Giải mã hội chứng Stockholm nổi tiếng nhất trong tâm lý học
Liên quan tới những vụ bắt cóc, các chuyên gia tâm lý luôn lo ngại với những trường hợp con tin được giải thoát sẽ có nguy cơ mắc các sang chấn tâm lý cao. Đó là một dạng thức của rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với những sự kiện gây tổn thương và tiếp tục kéo dài dù sự kiện đó đã kết thúc. Tuy nhiên, lại có một dạng sang chấn tâm lý 'lạ' mà con tin sau một khoảng thời gian bị giam cầm đã chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang yêu mến, đồng cảm với kẻ bắt cóc. Trạng thái đó chính là biểu hiện của hội chứng tâm lý Stockholm - 'bài toán' đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ để thách thức các nhà tâm lý học đưa ra được lời giải đáp hợp lý.
Khởi nguồn của hội chứng tâm lý Stockholm
Ngày 23-8-1973, tên tù vượt ngục Jan Erik Olsson đã bất ngờ cầm súng xông vào ngân hàng Kreditbanken nằm gần quảng trường Norrmalmstorg ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Hắn điên cuồng xả súng khủng bố và bắt giữ 4 nhân viên (bao gồm 3 nữ và 1 nam) để đòi chính quyền Thụy Điển trả 3 triệu Krona tiền chuộc và thả Clark Olofsson - bạn tù của hắn.
Sau 5 ngày, Cảnh sát Thụy Điển cuối cùng cũng khống chế được Olsson và giải cứu thành công 4 con tin.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm vấn, cả 4 con tin đều khai nhận rằng lúc đầu họ đã thực sự sợ hãi. Nhưng, Olsson đã nói hắn ta không muốn làm hại ai nên đến ngày thứ 2 họ cảm thấy người đàn ông này không hề xấu và còn đang cố gắng bảo vệ họ. Vì thế, có lúc các con tin đã che chắn để cảnh sát không thể bắn kẻ bắt cóc.
Thậm chí, Kristin Enmark - một trong 4 con tin, sau này còn trở thành bạn thân của kẻ bắt cóc.
Biểu hiện tâm lý "ngược đời" của các con tin trên sau được gọi là hội chứng tâm lý Stockholm, do Nils Bejerot (1821-1988), giáo sư y khoa đồng thời là chuyên gia tội phạm học và cố vấn về bệnh tâm thần cho Cảnh sát Thụy Điển trong cuộc giải cứu con tin ngân hàng, đặt theo tên nơi thành phố diễn ra vụ bắt cóc.
Ghi nhận những trường hợp tương tự
Sau vụ bắt cóc nổi tiếng rúng động cả đất nước Thụy Điển (1973) liên tiếp nhiều nơi trên thế giới đã xảy ra những vụ án tương tự mà con tin "phải lòng" kẻ bắt cóc.
Ngày 19-5-1977, Colleen Stan (20 tuổi, ở Mỹ) đã bị hai vợ chồng nhà Cameron Hooker bắt cóc khi đang trên đường đến dự sinh nhật bạn. Cô bị nhốt trong một chiếc hộp dưới gầm giường và chỉ thực sự được ra ngoài khi người đàn ông tên Cameron phát tiết muốn đánh đập cô.
Cameron đã làm một bản hợp đồng, nếu Colleen tuân thủ thì hắn có thể đưa cô về thăm nhà vào những dịp đặc biệt dưới danh nghĩa bạn trai. Colleen dần rơi vào cảm giác thích ứng với hiện tại và còn ngộ nhận bản thân đã đem lòng yêu hắn. Phải đến tháng 8-1984, Janice - vợ của Cameron vì ghen tuông đã tố cáo tội ác của chồng, lúc đó Colleen mới thực sự được giải thoát. Năm 2016, câu chuyện của Colleen được chuyển thể thành phim “The girl in the box” (Cô gái bên trong chiếc hộp) do nữ diễn viên Addison Timlin thủ vai chính.
Natascha Kampusch, người Áo, là một nạn nhân mắc các triệu chứng điển hình của hội chứng Stockholm. Ngày 2-3-1998, cô bị Wolfgang Priklopil bắt cóc trên đường tới trường. Hắn đã nhốt cô dưới hầm chỉ rộng chừng 5m2 và thường xuyên đánh đập, bỏ đói cô trong suốt 8 năm. Tuy nhiên, chính Kampusch đã từng thừa nhận, đôi khi Priklopil cũng đối xử ân cần với cô. Ví như, có những buổi sáng, hắn đánh thức cô dậy cùng ăn sáng. Hắn cũng mua sách báo, tivi để cô tự học. Cả hai còn có những chuyến đi chơi vui vẻ bên ngoài. Bởi thế mãi đến tháng 8-2006, cô mới quyết định thoát ra. Khi nghe tin Priklopil lao đầu vào tàu hỏa tự sát trong lúc bị cảnh sát truy đuổi, cô đã rơi nước mắt.
Tháng 9-2010, Natascha đã giới thiệu cuốn sách “3.096 ngày sống trong địa ngục”
Sau khi thoát khỏi tên bắt cóc, cô đã lựa chọn sống ở ngôi nhà của hắn như một cách trị liệu đặc biệt cho những sang chấn tâm lý của mình.
Ngoài ra, các vụ bắt cóc nổi tiếng của Patty Hearst (1974), vụ bắt cóc Elizabeth Smart (2002),... đều đã đưa hội chứng Stockholm trở nên phổ biến hơn.
Giải mã hội chứng tâm lý "ngược đời"
Hội chứng Stockholm là thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái, biểu hiện của con tin như: Cảm giác ngưỡng mộ với thủ phạm, cố làm hài lòng kẻ bắt cóc, chống đối nỗ lực cứu hộ, bảo vệ cho kẻ bắt cóc, từ chối làm chứng chống lại thủ phạm, từ chối chạy trốn, phát triển phẩm chất xấu như kẻ bắt cóc...
Lý giải về hội chứng trên, theo chuyên gia tâm lý học Frank Ochberg: “Hội chứng Stockholm là một dạng của bản năng sinh tồn sơ khai của con người. Khi con tin rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng, đầu tiên nỗi sợ hãi sẽ ập đến với và họ đinh ninh rằng mình sẽ chết. Sau đó, họ lại trải nghiệm trạng thái giống như một đứa trẻ - không thể tự ăn, nói hoặc đi vệ sinh mà không có sự cho phép. Vì vậy, những hành động nhỏ của kẻ bắt cóc con tin như cho ăn, uống đã dẫn đến sự biết ơn ban đầu. Các con tin dần rơi vào trạng thái tự phủ nhận thực tế rằng chính những kẻ bắt cóc đã đẩy họ vào tình huống như vậy, và trong tâm trí họ lại cho rằng đó là những kẻ “tối cao” có quyền quyết định việc họ được sống hay phải chết".
Còn theo nhà phân tâm học Anna Freud: "Hội chứng Stockholm là một dạng rối loạn tâm thần. Sự đồng cảm của nạn nhân với kẻ hành hạ là cách "đánh lừa" của bộ não để giúp nạn nhân phản ứng với nỗi đau mà họ đang phải trải qua. Bằng cách đồng hóa bản thân với kẻ hành hạ, bản ngã của nạn nhân được bảo vệ. Khi đó, nạn nhân chia sẻ chung những suy nghĩ, thái độ và giá trị với kẻ hành hạ, "tạm quên mất" rằng mình đang bị đe dọa".
Theo thống kê của FBI khi nghiên cứu trên 1200 vụ bắt cóc, chỉ có 8% số con tin mới mắc phải hội chứng trên. Các nhà nghiên cứu thuộc FBI đã chỉ ra 3 yếu tố cần thiết dẫn đến sự phát triển Hội chứng Stockholm: Thứ nhất, vụ bắt cóc diễn ra trong khoảng thời gian dài (ít nhất nhiều ngày trở nên); Thứ hai, hung thủ thường xuyên tiếp xúc với các con tin; Thứ ba, bọn bắt cóc có một số hành vi tỏ ra nhân đạo hoặc không gây hại tới nạn nhân.
Hội chứng trên còn phát triển ở dạng quan hệ thân thiết và gần gũi trong đó một người bị xúc phạm, đánh đập, đe dọa, hành hạ (tâm lý hoặc/và thể xác), ví như quan hệ bạo lực trong gia đình (giữa người chồng với người vợ hoặc bố mẹ với con cái).
Và, để giúp nạn nhân thoát khỏi những "bóng ma" tâm lý các bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp dùng thuốc và các phương pháp trị liệu, tương tự như cách điều trị các rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).