Giải mã đôi bàn tay vàng của thủ môn nữ Kim Thanh
Như một vì sao vụt sáng, thủ môn Trần Thị Kim Thanh trở thành một trong những gương mặt đáng chú ý nhất của tuyển nữ Việt Nam tại World Cup nữ 2023. Đằng sau từng pha cản phá xuất thần của Kim Thanh là những ngày khó khăn nơi đồng ruộng của một cô bé có bàn tay to khác thường.
Chưa đá bóng đã làm thủ môn
Trong địa hạt của bóng đá nam, thủ môn thường chơi ở một vị trí khác trước khi "đóng đinh" với vị trí “người gác đền”. Vì thế, không ít thủ môn sở hữu khả năng xử lý bóng tốt và có thể thi đấu dũng mãnh trên sân bóng phủi. Nhưng bóng đá nữ rất khác bóng đá nam, và lý do đưa Trần Thị Kim Thanh đến với nghiệp thủ môn càng khác hơn nữa.
Dường như trong cả sự nghiệp thi đấu, từ lúc còn là thành viên đội trẻ TP Hồ Chí Minh cho đến ngày tung hoành trên sân cỏ World Cup, Kim Thanh chỉ biết bắt gôn. Câu chuyện đưa thủ môn này đến với bóng đá cũng vô cùng tréo ngoe. Cô không đá bóng vì đam mê. Tất cả những gì cô nghĩ được là công việc này sẽ giúp gia đình bớt một miệng ăn.
Kim Thanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nơi thôn quê Long An. Tuổi thơ của cô gái sinh năm 1993 là những ngày phụ giúp gia đình làm thuê kiếm tiền. Mỗi ngày đi học về, Kim Thanh thường ra ruộng giúp mẹ nhổ đậu trên những cánh đồng lớn. Thỉnh thoảng, cô gái nhỏ còn nhận việc kéo cá cùng người lớn.
Khoản thu nhập khiêm tốn từ những công việc chân tay hồi nhỏ đã giúp Kim Thanh rèn luyện thái độ chuyên cần, chịu khó. Nhưng cũng chính những ngày lao động thời thơ ấu ấy dường như đã giúp đôi bàn tay của cô dần to ra. Đây cũng là cơ duyên đưa Kim Thanh đến với bóng đá, xa hơn là sân chơi Asian Cup, World Cup và nhiều giải đấu khác.
Năm Kim Thanh 15 tuổi, ngôi trường nơi cô theo học có 2 người bạn trúng tuyển lớp năng khiếu bóng đá của CLB nữ TP Hồ Chí Minh. Qua trao đổi với đại diện nhà trường, đội bóng TP Hồ Chí Minh muốn tìm thêm học sinh để làm thủ môn. Tiêu chí CLB đưa ra là một nữ sinh có chiều cao tốt, cùng bàn tay to hơn bình thường.
Thể theo yêu cầu của CLB TP Hồ Chí Minh, các giáo viên thể chất cùng khảo sát học sinh trong toàn trường. Số người đáp ứng yêu cầu ngày càng thu bé lại, cho đến khi chỉ còn một mình Kim Thanh. “Người gác đền” của đội tuyển nữ Việt Nam khi ấy chưa bao giờ chơi bóng, nhưng cảm thấy hứng thú trước đề nghị CLB đưa ra nên nhanh chóng đồng ý.
Theo chia sẻ của cá nhân Kim Thanh, gia đình ban đầu không đồng ý để cô con gái nhỏ một mình lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp ở tuổi 15. Câu chuyện con gái đá bóng ngày ấy cũng không được nhiều người ủng hộ. Nhưng cuối cùng, Kim Thanh vẫn quyết định đi nhằm giúp gia đình bớt một miệng ăn, bởi CLB TP Hồ Chí Minh sẽ bao nuôi vận động viên trẻ.
Một huấn luyện viên từng chia sẻ: "Không chỉ riêng bóng đá, mỗi khi tuyển chọn vận động viên ở địa phương, chúng tôi phải xem gia cảnh các em như thế nào. Những em có gia đình khó khăn thường được chọn vì các em sớm hình thành cuộc sống tự lập, biết vượt khó". Đây cũng là những phẩm chất tốt đẹp nhất của Kim Thanh trong 15 năm chơi bóng.
8 năm dự bị rồi mắc sai lầm
Kim Thanh được đôn lên đội một CLB TP Hồ Chí Minh khi mới 17 tuổi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cô gái quê Long An nhanh chóng có một suất thi đấu trong đội hình chính thức. Trong khoảng 7 - 8 năm đầu sự nghiệp, Kim Thanh thường đóng vai “kép phụ”. Cơ hội bắt chính của cô không nhiều, bởi trong khung gỗ CLB và Đội tuyển Quốc gia là Kiều Trinh.
Khi còn thi đấu, thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh là một trong những “người gác đền” xuất sắc nhất lịch sử bóng đá nữ Việt Nam. Cô có 3 lần vô địch SEA Games, 3 lần giành Quả bóng vàng nữ Việt Nam. Phải đến khi Kiều Trinh từ giã đội tuyển quốc gia và giải nghệ, cơ hội bắt chính mới thực sự đến với Kim Thanh.
Ít ai có thể tưởng tượng một trong những trận đầu tiên Kim Thanh đóng vai “kép chính” lại là màn trình diễn thảm họa. Đó là trận bán kết AFF Cup nữ 2018, nơi đội tuyển Việt Nam bị U20 Australia loại ở trận bán kết. Sau 90 phút thi đấu chính thức, Việt Nam để thua 2 - 4, qua đó để mất vé chơi trận chung kết vào tay đối thủ.
Thất bại của đội tuyển nữ Việt Nam có lẽ đã dễ nuốt trôi với Kim Thanh nếu như cô không phải người mắc lỗi trực tiếp dẫn đến 2 bàn thua. Ở vòng bảng trước đó, Kim Thanh bắt chính 3/4 trận, và chỉ để thủng lưới khi đội tuyển nữ Việt Nam chạm trán Myanmar trong trận tranh vị trí nhất bảng. Sai lầm của Kim Thanh khiến cú đúp Tuyết Dung ghi được ngày hôm đó chẳng thể cứu vãn tình thế.
Hồi tưởng về trận thua 5 năm trước, Kim Thanh từng nói cô đã khóc rất nhiều trên đường từ sân bóng về. Đó là trận đấu lớn nhất trong sự nghiệp của Kim Thanh từ lúc khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng cô lại liên tiếp mắc sai lầm và khiến đội nhà nhận thất bại. Chỉ có sự quan tâm của các đồng đội mới giúp cô nhanh chóng lấy lại tinh thần.
Ở nhiều buổi phỏng vấn trước và trong thời gian World Cup nữ diễn ra, HLV Mai Đức Chung nói gương mặt ông tin tưởng nhất ở đội tuyển nữ Việt Nam là Kim Thanh. Đây có lẽ là một phần lý do khiến ông Chung "gái" luôn điền tên Kim Thanh vào bắt chính ở những trận đấu quan trọng, dù cô là thủ môn có chiều cao khiêm tốn nhất đội tuyển.
Sau trận đấu thảm họa ở AFF Cup nữ 2018, Kim Thanh đã rèn luyện rất nhiều để không mắc sai lầm tương tự. Bên cạnh đó, kết thúc Asian Cup nữ 2022, Kim Thanh từng được AFC vinh danh là một trong những thủ môn có số lần cản phá nhiều nhất giải. Nếu không có Kim Thanh trong khung gỗ, giấc mơ World Cup có lẽ khó đạt được hơn nhiều.
Mảnh lưới không tan nát
Không lâu sau khi trận đấu giao hữu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và Đức khép lại, Kim Thanh từng nói vui trên mạng xã hội: "Tôi cứ tưởng khung thành mình sẽ bị bắn phá tan nát trong trận đấu vừa rồi". Trên thực tế, điều đó đã xảy ra trong trận giao hữu kín với Tây Ban Nha khi tuyển nữ Việt Nam thua 0 - 9. Nhưng Kim Thanh và các đồng đội đã không để điều đó lặp lại khi bước vào World Cup.
Thật thú vị khi biết Kim Thanh liên tiếp được chấm điểm cao nhất trong số những cầu thủ nữ Việt Nam tham dự World Cup lần này. Giới chuyên môn đánh giá cô rất cao ở phản xạ nhanh nhạy và những tình huống cứu thua xuất thần. Kim Thanh có thể không quá cao, nhưng lại sở hữu những tố chất cần thiết khác của một thủ môn để bù lại điểm yếu.
"Không phải thủ môn nào cũng dám tự tin nói mình có thể cản phá cú sút phạt đền của Alex Morgan, nhưng Kim Thanh thì có". AFC đã bình luận như vậy sau khi chứng kiến thủ môn của đội tuyển Việt Nam đẩy đi cơ hội mười mươi từ một trong những cầu thủ xuất sắc nhất bóng đá nữ thế giới đương đại. Kim Thanh thủng lưới 3 bàn, nhưng đã cứu thua gấp đôi con số đó.
Phong độ cao của Kim Thanh tiếp tục được cô thể hiện khi tuyển nữ Việt Nam gặp Bồ Đào Nha. “Người gác đền” của đội tuyển Việt Nam nhận 2 bàn thua chóng vánh đầu hiệp 1, nhưng cô đã giữ sạch lưới trong khoảng thời gian còn lại. Cô thậm chí đứng đầu danh sách thủ môn cản phá tốt nhất lượt trận thứ 2 World Cup với 7 tình huống cứu thua.
Đâu là lý do giúp Kim Thanh trở thành thần hộ mệnh của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup? Tinh thần không bỏ cuộc dường như là một trong những nguyên nhân then chốt. Như Kim Thanh đã nói, cô biết mình có thể bị đối phương "bắn phá tan nát" khung thành, nhưng vẫn dũng cảm bước vào trận đấu và quyết không để điều đó xảy ra.
Hành trình của Kim Thanh và đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023 đã sớm khép lại, nhưng đó không phải điểm chấm hết của một hành trình. Ngược lại, đây còn là cánh cửa mở ra một hướng đi mới, nơi những cầu thủ chiêm ngưỡng đẳng cấp thế giới. Giống như Kim Thanh, tinh thần không bỏ cuộc sẽ đưa đội tuyển tiếp tục tiến xa với những đích đến chẳng ai ngờ trước.
Hình mẫu cho hướng phát triển bóng đá mới
Những người hâm mộ môn thể thao vua đều ít nhất một lần nghe tên Guillermo Ochoa. Thủ môn có mái tóc xù của đội tuyển Mexico thường chơi không quá nổi bật ở câu lạc bộ, nhưng lại thi đấu đặc biệt xuất sắc mỗi khi lên tuyển dự World Cup. Ochoa được ví như bông hoa chỉ nở 4 năm một lần. Anh vẫn thi đấu ở tuổi 38 và mơ về một kỳ World Cup tiếp theo, khi đã bước qua tuổi 40.
Trong bóng đá nữ, những thủ môn như Ochoa xuất hiện ngày một nhiều hơn ở World Cup 2023. Kim Thanh là gương mặt đáng chú ý nhất với 13 pha cứu thua trong 2 trận đấu, bao gồm 1 lần cản phá phạt đền. Những đội tuyển nhỏ như Nigeria, Costa Rica cũng có thủ môn chơi xuất thần ở giải đấu năm nay. Họ là những người nâng tỷ lệ cản phá cú sút trúng đích ở World Cup 2023 lên 74%, cao hơn 9% so với 8 năm trước.
Đánh giá về màn trình diễn của Kim Thanh và nhiều thủ môn thuộc các đội tuyển cửa dưới, các chuyên gia bóng đá bình luận bóng đá nữ có thể phát triển theo một hướng mới. Thay vì xây dựng một đội bóng mạnh đều các tuyến, những đội tuyển nhỏ có thể chơi phòng ngự phản công xoay quanh một thủ môn giỏi. Đó là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công ở một giải đấu ngắn ngày như World Cup.
Kinh phí đào tạo một thủ môn xuất sắc cũng khiêm tốn hơn nhiều so với những vị trí khác. Điểm yếu của phương pháp này là với những đội tuyển không có nhiều cầu thủ sở hữu chiều cao tốt như Việt Nam, họ sẽ phải tìm một thủ môn nữ có nhiều tố chất đặc biệt khác. Rất may là Kim Thanh sở hữu đầy đủ những điểm mạnh đó.