Giải mã những 'điểm đen' chết người trên cầu Thanh Trì
Là cây cầu huyết mạch, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, nhưng thời gian qua, cầu Thanh Trì và các tuyến đường dẫn lên cầu luôn là nỗi ám ảnh đối với các lái xe. Liên tiếp những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra khiến cơ quan chức năng và dư luận như 'ngồi trên đống lửa'.
Liên tiếp xảy tai nạn kinh hoàng
Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, CATP Hà Nội khi nhắc lại vẫn không thể quên được sự ám ảnh của vụ TNGT kinh hoàng xảy ra tối 14-9 trên cầu Thanh Trì. Vào thời điểm đó, chiếc xe container đầu kéo do Lương Văn Tiệp (SN 1987, trú tại Kinh Môn, Hải Dương) điều khiển từ Hoàng Mai hướng về Long Biên, khi tới đầu cầu Thanh Trì đã mất lái, đâm vào hàng loạt xe máy đang đi làn đường phía trong.
Hậu quả của vụ TNGT đã khiến 3 người bị thương và anh Chu Trọng Tuyên (sinh năm 1977, trú tại Đồng Thanh, Yên Mỹ, Hưng Yên, điều khiển xe máy bị container hất văng xuống sông Hồng. Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã xác định được vị trí nạn nhân rơi xuống, tiến hành trục vớt đưa lên bờ. Lái xe sau khi gây tai nạn đã rời khỏi hiện trường và phải mất khá lâu sau mới đến cơ quan Công an trình diện.
Cách đây chưa lâu, cũng tại cầu Thanh Trì đã xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa 4 xe ô tô. Với tốc độ cao, khi xảy ra tai nạn, các xe này dồn toa tạo thành điểm nghẽn, khiến toàn bộ giao thông trên tuyến đường này ở cả 2 chiều bị ùn tắc. Giật mình hơn, chiếc xe khách loại 45 chỗ sau vụ tai nạn đã húc văng dải phân cách cứng ở thành lan can cầu, lao phần lớn thân xe ra phía ngoài.
“Tại hiện trường, chiếc xe khách 45 chỗ, biển kiểm soát: 30N-1533 lao hẳn sang làn đường cho xe máy, phần đầu bên phải lao qua dải lan can cầu, 1 nửa thân xe trên thành cầu, 1 nửa chơi vơi giữa lòng sông, chỉ cần nhíc thêm tí nữa là cả xe lao thẳng xuống sông, khiến ai chứng kiến cũng khiếp vía. Do va chạm mạnh nên toàn bộ kính chắn gió phía trước vỡ tung tóe, đầu xe nát bét. Một lốp xe bên phải phía trước rơi xuống phía bên dưới. Kính dọc thân xe bị vỡ.
Hàng chục hành khách ngồi trên xe khách đã bị một phen kinh hoàng bạt vía. CSGT đã phải rất vất vả mới đưa được hành khách xuống xe thoát nạn, đồng thời mất nhiều giờ để giải phóng hiện trường, thông tuyến”- chỉ huy Đội CSGT số 14 nhớ lại.
Lật lại hồ sơ những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên khu vực cầu Thanh Trì, đại diện Đội CSGT, TT CAQ Hoàng Mai cho biết: Mới đây vụ TNGT xảy ra giữa hai xe tải cũng khiến 2 người ngồi trên cabin lái xe tải đi phía sau bị tử vong tại chỗ.
Khi đang lưu thông cùng chiều, lái xe tải đã đâm vào đuôi xe chở vật liệu xây dựng, khiến toàn bộ cabin xe nát bét. “Có quá nhiều những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên tuyến và cầu Thanh Trì. 90% trong số đó đều là TNGT liên hoàn, và thường là có người tử vong”- chỉ huy CAQ Hoàng Mai đánh giá.
Nhận diện, xử lý ngay những bất cập
Cầu Thanh Trì có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác kết nối giao thông Thủ đô với các tỉnh lân cận. Là cầu nối của đường vành đai 3 trên cao với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, hay đi các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc, phía Nam, hàng ngày, cầu Thanh Trì phải “cõng” lượng phương tiện khổng lồ qua lại. Toàn bộ tuyến đường này có đủ các phương tiện từ xe máy, ô tô con, xe tải, container, xe khách...rầm rập chạy suốt ngày đêm. Chính vì lẽ đó, có thể hiểu vì sao mặt cầu Thanh Trì luôn trong tình trạng bị lồi lõm, sống trâu, ổ gà. Chỉ cần mất lái, các xe cũng dễ dàng va chạm và dẫn tới TNGT.
Cũng do mật độ lưu lượng phương tiện tăng cao nên khi xảy ra va chạm hay TNGT thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hai chiều đường. Đáng chú ý, TNGT trên khu vực này thường là “dồn toa”, liên hoàn nên mức độ ảnh hưởng, thiệt hại vô cùng lớn. Đội CSGT số 14 đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng thường xuyên duy tu, bảo trì mặt cầu, giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn về mất ATGT tại đây.
Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền điều tra khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT cho biết: Bên cạnh đó, Phòng CSGT còn kiến nghị thay thế biển báo đường cao tốc cho tất cả các lối dẫn lên đường vành đai 3 trên cao theo đúng Quy chuẩn 41/2016 của Bộ GTVT; kẻ lại hệ thống vạch sơn hiện tại đã bị mờ. Đồng thời, phải khắc phục tình trạng khe co giãn ở cầu Thanh Trì, những “sống trâu” trên dọc tuyến đường vành đai 3 trên cao. Đáng chú ý, sơn sửa lại giải phân cách cứng giữa làn xe ô tô và làn xe hỗn hợp để phát huy tác dụng của dải phân cách phản quang, các phương tiện dễ dàng quan sát khi tham gia giao thông khi đi qua cầu Thanh Trì.
“Mặt khác, tổ chức cắm biển báo “khoảng cách an toàn” trên tuyến vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì để các phương tiện dễ dàng căn khoảng cách với các xe chạy liền trước khi tham gia giao thông trên tuyến này. Riêng các xe vệ sinh môi trường đi qua vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì cũng cần hoạt động vào ban đêm để giảm tải áp lực trong giờ cao điểm.
Trung bình một ngày đơn vị bố trí 3 ca và 1 kíp làm nhiệm vụ vào ban đêm chỉ để giải quyết, phòng ngừa TNGT trên tuyến đường này. Nếu những kiến nghị các bất cập trên chưa được xử lý có chiều sâu cộng với ý thức của lái xe không nâng cao thì việc kéo giảm TNGT còn rất khó khăn ”- chỉ huy Đội CSGT số 14 kiến nghị.