Giải mã nguy cơ kháng kháng sinh
Các nhà khoa học đã xác định khả năng kháng thuốc của nhiều loài vi khuẩn phổ biến như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Aromonas spp. và Vibrio spp… ở vùng biển Nha Trang.

Các nhà khoa học trong đợt thu mẫu thực địa.
Vi khuẩn kháng kháng sinh trong nước biển
Nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) - Cộng hòa Pháp triển khai nhiệm vụ: “Phân bố của gen kháng kháng sinh ở vi khuẩn biển và trong hệ vi sinh đường ruột cá tại Vịnh Nha Trang” do TS Nguyễn Quang Huy (USTH) làm chủ nhiệm phía Việt Nam.
Lần đầu tiên, 262 chủng vi khuẩn đã được phân lập và định danh từ môi trường biển và ruột cá mú tại vùng ven biển Nha Trang nhằm nghiên cứu sự phân bố của gene kháng kháng sinh (resistomes). Đặc biệt, 82 chủng trong số đó đã được giải trình tự gen 16S rRNA và đăng ký trên ngân hàng GenBank (NCBI), cung cấp dữ liệu quan trọng về sự lưu hành của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sinh kế người dân ven biển.
TS Nguyễn Quang Huy cho biết, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh đang trở thành thách thức y tế toàn cầu, không chỉ giới hạn trong bệnh viện hay cộng đồng dân cư. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy các gen kháng thuốc cũng xuất hiện phổ biến trong môi trường tự nhiên, đặc biệt là tại các khu vực ven biển, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nuôi trồng thủy sản, đô thị hóa và các hoạt động xả thải.
Với vai trò là một trong những vùng biển tiêu biểu vừa phát triển mạnh du lịch vừa có hoạt động nuôi trồng thủy sản sôi động, Vịnh Nha Trang là địa điểm quan trọng để khảo sát mức độ hiện diện và phân bố của vi khuẩn kháng thuốc trong môi trường biển tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu lựa chọn Vịnh Nha Trang vì nơi đây không chỉ có hệ sinh thái biển phong phú mà còn đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các hoạt động kinh tế ven biển. Với hơn 2.000 trang trại nuôi trồng thủy sản và nửa triệu dân sinh sống, khu vực này ghi nhận lượng kháng sinh được sử dụng cao, bao gồm cả những loại được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm “quan trọng” và “cực kỳ quan trọng”.
Kết quả thu thập cho thấy, vi khuẩn Gram dương kháng tới 60% loại kháng sinh thử nghiệm, đặc biệt là rifampicin (93%) và tetracyclin (80,7%). Đáng chú ý, vi khuẩn Gram âm kháng tới 80% các loại kháng sinh, với tỷ lệ kháng piperacillin đạt 93,3%.
Những con số này phản ánh nguy cơ hiện hữu của tình trạng kháng kháng sinh trong môi trường biển và sự cần thiết phải có các biện pháp giám sát, kiểm soát phù hợp. Nhóm kỳ vọng kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học quan trọng, hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách quản lý kháng sinh trong ngành thủy sản và bảo vệ sức khỏe cộng đồng vùng ven biển.
Những loài vi khuẩn có khả năng kháng thuốc
TS Nguyễn Quang Huy cho biết, một trong những kết quả đáng kể khác là xác định khả năng kháng thuốc của nhiều loài vi khuẩn phổ biến như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Aromonas spp. và Vibrio spp.. Những chủng này được phát hiện mang khả năng kháng cao với các nhóm kháng sinh quan trọng như beta-lactam và tetracycline, vốn được dùng phổ biến trong điều trị bệnh trên người và trong chăn nuôi.
TS Nguyễn Quang Huy cho biết, điều đáng lo ngại là chỉ số đa kháng thuốc (MAR index) ở các chủng vi khuẩn thu được cao hơn mức trung bình toàn cầu, đặc biệt là trong mùa khô, khi các yếu tố môi trường như độ mặn, nhiệt độ và lượng xả thải tác động rõ rệt hơn đến quần thể vi sinh vật.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn xác định được nhiều loại gen kháng kháng sinh tồn tại trong nước biển, trong đó có những gen thường được tìm thấy ở vi khuẩn gây bệnh trong bệnh viện. Đây là dấu hiệu cho thấy sự lan truyền của gene kháng từ môi trường y tế hoặc nông nghiệp sang môi trường tự nhiên đang thực sự diễn ra.
Trong đó, nhóm đã phát triển thành công quy trình PCR đa mồi thời gian thực (real-time multiplex PCR), cho phép phát hiện nhanh các gen kháng thuốc phổ biến, góp phần hỗ trợ giám sát môi trường và cảnh báo sớm các nguy cơ lây lan vi khuẩn kháng thuốc.
Nghiên cứu không chỉ ghi nhận sự hiện diện phong phú của các chủng vi khuẩn mà còn mở ra góc nhìn sâu hơn về mức độ lan truyền và tiềm năng phát tán của các gen kháng thuốc trong hệ sinh thái ven bờ.
Đây là cơ sở khoa học quan trọng để xây dựng các chính sách và quy định kiểm soát tốt hơn sự lan truyền của tác nhân kháng thuốc trong môi trường biển, từ đó góp phần bảo vệ an toàn sinh học và phát triển bền vững ngành thủy sản nước ta.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục hướng tới các mục tiêu sâu hơn như phân tích dữ liệu metagenomics, làm rõ chuỗi lây truyền vi khuẩn kháng thuốc giữa môi trường - động vật - con người trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-nguy-co-khang-khang-sinh-post739932.html