Giải mã lý do lạc đà vô địch trên sa mạc

Lạc đà là loài động vật lớn nhất sinh sống được trên sa mạc. Tạo hóa ban tặng cho chúng những đặc điểm vô cùng 'dị thường'. Đó là gì?

Là loài động vật có thể sống sót khi uống nước mặn, lạc đà có 4 đặc điểm khiến chúng rất khác biệt.
Kẻ nào đủ mạnh để khuất phục chúng?

Là sinh vật trong tự nhiên, phần lớn các loài động vật đều liên kết với nhau thông qua dãy gọi là chuỗi thức ăn. Mỗi loài đều là một mắt xích trong chuỗi thức ăn. Loài trước là thức ăn của loài sau.

Ngay cả những con voi đồng cỏ châu Phi nặng tới 7 tấn cũng có thể trở thành mục tiêu săn lùng của những động vật ăn thịt như sư tử một khi chúng đi lạc vào bầy đàn của 'vua đồng cỏ' háu đói. Đến cá voi xanh, loài động vật lớn nhất thế giới, đôi khi cũng bị cá voi sát thủ nhỏ hơn săn đuổi.

Dẫu vậy, chúng ta hiếm khi nghe nói đến loài động vật nào săn và ăn thịt lạc đà. Điều này đồng nghĩa với việc lạc đà không có thiên địch trong tự nhiên? Trước khi giải đáp câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu tạo hóa đã ban cho loài lạc đà những đặc điểm sinh học gì để chúng sống tốt ở nơi khắc nghiệt vùng sa mạc.

Lạc đà chịu được những thứ mà gia súc và động vật có vú không thể làm được

Chúng ta hiếm khi thấy lạc đà bị săn bắt trong tự nhiên. Hình ảnh quen thuộc nhất là chúng cứ thong dong, cần mẫn đi trên những cung đường nóng bỏng nơi sa mạc. Nguyên nhân chúng ít phải chạy trốn khỏi sự truy sát của kẻ thù phần lớn là do môi trường sinh sống đặc biệt của lạc đà.

Lạc đà - sinh vật chịu hạn tốt bậc nhất Trái đất. Ảnh minh họa

Lạc đà - sinh vật chịu hạn tốt bậc nhất Trái đất. Ảnh minh họa

Theo các nhà khoa học, các vùng sa mạc của châu Á và Bắc Phi là khu vực sinh sống đặc hữu của loài lạc đà. Cũng bởi vì thế nên chúng được công nhận là loài động vật lớn nhất sinh sống được trên sa mạc hoặc các vùng khô cằn, khắc nghiệt.

Sở dĩ, chúng sống tốt ở môi trường khắc nghiệt này là nhờ vào 4 đặc điểm sinh học trên cơ thể:

Thứ nhất, cơ thể chúng có lớp lông bờm có thể giúp chúng điều hòa cơ thể trước cái nắng như thiêu như đốt của sa mạc vào ban ngày; cũng như cái lạnh đến thấu xương của sa mạc vào ban đêm.

Thứ hai, dù là loài động vật guốc chẵn lớn nhưng lạc đà không đi bằng móng guốc mà dùng các ngón chân xòe rộng ra để di chuyển ở những vùng sa mạc đầy cát. Cách này dùng chúng không bị lún quá sâu vào cát.

Thứ ba, lạc đà cũng đã thích nghi với điều kiện sa mạc bằng cách có thể chịu đựng tình trạng thiếu protein và ăn những thứ mà các loài gia súc khác tránh, chẳng hạn như gai, lá khô và cây bụi. Khi thức ăn dồi dào, lạc đà sẽ ăn bù. Chúng ăn rất nhiều để tích trữ mỡ ở một vùng trên lưng và tạo thành bướu. Khi mỡ cạn kiệt, bướu sẽ chảy xệ sang một bên hoặc biến mất. Việc lưu trữ chất béo ở một nơi cũng làm tăng khả năng tản nhiệt của cơ thể sang những nơi khác.

Thứ tư, đặc điểm quan trọng nhất, là chúng biết cách giữ nước cho cơ thể. Trong thời tiết nắng nóng, lạc đà có thể sống sót từ 4 đến 7 ngày mà không cần uống nước, nhưng chúng có thể sống 10 tháng mà không cần uống nước nếu không phải hoạt động (di chuyển, thồ hàng) và thức ăn có đủ độ ẩm.

Thứ gì tạo nên điều kỳ diệu trong đặc điểm thứ tư này? Tạo hóa tặng cho chúng 3 điểm sinh học sau.

Điểm thứ nhất, lạc đà có thể hấp thụ 100 lít nước trong 5-10 phút. Điều này đối với các loài gia súc là không thể. Gia súc không thể chịu được sự pha loãng máu đột ngột như vậy, vì các tế bào hồng cầu của chúng sẽ vỡ ra dưới áp lực thẩm thấu. Riêng lạc đà, màng hồng cầu của chúng có độ nhớt, đàn hồi tốt, cho phép màng phồng lên, chịu được áp lực thẩm thấu.

Lạc đà có sức chở rất lớn. Ảnh minh họa.

Lạc đà có sức chở rất lớn. Ảnh minh họa.

Điểm thứ hai, chúng có thể giảm tối đa nước trong quá trình bài tiết. Một con lạc đà khát nước có thể làm giảm lượng nước tiểu thải ra chỉ bằng 1/5 thể tích bình thường và tạo ra phân đủ khô để người chăn gia súc có thể dùng làm nhiên liệu đốt lửa ngay lúc đó.

Điểm thứ ba, lạc đà rất ít khi chảy mồ hôi. Chỉ trong thời tiết nóng nhất, lạc đà mới phải đổ mồ hôi. Loài này chịu được tình trạng mất nước cực độ và có thể mất tới 25–30% trọng lượng cơ thể - gấp đôi mức gây tử vong cho hầu hết các loài động vật có vú.

Trên vùng cát nóng đặc trưng của sa mạc, lạc đà có hình bóng không thể nhầm lẫn: Lưng gù, đuôi ngắn, chân dài thon, cổ dài. Con đực trưởng thành có thể nặng từ từ 400 đến 650 kg, cao từ 2 đến 3 mét.

Sở hữu cơ thể lớn nhất vùng sa mạc cùng khả năng bẩm sinh chịu được sự khan hiếm về nguồn nước và thức ăn đó - thì kẻ nào mới đủ bản lĩnh là kẻ thù của lạc đà?

Kẻ thù tự nhiên của lạc đà là?

Một lần nữa. Những loài động vật to lớn lại là đích nhắm của những loài động vật có kích thước nhỏ hơn.

Kẻ thù tự nhiên tiềm năng nhất của lạc đà trên sa mạc chính là sói sa mạc. Tuy có kích thước nhỏ nhưng sói ở sa mạc hung dữ hơn sói ở các khu vực khác vì sự khan hiếm thức ăn ở môi trường khắc nghiệt bậc nhất Trái đất.

Chó sói sa mạc khá gầy. Ở môi trường sống khắc nghiệt, chúng không được phép thừa mỡ hoặc nặng cân. Ảnh: Cpaulfell/Shutterstock.com

Chó sói sa mạc khá gầy. Ở môi trường sống khắc nghiệt, chúng không được phép thừa mỡ hoặc nặng cân. Ảnh: Cpaulfell/Shutterstock.com

Sói sa mạc (tên khoa học: Canis lupus arabs) là phân loài nhỏ nhất của họ sói xám, chúng còn thường được gọi là sói Ả Rập. Loài này sinh sống ở các vùng rìa sa mạc, vùng núi và đồng bằng sỏi đá ở châu Phi và châu Á.

Cũng như loài lạc đà, để sống tốt được ở môi trường thiếu nước và đồ ăn này cơ thể của sói sa mạc cũng phải thích nghi với điều kiện khắc nghiệt nơi đây:

Bộ lông của chúng mỏng hơn và ngắn hơn nhiều so với những con sói xám khác. Tuy nhiên, lớp lông đen trên lưng chúng dài hơn, giúp đẩy lùi bức xạ mặt trời; Ngoài ra, chúng có tai lớn hơn so với các loài sói khác. Tai to giúp chúng tản nhiệt và làm mát máu tốt hơn.

Cuối cùng, những con sói này khá gầy, điều này là để chúng di chuyển/săn mồi tốt hơn trên vùng sa mạc.

Dù được cho là kẻ thù tự nhiên tiềm năng nhất của lạc đà nhưng ở sói sa mạc có những điểm khiến chúng rất khó để hạ gục một con lạc đà.

- Thứ nhất về kích cỡ cơ thể: Theo các nhà khoa học, một con sói sa mạc trưởng thành cao khoảng 65 cm tính đến vai và nặng khoảng 20 kg - một kích thước rất nhỏ bé so với loài lạc đà.

- Thứ hai về tập tính đi săn. Loài sói sa mạc đi săn một mình trong khi lạc đà hoang dã có tập tính xã hội cao. Điều này là trở ngại lớn nhất của chúng nếu muốn đối phó với đàn con lạc đà to lớn hơn rất nhiều.

Trong trường hợp sói sa mạc tấn công một con lạc đà đơn lẻ thì cơ hội thành công cũng không cao vì lạc đà sẽ chạy một hơi sâu vào sa mạc. Con sói không thể liều mạng chạy vào 'lãnh địa tự nhiên' của lạc đà được nên đành bỏ cuộc giữa chừng. Nếu cố chấp rời khỏi lãnh thổ quen thuộc, rất có thể sói sa mạc sẽ phải nhận cái chết vì thiếu nước.

- Thứ ba, dù là một thợ săn thực thụ với khả năng chạy nước rút săn đuổi con mồi nhưng sói sa mạc không đủ sức bền để đi xa cũng như không chịu được sự tăng nhiệt và mất nước cho mỗi lần chạy.

- Thứ tư, nếu một con sói sa mạc đủ tinh khôn, chờ đợi lúc lạc đà đói mệt, khuỵu gối nghỉ ngơi để tấn công thì điều này cũng có rủi ro cao. Vì lạc đà có thể trở nên nóng tính khi bị quấy rầy và sẽ dùng chân đánh trả.

Từ những điểm này có thể thấy, lạc đà thực sự không có đối thủ tuyệt đối trên sa mạc.

Là loài động vật trên Trái đất có thể sống sót khi uống nước mặn, lạc đà có những giới hạn chịu đựng sự khắc nghiệt đỉnh cao đến mức chúng ít có đối thủ trong tự nhiên.

Môi trường sống khắc nghiệt vừa buộc chúng phải tiến hóa để thích nghi - vừa vô hình trung trở thành 'tấn chắn' bảo vệ chúng trước mọi mối đe dọa từ 'chuỗi thức ăn'.

Theo Trang Ly/Người Đưa Tin

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-ma-ly-do-lac-da-vo-dich-tren-sa-mac-2018876.html