Giải mã những bí mật xung quanh Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng

Hàng chục thế kỷ qua, cuộc đời và cái chết của Vua Đinh Tiên Hoàng - người khai sinh ra một nước Nam độc lập sau 1.000 năm Bắc thuộc, vẫn gây ra nhiều tranh cãi.

Các tài liệu lịch sử, kể cả sử sách trong nước và sử sách Trung Quốc đều nói về nguồn gốc của Đinh Bộ Lĩnh có đôi nét khác nhau, cộng thêm với hàng loạt truyền thuyết, những câu chuyện dân gian lưu truyền, kể cả những truyền thuyết hoang đường làm cho việc xác định nguồn gốc nhân vật gặp không ít khó khăn...

Khu di tích Đền vua Đinh ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)

Huyền tích rái cá gắn với Vua Đinh Tiên Hoàng

Tương truyền ở động Hoa Lư quê hương của Đinh Bộ Lĩnh có một cái đầm rất sâu. Ở đầm có con rái cá to lớn sống lâu đã thành tinh. Bà Đàm Thị (vợ của Đinh Công Trứ, mẫu thân Đinh Bộ Lĩnh) lại vẫn thường vào trong đầm tắm giặt. Cho đến một hôm, bà bị con rái cá ấy phạm vào thân thể rồi về thụ thai.

Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà Đàm Thị sinh hạ một cậu con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Đinh Bộ Lĩnh. Ít lâu sau, chồng bà là Đinh Công Trứ qua đời, con rái cá cũng bị người dân bắt được đem làm thịt, bỏ xương vào một xó. Hay tin ấy bà vội đến, nhặt xương và gói ghém để trên gác bếp, bảo với Đinh Bộ Lĩnh đấy là hài cốt của cha.

Tượng Vua Đinh Tiên Hoàng

Ngay cả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng chỉ giới thiệu về thân thế Đinh Tiên Hoàng rất đơn giản: Đinh Bộ Lĩnh sinh năm Giáp Thân (924). Về hoàn cảnh xuất thân của Đinh Bộ Lĩnh: Xưa, cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Nghệ giao giữ chức quyền Thứ Sử châu Hoan, sau theo về với Ngô Vương, vẫn được giữ chức cũ, rồi mất. Vua mồ côi cha từ bé, mẹ là họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng.

Ông Nguyễn Văn Son (Hội viên Hội di sản Văn hóa Việt Nam) cho rằng, chúng ta cần xem lại chi tiết này trong cuốn chính sử của nước Việt. Ông Son lý giải: Đinh Bộ Lĩnh sinh năm 924, Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán rồi lên ngôi năm 938, khi đó Bộ Lĩnh đã 14 tuổi. Cha của Bộ Lĩnh theo Ngô Vương, có nghĩa là ít nhất đến năm 16 tuổi cha mới mất, không thể coi rằng Vua mồ côi cha từ bé.

Cuốn truyện lịch sử "Ngọn cờ lau" có nhiều kiến giải rõ ràng về thân thế Vua Đinh Tiên Hoàng

Trong cuốn truyện Ngọn cờ lau lịch sử, tác giả Nguyễn Như (viết năm 1920) kể rằng, Công Trứ và Đàm Thị sánh duyên đã trên dưới chục năm mà chưa có con. Là người học rộng tài cao, có tư chất nên Công Trứ được trọng dụng giao chức Thứ Sử, cai quản vùng Châu Hoan.

Sau 6 năm nhậm chức, người vợ Đàm Thị ở quê nhà mới có điều kiện để vào thăm chồng. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Nào ngờ tai họa lại giáng xuống giữa đêm đó…

Một tướng tinh (Sao Băng) trên trời cao sa xuống dinh quan Thứ Sử. Hào quang của ngôi sao mạnh và tỏa rộng, cùng với nắng nóng ban ngày đã làm khô mọi vật, nên đã xảy ra hỏa hoạn, làm cho tất cả kho tàng, trại lính và dinh thự của quan Thứ Sử đều bị thiêu rụi.

Cũng từ lúc đó, Công Trứ bỗng dưng bị ốm liệt giường, cấm khẩu. Đàm Thị cùng gia nhân và những người tâm phúc lo lắng cho rằng: “Đằng nào thì Công Trứ cũng không sống được nữa, bởi không chết vì triều đình trách tội thì cũng chết vì căn bệnh này” nên mọi người liền đưa Công Trứ về quê.

Về Đại Hữu được một thời gian thì Công Trứ khuất núi, cũng là lúc Đàm Thị phát hiện mình đã có thai. Một thời gian sau quan quân triều đình về, truy xét Công Trứ vì tội làm cháy nhà cửa, kho tàng và dinh thự ở Hoan châu nên tuyên phạt “lưu đày biệt tích và tịch thu toàn bộ gia tư, điền thổ. Nhưng Công Trứ không còn, quan triều đình lại hỏi đến con của Công Trứ và phán rằng: “Sau này nếu sinh con trai, khi đứa con đó đủ mười tám tuổi sẽ phải chịu tội thay cha”.

Vợ chồng Đinh Thúc Dự (là em ruột của Đinh Công Trứ) lo lắng, bàn bạc quyết bảo vệ cháu, nên đã bịa ra câu chuyện rằng Đàm Thị đã bị con rái cá thành tinh hiếp. Nếu có sinh ra con trai thì cũng là “tạp chủng” chứ không phải là con của Công Trứ. Đó là cái cớ để Đàm Thị sang nương nhờ bên ngoại là Đàm Gia Trang. Đủ chín tháng mười ngày, đêm rằm tháng ba năm 924, Bộ Lĩnh đã cất tiếng khóc chào đời.

Sự thật về thân thế Đinh Tiên Hoàng

Lọt lòng mẹ Bộ Lĩnh đã có tướng mạo phi phàm, mắt nhanh như chớp, sáng như sao, mặt to tai lớn, hàm én mày ngài. Càng lớn Bộ Lĩnh càng giống Công Trứ, nên nỗi lo trong lòng người chú ruột cũng tăng theo năm tháng. Một hôm Thúc Dự bàn với Đàm Thị là đưa đàn trâu cùng Bộ Lĩnh qua sông Đại Hoàng (sông Hoàng Long hiện nay), đến khu núi non thung lũng để chơi với trẻ chăn trâu bên đó.

Bề ngoài Thúc Dự tỏ ra ích kỷ, lạnh lùng, đầy đọa Bộ Lĩnh, mang tiếng đuổi cháu vào rừng chăn trâu cắt cỏ, không được bén mảng về nhà, suốt ngày mò cá mà ăn vì là “Con rái cá, giống tạp chủng”. Nhưng bên trong, Thúc Dự bí mật rước một thầy dạy thật giỏi, cả văn lẫn võ tên là Lưu Phúc, cung cấp tiền của, nhờ Thầy giữ kín không cho Bộ Lĩnh cùng mọi người xung quanh biết, quyết cho Bộ Lĩnh học văn, luyện võ.

Đèn dầu ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh đã dùng, được khai quật tại vùng lõi cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)

Việc quan lưu tại án văn, nên vài năm sau, quan quân triều đình lại rầm rập kéo về gặp Thúc Dự, vì có tin ngầm báo Bộ Lĩnh đã lớn, là con ruột của Đinh Công Trứ. Hai vợ chồng Thúc Dự cùng nhau vẽ ra một câu chuyện khiến quan quân triều đình tin rằng, Bộ Lĩnh đúng là con của một rái cá như: “Nó đen trũi, lặn ngụp dưới sông Sào Khê, mò cá ăn sống, mắt nó bây giờ đỏ lòm và lông lá mọc đầy người” hoặc “Khi nó 9-10 tuổi, đã rất giỏi bơi lặn".

Ai cần mua một con ba ba to bằng nào, chỉ cần lấy que vẽ khoanh xuống đất. Nó nhìn một lượt rồi nhảy tùm xuống nước, chỉ một loáng là nó đã nắm cổ một con ba ba đúng như hình vẽ. Nó như một con ma rái cá vậy” để có thể qua mặt được quan quân triều đình.

Lý giải trong cuốn truyện này cũng đồng nhất với nhiều tài liệu sau này của các nhà nghiên cứu lịch sử. Theo đó, Đinh Bộ Lĩnh sinh trưởng trong một gia đình quan chức, cha là Tiết độ sứ ở vùng Châu Hoan.

Khi cha mất, ông cùng với mẹ và toàn bộ gia nhân về quê sinh sống. Với lứa tuổi đang độ trưởng thành, cộng với trí thông minh, tài năng bẩm sinh và ý chí mạnh mẽ của chàng thanh niên con quan có học, Đinh Bộ Lĩnh dễ dàng chiếm được lòng mến phục của lớp trai trẻ châu Đại Hoàng.

Ông đã tập hợp quanh mình nhiều bạn bè cùng trang lứa và còn thu phục được sự tin tưởng nể vì của các bậc bô lão trong vùng, dần dần ông đã trở thành người cầm đầu của cả châu Đại Hoàng thời ấy. Cùng với đội ngũ bạn bè thời niên thiếu như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt sau 1.000 năm Bắc thuộc, đồng thời cho đúc tiền để khẳng định nền độc lập tự chủ.

(Còn nữa)

Theo Nhật Thu/Báo Pháp luật

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/giai-ma-nhung-bi-mat-xung-quanh-hoang-de-dinh-tien-hoang/20200930082721491