Giải mã những bí mật chiến tranh
Chiến tranh đã dần lùi xa, song những trang nhật ký, ghi chép thời chiến Việt Nam mỗi khi được xuất bản vẫn thu hút sự chú ý của độc giả. Vì sao lại như vậy? Là bởi, trong những trang sách ấy luôn 'có lửa', hay nói cách khác, luôn chứa đựng một phần lịch sử đầy bi hùng của dân tộc...
Hơn 4.000 trang nhật ký thời chiến
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Quỹ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp với NXB Hội Nhà văn và CLB Trái tim người lính tổ chức buổi gặp mặt tác giả, nhân chứng lịch sử và ra mắt bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, chủ biên của bộ sách cho biết, trong mấy chục năm qua, đề tài về nhật ký, thư từ của người lính luôn đeo đẳng tâm trí ông. Và sự thực, người ta cũng thấy trong thời gian qua, hàng chục tập nhật ký, thư từ của người lính đã được xuất bản, tạo được tiếng vang trong dư luận. Năm nay, nhà văn Đặng Vương Hưng đã cùng Quỹ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp với NXB Hội Nhà văn xuất bản bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
Theo ông Hưng, phải mất tới 16 năm (2004 - 2020) mới hoàn thành công trình với kinh phí xã hội hóa nhưng không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý và gửi gắm vào đó thông điệp của tình yêu thương và lòng biết ơn cho thế hệ mai sau.
Mặc dù là công trình đồ sộ, với tư liệu phong phú và chứa đựng sự tâm huyết của những người thực hiện, song “Nhật ký thời chiến Việt Nam” ra mắt lần đầu chỉ được in với số lượng hạn chế 500 bản, chủ yếu để làm quà tặng tri ân của các cựu chiến binh Quỹ Mãi mãi tuổi 20 và phát hành 250 bản. Chính vì thế, nhiều người hi vọng, bộ sách sẽ được in ấn nhiều hơn để bạn đọc có thể tiếp cận một cách rộng rãi hơn.
Trong bộ sách hơn 4.000 trang này, độc giả không chỉ gặp lại nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mà còn có hàng chục cuốn nhật ký chân thực về những ngày tháng chiến trường khác của các liệt sĩ mà nhiều bạn đọc chưa được tiếp cận như cuốn “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Công an nhân dân Vũ trang Nguyễn Minh Sơn) - một cuốn nhật ký xúc động và chứa đựng nhiều tư liệu quý về những năm tháng đã đi vào lịch sử của nước nhà.
Sở dĩ bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” trở nên thú vị, hấp dẫn còn bởi sự góp mặt của những cuốn nhật ký của các nhà văn - nhà báo chiến trường nổi tiếng một thời như “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường” của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, TS Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn…
Bên cạnh đó, bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến - chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẫm nước mắt với cô văn công xung kích xứ Hà Đông xưa. Hay những trang nhật ký đầy chất văn chương lãng mạn của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân - chàng họa sĩ đẹp trai, bạn cùng lứa của họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Lê Trí Dũng…
Dấu ấn để lại cho thế hệ sau
Nhận định về bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, Trung tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng -Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Chủ tịch Quỹ Mãi mãi tuổi 20 cho biết, với ông đây thực sự là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và tính nhân văn sâu sắc. “Với những giá trị, ý nghĩa mà bộ sách đem lại, có thể xem bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” như “một tượng đài di sản phi vật thể”, là dấu ấn trí tuệ, tâm hồn, nghị lực mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại cho thế hệ sau...”.
Trong khi đó, nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu. Chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn.
“Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Cùng với thời gian, khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ngày càng lùi xa, những trang viết này lại càng thêm giá trị. Bên cạnh giá trị lịch sử, nó còn có giá trị văn học, nó cho phép thế hệ sau có được tấm gương phản chiếu về tâm hồn, trí tuệ và cuộc đời của thế hệ cha anh đi trước...”, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ.
Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi đồng thời là Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn nhận định: “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong bom đạn, trong đói khát, thậm chí trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do và sự dâng hiến của họ cho đất nước. Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” vì thế mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy”.
Dù chiến tranh đã lùi xa, song vẫn còn có nhiều câu chuyện để kể, nhiều điều vẫn chưa được lý giải. Có lẽ chính vì thế, những trang nhật ký, ghi chép, thư từ của các anh hùng liệt sĩ, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, bác sĩ đã góp phần “giải mã” phần nào những bí mật thời chiến…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-ma-nhung-bi-mat-chien-tranh-491480.html