'Giải mã' Nhà văn Xuân Đức

Tối ngày 20/6/2020, trên facebook của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết những dòng ứa lệ: 'Nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa thông báo cho tôi: Nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng Xuân Đức (Nguyễn Xuân Đức) sinh năm 1947, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật bị tai nạn, ngã, đã mất lúc 9 giờ tối nay 20/6/2020 tại Quảng Trị. Đây là một một tổn thất không gì bù đắp được. Xin chia buồn với chị Phú, các cháu và Nhà hát kịch Quân đội cùng bè bạn của anh. Cõi đời thật vô thường. Đau quá. Buồn quá!'.

 Nhà văn Xuân Đức (ở giữa) và Nhà thơ Trần Đăng Khoa (thứ nhất, trái sang) trong lần gặp cuối cùng tại chân cầu Cửa Tùng năm 2019. Ảnh do nhà thơ Trần Đăng Khoa cung cấp

Nhà văn Xuân Đức (ở giữa) và Nhà thơ Trần Đăng Khoa (thứ nhất, trái sang) trong lần gặp cuối cùng tại chân cầu Cửa Tùng năm 2019. Ảnh do nhà thơ Trần Đăng Khoa cung cấp

Sáng ngày 21/6/2020, không đăng ký được vé máy bay, nhà thơ Trần Đăng Khoa quyết định đi xe ô tô thẳng từ Hà Nội vào đến Đông Hà. Trong cảm xúc vẹn nguyên và đầy xúc động, anh chia sẻ: “Tôi thân với Xuân Đức đã lâu, nhiều kỷ niệm gắn bó, thậm chí là những bí mật đời tư anh cũng chia sẻ riêng với tôi. Anh từng có câu: “Về Vĩnh Linh nằm bên cạnh vợ/Lại bồi hồi chạnh nhớ chú Khoa”. Những bí mật, những vui những buồn, những khuất khúc trong lòng Xuân Đức, tôi cũng hiểu. Thêm nữa, chúng tôi gắn bó với nhau trong nhiều cảnh ngộ, trong đó có hai lần suýt chết trên chiến trường”.

Nhắc đến nhà văn Xuân Đức thường công chúng nghĩ đến tiểu thuyết và kịch, ít ai biết rằng ông được chú ý đầu tiên với sáng tác về thơ với trường ca “Trăng Cồn Cỏ”. “…Biển động rồi yên/ Trăng lại về cùng Cồn Cỏ/Dịu dàng hơn mọi trăng xưa…/Với ngọn gió, dịu cơn mưa/Nắng phơi mình trên sóng…” (Trăng Cồn Cỏ). Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, trường ca này viết về những cuộc chiến đấu bảo vệ Cồn Cỏ và những người Vĩnh Linh tiếp tế ra đảo. Nhà thơ Chế Lan Viên đánh giá rất cao trường ca này. Mãi hơn chục năm sau, khi bàn về trường ca này, Chế Lan Viên có hỏi ông rằng đã đọc “Trăng Cồn Cỏ” của Xuân Đức chưa.

Trong ký sự “Trăng Cồn Cỏ thuở ấy, nắng Cồn Cỏ bây chừ”, nhà văn Xuân Đức bộc bạch nhiều hơn: “Thật lạ là bài thơ dài tới 332 câu, tôi chỉ viết liên tục trong một ngày một đêm. Viết xong gửi gấp ra cho Báo Quân đội nhân dân. Cũng chỉ mấy ngày sau, bài thơ được đăng tràn hết cả trang 3 của báo. Lại chỉ thời gian ngắn sau đó, tôi nhận được lời khen của một nhân vật mà lúc đó lớp viết trẻ chúng tôi coi như bậc thánh văn chương: Nhà thơ Chế Lan Viên! (sau này nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã nhiều lần nhắc lại sự kiện ấy)... Bất giác tôi nhớ tới lá thư của chị Lệ, một cô gái Quảng Bình, vợ anh Trần Đăng Khoa thời đó là Chính trị viên phó của đảo. Trong lá thư gửi chồng có một đoạn đại ý: “Anh đừng nhớ em… chỉ để riêng em nhớ anh thôi, anh phải tập trung mà bắn máy bay Mỹ…”. Bây giờ mà đọc mấy câu như thế chắc nhiều người sẽ thốt lên “sến” quá. Nhưng thời đó, đấy là những câu hết sức chân thực, đọc lên không cầm được nước mắt. Trong “Trăng Cồn Cỏ”, tôi đã kể về lá thư ấy: …Năm ngoái thư em có lời cặn kẽ/Anh để riêng em nhớ/ Anh hãy tạm quên/chỉ nhớ mần răng mà bắn cho tinh/Em dặn thế, thực lòng anh cũng thế/Bận bắn máy bay thời gian đâu mà nghĩ/ Đêm nay một phút đảo yên/Xốn xang bến động nhớ thuyền/ Giận lá thư nhà không cánh...”.

Trong một quyển hồi ký còn đang dang dở của mình, nhà văn Xuân Đức có viết: “Nhược điểm lớn nhất của đời tôi là rất khó kết bạn”. Thế nhưng có lẽ phần sau ông chưa nói hết đó là đã chọn ai làm bạn thì thân thiết gắn bó lâu dài. Nhà thơ Trần Đăng Khoa xúc động nhớ lại thời gian hai người gặp nhau. Khi đó là những năm đầu 1980, Tổng cục Chính trị tổ chức cho những anh em văn nghệ từng qua các chiến trường nhưng chưa qua đại học về để tham gia học tập. “Lúc bấy giờ Xuân Đức bắt đầu trình làng văn chương. Tác phẩm đầu tiên là “Nhật ký người gỡ mìn” năm 1980, một kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của anh. Xuân Đức viết xong và anh kinh ngạc khi nhìn từ đầu tới cuối chẳng có cái gạch đầu dòng đối thoại nào cả. Lúc đó tôi đọc cái “Nhật ký người gỡ mìn” đã thấy đây là một tài năng rất lớn. Đặc biệt anh có khả năng khắc họa tâm lý nhân vật và đối thoại của anh rất giỏi. Vì anh là người làm thơ, làm kịch nên đối thoại của anh rất kỹ về chữ. Đối thoại của anh cũng rất khác với nhiều nhà văn, tức là đối thoại có hành động, đầy kịch tính. Chỉ qua câu đối thoại người ta biết được tính cách nhân vật. Đấy là cái rất tài ở Xuân Đức mà không phải nhà văn nào cũng có. Khi mới in ra tập 1, “Cửa gió” lập tức gây nên một tiếng vang đặc biệt và được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982. Đây là một điều rất đặc biệt, chưa có tiền lệ và đến nay cũng chưa hề có chuyện đi trao giải thưởng có một cuốn sách mới chỉ có tập 1. Riêng Xuân Đức ngay tập 1 đã được trao. Tôi cho rằng “Cửa gió” anh viết hay đến từng chữ, những mặt mạnh của anh đều đã bộc lộ ra ở đây, đó là đối thoại, khắc họa tính cách nhân vật, diễn tả. Sau này anh liên tiếp ra hàng loạt tác phẩm được chú ý như “Người không mang họ”, “Tượng đồng đen một chân”, “Những mảnh làng” và đặc biệt là “Bến đò xưa lặng lẽ”.

Điều gì khiến văn chương của nhà văn Xuân Đức trở nên đặc biệt ngay cả đối với các nhà văn có xuất thân từ dải đất miền Trung này? Nhà thơ Trần Đăng Khoa rất tâm đắc với điều nhà văn Xuân Đức đã chiêm nghiệm về văn chương: “Nhưng văn là rượu chứ không phải là cơm mẻ, là giọt sương chứ không phải nước trong hồ. Mặc dù không có cơm mẻ, không có nước hồ thì không thể có rượu và sương”. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, đó chính Xuân Đức có thuận lợi là người Quảng Trị, cắm rễ sâu và bám chắc quê nhà nên hiểu rất sâu, có thể nói là hiểu đến từng gốc cây ngọn cỏ, cho đến các thứ khác ở vùng Vĩnh Linh. Bên cạnh đó ông còn một cái tầm, đấy là tầm bao quát lớn. Trong khi Hà Nội sẵn sàng là nơi đón nhận Xuân Đức, nhưng ông từ chối để trở về Quảng Trị.

***

Đó là sự “giải mã” nhà văn Xuân Đức qua góc nhìn của người bạn thân - nhà thơ Trần Đăng Khoa. Điều gì khuất sâu bên trong để ông kiên quyết bỏ tất cả để ở lại đất này? Tôi tìm về với ông ở trong những nỗi niềm trên các trang viết chưa được công bố. Chị Nguyễn Thị Phương - con gái duy nhất của nhà văn cho tôi xem một phần nhỏ di cảo trong gia tài đồ sộ của ông để lại.

Tôi lướt qua từng trang tự sự. Nhà văn Xuân Đức mồ côi mẹ từ nhỏ, bố ông - thân gà trống nuôi đàn con thơ dại. “Ngày, tôi đi học trường xa, bố tôi lầm lũi cuốc đất trong vườn. Đêm, bố nằm ở một góc nhà, đèn dầu tối om, bố ngân nga những tuồng tích cũ. Tôi thường lén lút đọc sách khuya, sáng dậy muộn. Từ nhà lên trường hơn ba cây số, lại phải đi bộ. Đi học sáng lúc đường còn dày đặc sương mù. Bố dậy từ khi gà gáy, ông là người rất lo xa. Lúc nào bố cũng sợ tôi đi học chậm. Ông nấu cơm chín rồi, trời vẫn chưa sáng, ngủ lại thì sợ quá giấc không gọi kịp con. Ông ngồi bên bếp, khi thì khoanh tay lên hai gối, đầu gục xuống vòng tay. Lại có khi ông kê đứng một hòn gạch lên trên hòn núc đá bắc bếp rồi cúi đầu tựa trán vào hòn gạch mà ngủ. Ông ngủ ở tư thế như vậy cốt là nếu ngủ say sẽ trượt đầu và giật mình tỉnh lại... Đêm nào, sáng nào cũng vậy. Người trở thành hòn núc. Bát cơm tôi ăn nên người hôm nay hơn bát cơm người đời. Nó được bắc lên trên bếp có đến bốn ông táo! … Bố tôi tài giỏi hơn tôi nhiều. Bố biết quá nhiều thứ. Bố tràn đầy chất nghệ sĩ. Giọng hát theo kiểu hát cổ của Người thật tuyệt vời. Bố say đắm âm nhạc dân tộc”.

Có lẽ tất cả những tư chất được xem là “thiên phú văn chương” có sẵn ở nhà văn đã được người bố quê nghèo nhưng tài hoa này trao truyền lại. Để rồi, bất cứ lúc nào nó cũng vụt sáng lên, thăng hoa lên trong các tác phẩm của nhà văn Xuân Đức. Nhiều người biết nhưng không hiểu rõ hoàn cảnh hết sức khó khăn của nhà văn Xuân Đức trong quãng thời gian đầu đến với nghề. Người ta chỉ kinh ngạc trước sức làm việc, sức sáng tạo sung sức của ông mà ít biết rằng nó còn vì người vợ tảo tần.

“Cuối năm 1969, chúng tôi cưới nhau. Tháng 1 năm 1970 tôi được điều động ra đoàn văn công Quân khu 4 để làm cán bộ sáng tác. Vợ tôi có mang đứa con đầu. Đến tháng 7, sinh con. Sau đó phải xuất ngũ về địa phương... Bắt đầu cuộc sống xa cách, vợ tôi bắt đầu một cuộc vật lộn mới một mình với nhà cửa, ruộng nương, nuôi con, nuôi mẹ và sau này là nuôi bố chồng... Vợ tôi, càng làm ruộng càng đói, có cất lên được một ngôi nhà gỗ, thì đến một đêm gió Lào năm 1979 đã cháy rụi thành than. Bỗng đến một ngày, y như là sự giác ngộ nói trong kinh Phật, nhưng là sự giác ngộ thụt lùi, tôi đùng đùng vứt bỏ tất cả sự nghiệp, vứt hết mọi niềm tin và ý chí làm nghề, không cần đến cả quyết định xuất ngũ của Cục Chính trị Quân khu 4, tôi về. Câu chuyện này tôi sẽ trở lại kể lở mục sau. Là để nói rằng, cuộc đời tôi được chia làm hai mảng, dán về hai nơi chính là từ giờ phút “đào ngũ” này.

Tôi về nhà, lặng im không giải thích gì với vợ. Nằm thừ ra một ngày như kẻ tu tâm, niệm Phật, rồi sáng hôm sau vác cuốc ra ruộng. Ba ngày, năm ngày trôi qua... Rồi nửa tháng, một tháng. Với chiếc quần cộc, mảnh áo cụt, mặt, tóc và chân tay lúc nào cũng lốm đốm đất bùn... Vợ tôi bắt đầu cảm thấy, bắt đầu lờ mờ hiểu rằng cuộc về này của tôi có cái gì đó ghê gớm hơn, chắc chắn không phải là về phép hay đi thực tế ghé tạt qua nhà... Rồi đến một đêm, hai đứa cùng đi tát nước trộm. Sở dĩ gọi là tát nước trộm, bởi trời hạn hán, nước thủy nông không đủ tưới, người ta phải phân phối và quản lý ngặt nghèo. Khi cần cấp nước cho những thửa ruộng dưới xa thì các chân ruộng trên không được quyền lấy nước. Thế nên, đêm đến, chờ thật khuya, vợ chồng đi tát trộm.

Tát lấy, tát để, tát một mạch dài, đến lúc mặt ruộng loang loáng đều vệt nước thì dừng tay nghỉ. Cả hai chúng tôi đều hút thuốc, loại thuốc rê tự trồng nặng mùi và khét lẹt. Ngồi lâu, có lẽ rất lâu, vợ tôi đột nhiên thì thầm hỏi:

- Hơn một tháng rồi... không thấy anh viết gì cả... Anh không viết nữa à?

Tôi khẽ thở dài, không nói. Không nói không phải vì không muốn trả lời vợ. Việc tôi quyết định vứt bút là cả một nỗi niềm dài, không thể nói một lúc mà vợ hiểu được”.

Việc sau đó ông quay trở lại quân ngũ, lại cầm bút và bắt đầu những thành công, có thể được tính từ khi câu hỏi rụt rè, sợ hãi của người vợ buột ra trong cái đêm đi tát nước trộm ấy.

Đến hôm nay, khi ngồi viết những dòng này, tôi mới hiểu được phần nào những điều ông đã viết. “… Bên nớ Cát Sơn, bên ni Tùng Luật mẹ bồng con khắc khoải ruột gan/ Nọ là Võ Xá, này là Hiền Lương vợ ngóng chồng chờ mong héo hắt/Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên/Đưa lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết.../Tình trong lá thiếp một câu hò trên bến Hiền Lương/Chí ở ngọn cờ hai ngón tay hẹn ngày thống nhất..”. Bài văn tế liệt sĩ đã ngã xuống xuống giữa dòng sông và hai bờ Hiền Lương- Bến Hải được nhà văn Xuân Đức viết và đọc trong lễ thả đèn hoa trên sông vào giờ hoàng hôn hôm đó, trước khi chương trình nghệ thuật Bài ca Thống nhất diễn ra. Hàng vạn đồng bào, đồng chí, quan khách đứng chật hai bờ sông, đứng dày trên chiếc cầu di tích đã lặng ngắt trong xúc động khi nghe những lời thống thiết nhắc lại những năm tháng đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của đôi bờ giới tuyến. Cho đến hôm nay, dư âm bài tế đó, dư âm của những tác phẩm văn chương của nhà văn Xuân Đức vẫn con vang vọng trong tâm khảm bao người…

Đoàn Phương Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=149416