động.
Chính xác, nhóm Wagner chỉ được Điện Kremlin đưa vào cuộc chiến sau khi Nga chịu những tổn thất đáng kể trong trận chiến ở Kiev vào mùa Xuân năm 2022. Ngoài xe tăng, máy bay, trực thăng chiến đấu, pháo hạng nặng và nguồn cung cấp đạn dược không giới hạn, Prigozhin và các chiến binh của Wagner còn được Chính phủ Nga hỗ trợ để tuyển mộ các tù nhân tham gia chiến đấu trong điều kiện an ninh bảo đảm.
Tuy nhiên, mọi thứ được cho đã thay đổi khi Điện Kremlin cảm thấy Prigozhin có tham vọng lớn hơn, và ít nhiều trở nên nguy hiểm hơn về mặt chính trị.
“Hoạt động chính của Prigozhin trong cuộc xung đột này là luôn cố gắng tận dụng chiến tranh và tích lũy thêm tài sản và nguồn lực ở chính nước Nga, từ đó hòng có được một chức vụ chính thức trong Chính phủ, hoặc một vai trò lãnh đạo chính trị lớn, tức là chuyển tài sản quân sự của mình thành tài sản kinh tế và chính trị hữu hình bên trong nước Nga” - Vlad Mykhnenko, một chuyên gia về quá trình chuyển đổi hậu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô (cũ) tại Đại học Oxford (Anh), nói với Newsweek.
Mykhnenko lưu ý: “Quyết định của Tổng thống Putin về việc triệu tập Tướng Valery Gerasimov và nhiều tướng lĩnh khác - những người mà Prigozhin đã công khai chống lại - trở lại để đóng vai trò là chỉ huy trưởng của cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine vào cuối năm 2022 chính là bước khởi đầu cho kết thúc của Prigozhin”.
Tatiana Stanovaya, thành viên cao cấp tại Trung tâm Á - Âu Carnegie Russia cho biết, Tổng thống Putin cũng đã ngăn Tập đoàn Wagner tuyển dụng quân từ nhà tù. “Trước rất nhiều lời phàn nàn về tham vọng cá nhân của Prigozhin, ông Putin đã phản ứng và cân bằng lại tình hình theo hướng có lợi cho các dịch vụ an ninh” - Stanovaya nói và cho biết Tập đoàn Wagner nhiều khả năng sẽ rút khỏi Bakhmut.
“Điều đó là phù hợp. Nếu chúng ta xét theo logic quân sự, thì quân đội không thực sự cần Wagner khi họ thực sự kiệt sức và nhuệ khí xuống thấp. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc rút quân chỉ còn là vấn đề thời gian” - chuyên gia của Trung tâm Á - Âu Carnegie Russia nêu quan điểm.
Trong khi đó, trang tin quân sự Avia Pro ngày 10/5 đã công bố đoạn video ghi lại sự xuất hiện của các đơn vị đầu tiên của lực lượng đặc nhiệm Akhmat, Cộng hòa Chechnya (thuộc Nga), tại Bakhmut. Trước đó, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov hôm 6/5 tuyên bố các binh sĩ Akhmat đã sẵn sàng di chuyển đến Bakhmut và giành quyền kiểm soát TP này.
“Nếu người anh em Prigozhin và những người lính Wagner rút khỏi Bakhmut, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga sẽ mất lực lượng tác chiến giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, trung đoàn đặc biệt Akhmat sẽ thay thế Wagner tại Bakhmut” - ông Kadyrov tuyên bố.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-ma-diem-nong-bakhmut.html