Giải mã 'Ký sinh trùng'
'Ký sinh trùng' tuân thủ nguyên tắc của Hollywood cổ điển với nhiều chi tiết ẩn dụ, kỹ thuật gieo - gặt cảnh bài bản và đặc biệt là cấu trúc chương hồi chặt chẽ, nhiều bất ngờ.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim
Ký sinh trùng đã làm nên lịch sử tại Oscar 2020 với 4 tượng vàng cho các hạng mục: Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắc và đặc biệt là Phim xuất sắc.
Chiến thắng không chỉ gây nức lòng giới mộ điệu bộ phim mà còn là nguồn cảm hứng cho giới điện ảnh châu Á. Nhiều ý kiến cho rằng Viện Hàn Lâm đã thay đổi cuộc chơi điện ảnh khi xướng tên liên tiếp Ký sinh trùng, một bộ phim nước ngoài, và do vậy, phá bỏ truyền thống trao giải Phim xuất sắc cho một tác phẩm tiếng Anh.
Song, sự thay đổi này ngay cả khi vẫn gây lăn tăn nhưng không thể tạo ra nỗi thất vọng, ngay với chính những người tôn thờ Hollywood cổ điển. Bởi lẽ, Ký sinh trùng đáp ứng gần như đầy đủ những “khuôn vàng thước ngọc” của nghệ thuật điện ảnh.
Cấu trúc chương hồi chặt chẽ
Một trong những nguyên tắc “bất thành văn” được giới lý luận điện ảnh gọi tên khi nghiên cứu Hollywood cổ điển là cấu trúc chương hồi trong một tác phẩm.
Nguyên tắc này đến nay vẫn được áp dụng phổ biến trong các bộ phim. Trong đó, mô hình được ưa chuộng nhất là cấu trúc ba hồi (three-act structure). Shape of water, thắng Phim xuất sắc của Oscar 2018, có thể được coi là dẫn chứng điển hình.
Ký sinh trùng không nằm ngoài mô hình kịch bản mang tính khuôn thước của nghệ thuật điện ảnh. Song, tác phẩm cũng ghi dấu với cấu trúc lên tới 5 hồi (five-act structure) thay vì ba hồi như truyền thống. Chính vì số lượng hồi tương đối lớn, có ý kiến cho rằng Ký sinh trùng giống như hai bộ phim gộp lại.
Trong đó, hồi 1 đóng vai trò mở đầu bộ phim, giới thiệu gia cảnh trái ngược của hai gia đình, một bên là Kim Ki-taek (Song Kang-ho) với 4 thành viên nghèo khổ, bên kia là gia đình ngài Park (Lee Sun-kyun) giàu có, xa hoa.
Biến cố của hồi 1 là chi tiết Ki-woo, con trai cả của gia đình nghèo Ki-taek được giới thiệu làm gia sư cho gia đình giàu có họ Park.
Sau khi nêu được bối cảnh và mối quan hệ giữa các nhân vật, hồi 2 tập trung vào những mánh khóe của Ki-woo nhằm đưa toàn bộ thành viên trong gia đình, lần lượt là em gái, bố và sau cùng là bà mẹ vào “ký sinh” tại biệt thự nhà Park với các công việc từ gia sư, dạy vẽ đến lái xe và quản gia.
Biến cố của hồi 2 là chi tiết bà quản gia cũ bấm chuông xin vào nhà khi trời đang đẫm mưa.
Hồi 3 thông thường sẽ là hồi kết thúc khi mâu thuẫn của các nhân vật được giải quyết. Tuy nhiên, ở Ký sinh trùng, chuyện phim mới bước vào giai đoạn kịch tính nhất.
Hóa ra, bà quản gia cũ nuôi một người chồng đang bị truy đuổi dưới hầm biệt thự. Và cũng tại tầng hầm ẩm thấp, đen tối, bà quản gia cũ phát hiện ra mối quan hệ ruột thịt của những người đang “phụng sự” ở nhà Park. Hai bên sau đó giằng co nhưng chiến thắng thuộc về nhà Kim.
Biến cố của hồi kịch tính này là việc bà quản gia cũ bị nhận một cú đạp tàn nhẫn xuống căn hầm, trong khi các thành viên còn lại của nhà Kim chạy về nơi họ thuộc về, một căn nhà xập xệ, ngập lụt.
Phim sau đó chuyển sang hồi 4 với tiệc sinh nhật tại gia đình nhà Park. Ki-woo mang tảng đá xuống hầm để tìm vợ chồng bà quản gia cũ và phát hiện người đàn bà đã chết.
Ngay sau đó, chồng bà quản gia cũ tấn công Ki-woo bằng một sợi dây thừng trước khi lấy chính tảng đá khát vọng của anh để giết chết anh. Ông ta sau đó cũng đâm chết Ki-jeong trước khi bị mẹ cô, cũng là quản gia hiện tại, hạ gục.
Biến cố của hồi 4 là chi tiết Kim Ki-taek đâm chết ông chủ Park sau khi nhận ra sự vô cảm, kỳ thị, phân biệt giàu nghèo mà Park dành cho gia đình mình. Sau đó, ông Kim chui xuống chính căn hầm của nhà họ Park để lánh nạn.
Hồi cuối là một mạch truyện tương đối nhẹ nhàng. Ki-woo may mắn không chết nhưng cũng trải qua một phiên tòa xét xử. Nhiều năm sau, Ki-woo đọc được bức thư của cha mình nhờ mã Morse thông qua hệ thống đèn của ngôi biệt thự.
Ki-woo nghĩ đến viễn cảnh có đủ tiền để mua lại chính căn biệt thự kia, giải thoát cho cha và đoàn tụ gia đình. Nhưng thực tại, Ki-woo vẫn đang sống cùng mẹ trong căn hộ tồi tàn, còn ông Kim vẫn chui lủi dưới căn hầm tăm tối, hàng đêm lẻn lên ăn trộm để sống qua ngày.
Nhờ mô hình 5 hồi, phim trở nên lớp lang, nhiều bất ngờ. Trong khi hai hồi đầu mang đậm tính hài hước, hai hồi sau lại đầy kịch tính, thậm chí chết chóc.
Phim chứng tỏ một bàn tay biên kịch xuất chúng trong cách đặt để và lành nghề trong việc tạo ra những biến cố mang tính ngược dòng.
Kỹ thuật gieo - gặt chi tiết bài bản
Đồng hành với mô hình 5 hồi trong cấu trúc phim là quy tắc gieo - gặt (sow - reap) chi tiết lành nghề của đạo diễn và ê-kíp dựng phim. Đây là quy luật nhân quả không thể thiếu trong tác phẩm điện ảnh.
Trong Ký sinh trùng, quy tắc này kết hợp chặt chẽ với nội dung để tạo ra tầng tầng lớp lớp ẩn dụ khiến cảnh phim nào cũng mang ý nghĩa nhất định.
Một trong những chi tiết vận dụng hiệu quả quy tắc này là hình ảnh hòn đá trong tác phẩm. Hòn đá thậm chí được xây dựng như vật mở đầu và kết thúc cho cả chuỗi bi kịch.
Hòn đá là món quà mà Min Hyuk dành tặng cho Ki-woo. Hòn đá gieo trong đầu Ki-woo về một ước vọng giàu sang, phú quý, mang lại tiền tài và hạnh phúc.
Đó là lý do khi căn nhà ngập lụt, Ki-woo chỉ cứu duy nhất một thứ là hòn đá, không gì khác, nó là niềm tin, khát vọng, thậm chí chân lý của cậu. Nhưng Ki-woo “gặt” được gì từ tảng đá ngoài việc nó đã nhuốm máu Ki-woo khiến anh suýt chết. Cuối cùng, tảng đá là bệ phóng hay gánh nặng?
Song hành với quy tắc gieo - gặt là kỹ thuật đối xứng chi tiết, tạo ra những mâu thuẫn điện ảnh xuất chúng. Ví như trận mưa được nhà Park gọi là “phước lành” nhưng lại khiến nhà Kim ngập ngụa trong bi kịch hay hình ảnh xuyên suốt của những bậc cầu thang trong phim.
Nhà Park là bậc thang đi lên liên tiếp, nhà Kim là bậc thang đi xuống, xuống đến tận cùng với cả toilet cũng cao hơn mặt sàn sinh hoạt. Không một hình ảnh nào có thể minh họa rõ hơn cho khoảng cách giàu nghèo thuyết phục và trùng điệp hơn thế.
Những ẩn dụ giao hưởng và ly Soju ám ảnh
Cùng với 5 hồi được thiết kế chặt chẽ của kịch bản, Ký sinh trùng cũng vận dụng hiệu quả âm nhạc, đặc biệt trong những tình tiết, sự việc quan trọng mang tính chất biến cố.
Xen kẽ với những biến cố của mỗi hồi luôn là những bản giao hưởng khi khoan thai, thư thả, vui tươi, lúc lại dồn dập, kịch tính đến nghẹt thở và báo hiệu bi kịch đang đến.
Có tất cả 25 nhạc khúc được đạo diễn âm nhạc Jung Jae Il sáng tạo, đậm chất giao hưởng với tiếng piano chủ đạo. Những nhạc khúc cũng được xây dựng hoàn toàn phù hợp với nội dung của từng chương hồi. Mở đầu là sự êm ái của những bản Hòa giải (Conciliation I, II, III), sau là những rộn ràng, toan tính, thủ đoạn của Trên đường đến nhà giàu (On The Way to Rich House) hay Vành đai tin cậy (The Belt of Faith).
Vai trò của âm nhạc cũng thể hiện thuyết phục ở phần cuối phim với bản Máu và gươm (Blood and Sword) khi gã chồng bà quản gia cũ xuất hiện và một bữa tiệc đầy máu diễn ra.
Phim kết thúc với bản nhạc Một ly Soju (Soju One Glass). Thay vì những tiếng dương cầm nối tiếp nhau, Một ly Soju mở đầu với thanh âm guitar đơn độc, vừa nặng vừa buồn nhưng sau đó lại bật lên cảnh sắc ôn hòa của thiên nhiên trong âm nhạc. Và cuối cùng nó như ly Soju, thứ rượu biểu tượng của Hàn Quốc với màu xanh bắt mắt và ngon nhất khi uống lạnh.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/giai-ma-ky-sinh-trung-post1045419.html