Giải mã một án lệ cổ!

Ngày nay, án lệ (case law) được hiểu là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực, do vậy trở thành một nguồn tư liệu pháp luật để tham khảo. Hiểu vậy, từ thời xa xưa đã có án lệ, đi vào văn học được gọi là 'cổ mẫu' (về pháp luật).

Cổ mẫu, hiểu giản dị là những hình tượng cổ xưa (còn gọi là mẫu gốc) được “văn chương hóa” nên có đời sống lâu dài, được nhiều người đọc vì đặc trưng vừa thực vừa hư. Cái lõi hạt nhân nội dung là thực nhưng khoác cái áo hình thức huyền thoại, kỳ ảo nên lung linh phát ra nhiều ánh sáng tư tưởng. Theo thời gian, cổ mẫu ngày càng có nhiều lớp nghĩa xếp chồng lên nhau, do vậy, mỗi cách hiểu chỉ có thể bóc một nghĩa. Thế nên cần nhiều cách phân tích, khám phá. Câu chuyện “Con cọp ở Triệu Thành” trong tập “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh (1640-1715) là một trường hợp.

Tranh của QUANG CƯỜNG

Tranh của QUANG CƯỜNG

Truyện kể có bà già góa ở huyện Triệu Thành hơn 70 tuổi chỉ có một người con trai chẳng may bị cọp vồ chết. Bà kiện tới quan huyện. Quan cố giải thích rằng cọp là vật hoang dã thì làm sao lấy phép quan mà trị tội được. Bà già vẫn không chịu, càng kêu khóc thảm thiết. Thương bà già cả, quan bèn hứa đại sẽ bắt cọp trị tội, để bà về cho đỡ mệt, nhưng bà vẫn không về, đòi phải nhìn thấy trát quan ra lệnh bắt cọp mới chịu đi. Quan đành hỏi các nha dịch ai đi. Một người lính lệ đang say rượu nói mình đi được, quan giao trát cho y, bà già mới chịu về. Tỉnh rượu anh lính hối hận nhưng không làm sao hủy trát được đành xin quan hạ cho các thợ săn trong huyện đi cùng nhưng không bắt được cọp. Người lính lệ bị phạt đánh mấy trăm trượng... Cuối cùng anh bèn tới Nhạc miếu (nơi thờ Thần Hổ) chắp tay quỳ xuống... Bất chợt một con cọp từ ngoài đi vào, ngồi xuống bên cạnh. Tĩnh trí, anh lính cúi đầu khấn nếu đúng là ngươi giết con trai bà già kia thì cúi đầu cho ta trói. Con hổ cúi đầu nghe lời và chịu để dắt về huyện đường. Quan huyện hỏi cọp: “Có phải ngươi giết con bà cụ già không?”. Cọp gật đầu. Quan phán: “Pháp luật xưa nay giết người thì phải đền mạng. Bà già kia lại chỉ có một đứa con trai, làm thế nào để bà sinh sống. Nếu ngươi làm con bà, thì ta tha”. Cọp lại gật đầu...

Bà già vẫn chưa hết oán giận quan huyện không giết cọp đền mạng con mình. Nhưng sáng hôm sau, mở cửa, bà chợt thấy con hươu chết nằm ở sân. Bà liền đem bán thịt lấy ít tiền. Từ đó thành lệ, không chỉ mang thú rừng về, có lần cọp còn mang vàng lụa tới vứt trong sân. Nhờ vậy, bà sống đỡ khó khăn, có phần dư dả, thậm chí còn hơn cả lúc con trai còn sống. Có ngày cọp tới nằm dưới thềm cả ngày không đi, như chó mèo vậy... Vài năm sau bà chết, cọp tới kêu gào thảm thiết. Tiền bạc bà già tích góp có thừa làm đám ma tử tế. Đám ma xong xuôi, mọi người về hết, cọp tới đứng gào rít trước phần mộ, hồi lâu mới đi. Dân làng thấy cọp có nghĩa bèn lập đền thờ “Nghĩa Hổ”, đến nay vẫn còn...

Nhìn từ lý thuyết cổ mẫu, có thể “bóc” ra những lớp nghĩa sau:

Một, truyện mang dáng dấp một ngụ ngôn mượn con hổ làm nhân vật để gửi gắm ý nghĩa mang tính giáo huấn đạo đức, đạo lý. Ngày xưa hổ rất nhiều, là “chúa sơn lâm” mọi loài vật trong rừng đều sợ, lại thường bắt trộm gia súc, gia cầm, có khi hại cả người nên con người vừa sợ vừa ghét vừa thần thánh hổ. Hổ trở thành một “vật thiêng”. Ngoài những cách gọi tôn kính (ông ba mươi, ông kễnh, ông khái...), nhiều đình, chùa, miếu mạo thường đắp tượng hổ, thậm chí có miếu thờ riêng. Ở vùng Nam Bộ nước ta ngày nay vẫn còn nhiều miếu có tên “Nghĩa Hổ” (như ở truyện trên).

Hai, hầu như ở quốc gia phương Đông nào có hổ cũng có những truyền thuyết chung mô tip hoặc gần giống với truyện “Con cọp ở Triệu Thành”. Các miếu thờ “Nghĩa Hổ” ở ta cũng phần nào nói lên điều này. Như vậy, Bồ Tùng Linh chỉ là người sưu tầm, chỉnh lý từ dân gian, chắp bút để kiến tạo văn bản thành truyện. Sự giống nhau về cốt truyện có thể do con đường giao lưu, tiếp biến văn hóa, hoặc do sự tương đồng, tức sự giống nhau về khát vọng, niềm tin, sự hướng về cái yên ổn, cái ấm no và tình yêu thương, kính trọng thiên nhiên, loài vật ở con người (gọi là “hằng số” văn hóa).

Ba, tại sao câu chuyện lại mượn cọp chứ không phải con vật khác làm nhân vật? Xét về nghĩa bề ngoài, như trên đã nói, cọp là “vật thiêng” nên dễ mời gọi, thu hút sự chú ý của người nghe, người đọc. Nhưng nghĩa sâu xa, căn cứ vào bản chất hình tượng, có thể hiểu: Là thú dữ, hung ác, ăn thịt người, thế mà cọp còn biết phục thiện, còn biết tuân theo luật pháp. Huống nữa là con người! Đây có lẽ là một nghĩa cơ bản của cổ mẫu!

Phục thiện ở chỗ “dám làm dám chịu”, gây ra tội không lảng tránh, trốn tránh mà đàng hoàng đến công đường nhận xét xử. Không phải đền mạng nên cọp ta hết lòng hết sức thi hành án (bản án lương tâm) bằng cách nuôi dưỡng, thờ phụng bà già... Soi vào công đường thời hiện đại, quả là có không ít người (thậm chí là người học rộng biết nhiều, quyền cao chức trọng) mà không đủ nghĩa (khí) bằng cọp và thiếu cả nghĩa (tình) như cọp!

Bốn, đại diện cho công lý pháp luật là viên quan huyện, không hề cao giọng, không hề cậy chức trọng quyền cao mà rất bình dân, gần dân, vì dân. Thế nên ông ta thấu hiểu hoàn cảnh người, sau nữa là thấu cảm tình người. Hiểu cảnh người mẹ già hơn 70 tuổi bị mất con, tức mất điểm tựa cuối cùng. Với người phụ nữ thì chồng chết theo con. Con (độc nhất) chết thì chẳng còn ai mà theo, hơn nữa lại đã già. Thế nên quan huyện tìm mọi cách, kể cả đi chệch ra ngoài luật pháp để an ủi, giúp đỡ bà. Đối với nguyên đơn, với bị cáo, ông đều lấy cái tình đặt lên trước cái lý. Một vị quan huyện như vậy thật đáng kính trọng. Thế nên, “hung ác như hổ”, “dữ như hổ” mà... vẫn “gật đầu”. Huống nữa là người có hiểu biết!

Thì ra câu chuyện còn là khát vọng về những viên quan huyện không hề “mặt sắt” mà ngược lại, là người hiểu đời, hiểu người với trái tim nhân ái!

Chắc chắn còn nhiều lớp nghĩa khác. Xin mời các bạn bổ sung!

NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/giai-ma-mot-an-le-co-786899