Giải mã những điều ít người biết về chiếc máy bay không người lái Mỹ bị Iran bắn hạ

Một chiếc máy bay không người lái của quân đội Mỹ đã bị tên lửa đất đối không Iran bắn hạ ở eo biển Hormuz. Tuy nhiên, ít người biết nó là loại được trang bị hệ thống giám sát hàng hải (BAMS-D) còn đang trong giai đoạn thử nghiệm chứ không phải loại RQ-4A 'Global Hawk' thông thường.

Chiếc máy bay không người lái tối tân RQ-4A BAMS-D số hiệu 166510 này đã bị Iran bắn hạ hôm 19/6

Chiếc máy bay không người lái tối tân RQ-4A BAMS-D số hiệu 166510 này đã bị Iran bắn hạ hôm 19/6

Ngày 20/6, Iran đã đưa ra một thông báo về việc bắn hạ một máy bay không người lái của quân đội Mỹ. Cùng ngày, phía Mỹ cũng đã trả lời và xác nhận rằng vào khoảng 11h35 ngày 19/6, một máy bay không người lái RQ-4A đã bị tên lửa đất đối không Iran bắn hạ ở eo biển Hormuz.

Theo trang Tin hàng đầu, Trung Quốc, ngày 21/6 thì RQ-4A BAMS-D là loại máy bay trinh sát không người lái tối tân của hãng Northrop Grumman được cải tạo và phát triển từ thân loại máy bay RQ-4A Block 10 của không quân đã nghỉ hưu (đắt hơn và hiện đại hơn so với loại RQ-4A “Global Hawk” thông thường, Time Weekly cho biết đơn giá mỗi chiếc lên tới 176 triệu USD).

Loại MQ-4C “Triton” (“Sứ giả của biển” trong thần thoại Hy Lạp, con trai của Hải vương tinh Poseidon) là loại máy bay được chế tạo dựa trên cơ sở loại RQ-4B Block 20/30/40 hiện có của Không quân Mỹ. Chiếc RQ-4A BAMS-D bị Iran bắn hạ lần này rất đắt và cũng có những khác biệt lớn so với loại MQ-4C “Triton”.

Hình ảnh chiếc RQ-4A BAMS-D bị tên lửa Iran bắn trúng

Trong phi đội thử nghiệm và đánh giá hoạt động bay VX-20 của Hải quân Mỹ, có 5 chiếc RQ-4A BAMS-D đang hoạt động mang các số hiệu 166509 (còn được gọi là RQ-4N), 166510 (là chiếc vừa bị Iran bắn hạ), 168737, 168738, 168739 (đã bị rơi ở bang Maryland ngày 12/6/2012). Như thế nghĩa là hiện chỉ còn lại có 4 chiếc.

Hải quân Mỹ vốn đã lên kế hoạch để bắt đầu triển khai loại MQ-4C “Triton” vào mùa hè năm nay, nhưng bị trễ hẹn. Bất đắc dĩ họ buộc phải đưa mấy chiếc RQ-4A BAMS-D còn đang thử nghiệm lên thế chỗ và kể từ năm 2009, nó bắt đầu thực hiện “các hoạt động ứng phó khẩn cấp ở nước ngoài” của Hải quân Mỹ (OCO).

Chiếc MQ-4C “Triton” số 168457

Điều này thực sự bắt nguồn bởi việc Mỹ bị mắc kẹt vào vũng lầy Trung Đông, phải triển khai số lượng lớn các căn cứ quân sự. Để đảm bảo an toàn cho các căn cứ này, cần phải có khả năng giám sát trên không và trên biển mạnh mẽ; nếu chỉ dựa vào các máy bay RQ-4A “Global Hawk” thì không thể đáp ứng được yêu cầu.

Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ lênh đênh trên Vịnh Ba Tư phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giám sát đại dương 24/24 giờ do RQ-4A BAMS-D cung cấp. Họ liên tục yêu cầu triển khai thêm. Đến tháng 9 năm 2016, “Chiến dịch hành động ứng phó khẩn cấp ở nước ngoài” của phi đội RQ-4A BAMS-D đã đạt tới 1000 chuyến bay. (Đây đâu còn là ứng phó khẩn cấp nữa?).

Một trong số 4 chiếc RQ-4A BAMS-D còn lại đỗ trong lán

Người ta có thể hỏi, Mỹ đã có RQ-4A “Global Hawk” tại sao phải triển khai loại RQ-4A BAMS-D khi nó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm? Câu trả lời là do khả năng thay đổi độ cao rất nhanh của loại máy bay mới này.

RQ-4A “Global Hawk” của Không quân Mỹ đã là loại rất tiên tiến. Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) mà nó được trang bị có thể xuyên qua các tầng mây và bão cát. Mô-đun hồng ngoại quang điện (EO/IR) có thể giám sát mọi động thái trong khu vực rộng lớn và trong thời gian dài.

Sải cánh chiếc RQ-4A BAMS-D tương đương máy bay khách Boeing 737

Người ta nói rằng ngồi trong phòng điều hành ở đảo Guam uống trà, có thể rà quét toàn bộ bề mặt Hàn Quốc trong vòng chưa đầy một ngày chỉ thông qua một chiếc RQ-4A Global Hawk.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ cần phải có loại radar đối hải khẩu độ tổng hợp và cũng cần phải tiến hành xác định phân biệt các tàu thuyền cụ thể (Positive ID), và trinh sát chi tiết, điều này yêu cầu máy bay không người lái phải giảm độ cao, để hệ thống cảm biến quang điện có thể “nhìn” thấy rõ ràng hơn. RQ-4A BAMS-D khi thực hiện các nhiệm vụ có thể liên tục thay đổi ở độ cao lớn và vừa, trong khi loại RQ-4A “Global Hawk” thì chỉ có thể bay trên độ cao lớn.

Mới có 2 chiếc MQ-4C “Triton” đã được bàn giao cho quân đội Mỹ

Kiểu bay “nhảy lên hạ xuống” này sẽ gây áp lực rất lớn lên cánh; do đó, đôi cánh của RQ-4A BAMS-D và MQ-4C “Triton” đã được gia cường lớn về mặt kết cấu và các chức năng khử kết băng, chống chim và chống sét cũng mạnh hơn so với RQ-4A Global Hawk.

Tuy nhiên, RQ-4A BAMS-D nói chung được phối hợp tuần tra cùng máy bay chống ngầm. Chỉ khi nó tiến hành tuần tra một mình và trinh sát ở độ cao thấp thì mới hạ thấp độ cao. Loại RQ-4A “Global Hawk” bị Hải quân Mỹ từ chối chính vì không có khả năng nhanh chóng hạ thấp độ cao như thế.

Hệ thống các căn cứ quân sự Mỹ bao vây xung quanh Iran

Đương nhiên, việc hạ xuống độ cao trung bình và thấp cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ bị tên lửa phòng không bắn hạ; nhưng lần này, người Iran đã bắn hạ chiếc RQ-4A BAMS-D số 166510 ở độ cao lớn, cách vị trí đất liền gần nhất khoảng 34km.

RQ-4A BAMS-D vẫn còn kém hơn nhiều so với 2 chiếc MQ-4C “Triton” đã được bàn giao. Hệ thống cảm biến quang điện của nó chỉ có góc nhìn +/- 15 độ, trong khi ở MQ-4C “Triton” có khả năng quan sát 360 °.

Loại tên lửa của Iran phát triển trên mẫu của Nga được cho là đã bắn hạ chiếc RQ-4A BAMS-D của Mỹ

Chiếc RQ-4A BAMS-D số 166510, bị bắn hạ lần này đã bay từ Mỹ đến Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) vào ngày 15/6 để ứng phó với các cuộc tấn công tàu chở dầu liên tiếp xảy ra và tăng cường khả năng giám sát vùng biển đang sôi sục này và đã bất ngờ bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không Iran phóng từ đất liền.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/giai-ma-nhung-dieu-it-nguoi-biet-ve-chiec-may-bay-khong-nguoi-lai-my-bi-iran-ban-ha-358410.html