Giải mã sự phát triển ngoạn mục của Quảng Ninh
Sự quyết liệt, tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo đã tạo ra chuyển động tích cực trong tiến trình phát triển của Quảng Ninh. Tỉnh đang vươn lên trở thành trung tâm kinh tế quan trọng.
Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng năm 2020, Quảng Ninh tăng trưởng hơn 10%, điều tiết ngân sách về trung ương hàng chục nghìn tỷ đồng, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Trong 3 năm liền tỉnh này đứng đầu cả nước trong danh sách xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thu nhập bình quân đầu người đã vượt 6.700 USD, gấp đôi mức trung bình cả nước.
Sự phát triển của Quảng Ninh mang tính bền vững, được ví như “than đá cháy đượm” chứ không phải “lửa rơm” bùng lên rồi vụt tắt. Chục năm trước, tỉnh vùng Đông Bắc cũng gặp khó khăn với sự phụ thuộc vào khai khoáng, đối mặt với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Giải mã sự lột xác ngoạn mục của Quảng Ninh có thể rút ra một số bài học cả lý luận và thực tiễn trong con đường phát triển của nhiều địa phương trong giai đoạn mới.
Cung triển lãm quy hoạch Quảng Ninh gây ấn tượng với du khách bởi hình chú cá heo khổng lồ. Bên trong tổ hợp rộng 21.000 m2 là các bản quy hoạch được đặt vị trí trang trọng, công khai để người dân dễ hình dung về tương lai mảnh đất quê hương mình.
Chỉ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, khẳng định: “Công khai quy hoạch là một cách thể hiện quyết tâm phá bỏ tư duy nhiệm kỳ, chúng tôi công khai quy hoạch địa phương để người dân biết và giám sát. Quy hoạch đó sẽ được thực hiện từng bước, như một lời cam kết của chính quyền với người dân, dù ai làm lãnh đạo, dù một hay nhiều nhiệm kỳ cũng sẽ kiên trì thực hiện quy hoạch đó”.
Năm 2012 Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước làm được việc này, cũng là địa phương hiếm hoi huy động được hàng trăm tỷ đồng vốn xã hội hóa để xây dựng quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh thời kỳ đó thể hiện sự táo bạo một cách khoa học khi mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới đến Quảng Ninh nghiên cứu và lập quy hoạch. Đó là các hãng tư vấn tên tuổi như McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)...
Năm 2014, Quảng Ninh công bố 7 quy hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và công bố danh mục 48 dự án động lực mới. Đó là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; quy hoạch môi trường; quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Các quy hoạch được xây dựng với mục tiêu chiến lược bám sát không gian phát triển của tỉnh là “một tâm - hai tuyến - đa chiều - hai mũi đột phá”, nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, nêu bật thế mạnh của tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Bảy bản quy hoạch mà Quảng Ninh chính thức công bố với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thể hiện quyết tâm rất lớn của địa phương trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, bền vững hơn. Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy từ năm 2012 đã nêu ra chiến lược chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh".
Chiến lược phát triển của tỉnh dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và hội nhập, trên cơ sở đó đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại, phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.
Bà Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực - Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh quy hoạch chính là thể hiện tầm nhìn rất xa của lãnh đạo tỉnh, từ quy hoạch sẽ chỉ ra các bước để hiện thực hóa, đánh thức được tiềm năng, từ quy hoạch sẽ giúp phân bổ nguồn lực, huy động được nguồn lực.
“Có quy hoạch thì mới có dự án lớn, mới được Trung ương chấp thuận thực hiện những dự án trọng điểm. Quy hoạch là thể hiện tầm nhìn xa, là cơ sở để hiện thực hóa các bước đi tiếp theo. Nó cũng thể hiện lãnh đạo dám nghĩ lớn, dám làm lớn”, bà Lan chia sẻ.
Đầu tư cho quy hoạch như cách vẽ ra một bản thiết kế tổng thể rồi xây dựng từng phần theo tiến độ. Đó là căn cứ để người dân và các cơ quan chức năng giám sát sự triển khai quy hoạch của lãnh đạo từng nhiệm kỳ. Có vị lãnh đạo lão thành ở Quảng Ninh khi đến thăm cung quy hoạch từng nói đùa: “Cứ có bản quy hoạch rõ ràng thế này thì dù lãnh đạo có muốn nắn đường cho nhà mình ra mặt tiền cũng không thể”.
Quy hoạch chiến lược chất lượng, công khai quy hoạch, giám sát thực hiện quy hoạch tốt vừa tạo ra đường hướng cho các thế hệ lãnh đạo sau, vừa giúp giữ hướng, giữ nhịp cho con đường phát triển của địa phương.
Quảng Ninh 30 năm trở về trước gần như bị cô lập bởi sông ngòi, cửa vịnh, được biết đến như mảnh đất xa xôi cuối trời Đông Bắc. Để đi từ Hà Nội đến Hạ Long phải mất 5-6 tiếng, đi từ đầu tỉnh ở (Đông Triều) lên cuối tỉnh (Móng Cái) cũng mất 6-7 tiếng, bằng từ Hà Nội vào Nghệ An.
Năm 2010, khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang triển khai, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đó đã nhìn thấy con đường xuyên các đầm lầy của Quảng Yên, từ Đình Vũ (Hải Phòng) về Đại Yên (Quảng Ninh) chỉ 26 km. Nhưng thách thức là phải làm cây cầu với tĩnh không hơn 50 m qua sông Bạch Đằng, chi phí hơn 7.000 tỷ.
Đường nối từ Đại Yên tới đầu cầu Bạch Đằng dù chỉ hơn 19 km nhưng đầy đầm lầy, sông lạch, nên chi phí cũng cần tới hơn 6.400 tỷ đồng. Vốn ở đâu là câu hỏi lớn?
Không bó tay chờ vốn, Quảng Ninh đề xuất Trung ương cho làm 2 dự án, dự án cầu làm bằng vốn BOT và dự án đường làm bằng vốn ngân sách. Khi Hải Phòng gặp khó trong giải phóng mặt bằng đoạn dẫn từ cao tốc Hà Nội - Hải Phỏng lên cầu Bạch Đằng, Quảng Ninh cho mượn 300 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ thông tuyến. 26 km cao tốc đã giúp Quảng Ninh rút ngắn thời gian tới Hà Nội chỉ còn 2 tiếng thay vì 4 tiếng như khi đi theo quốc lộ 18 trước đây.
Với cách làm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, trong gần 10 năm qua, một đồng vốn từ ngân sách đã hút 8-9 đồng vốn từ xã hội để phục vụ mục tiêu phát triển. Chỉ trong giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã thu hút tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt kỷ lục là 340.000 tỷ đồng.
Không chỉ được lợi về thời gian di chuyển, nhờ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long mà cả một vùng đất Quảng Yên rộng lớn vốn bị bỏ quên nay đã được đánh thức. Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND Thị xã Quảng Yên, nói: “Chỉ 5 năm nữa, khi 5 khu công nghiệp được xây dựng xong và lấp đầy, mức nộp ngân sách của Quảng Yên có thể từ 700 tỷ lên 7.000 tỷ. Địa phương chúng tôi được đánh thức là nhờ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm”.
“Nghĩ lớn, làm lớn” là điều mà bà Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực - Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, ấn tượng với các thế hệ lãnh đạo trước đây của tỉnh. Đổi mới tư duy, sáng tạo đột phá chính là bí quyết giúp Quảng Ninh giải phóng tiềm năng thế mạnh; giúp tỉnh này mở rộng không gian phát triển trong bối cảnh cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Tư duy sáng tạo, đột phá của lãnh đạo các thời kỳ đã giúp tỉnh vùng Đông Bắc chuyển mình trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu Bắc bộ.
Quảng Ninh ngày nay có nhiều nét giống Singapore ở sự ngăn nắp, quy củ, sạch sẽ, là nơi giao thoa của vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người trong xu thế hội nhập, phát triển. Có lẽ những đoàn cán bộ tỉnh được đưa đi học tập ở Singapore cách đây gần 10 năm đã thấm được phần nào triết lý phát triển của quê hương Lý Quang Diệu.
Ông Nghiêm Xuân Cường là Bí thư Thành ủy Uông Bí, thuộc lớp cán bộ diện khá trẻ của tỉnh và thành phố. Con đường ông Cường đến với vị trí Bí thư thành phố quan trọng của Quảng Ninh cũng rất đặc biệt. Năm 2013, khi đang là cán bộ cấp phòng của Văn phòng Tỉnh ủy, ông mạnh dạn tham dự thi tuyển chức danh Phó giám đốc sở Tư pháp. Đó là đợt đầu tiên Quảng Ninh tổ chức thi tuyển lãnh đạo.
Dù “về nhì” (một vị trưởng phòng khác được bổ nhiệm ngay chức danh Phó giám đốc Sở Tư pháp), nhưng với kết quả loại giỏi (trên 80 điểm thang 100), ông đã được bảo lưu kết quả theo quy chế, đưa vào danh sách nguồn dự bị cho các vị trí khác phù hợp trong tương lai. Không lâu sau đó, ông Cường lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ Phó chánh Văn phòng tỉnh ủy, rồi Phó ban Nội chính, Giám đốc Sở Tư pháp.
Khi trở thành Tỉnh ủy viên, ông Cường được điều động về Uông Bí nắm vị trí đứng đầu đảng bộ thành phố khi 45 tuổi. Ông Cường đang khẩn trương cùng Đảng bộ thành phố tiếp tục thực hiện những bước đi bài bản để giải quyết tốt mâu thuẫn giữa phát triển vàng đen (mỏ than) và vàng xanh (du lịch) trên địa bàn. Ưu tiên số một của địa phương là phát triển bền vững, cơ cấu lại kinh tế địa phương, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại…
Ông Cường chỉ là một trong nhiều cán bộ trẻ, có đào tạo bài bản, không phải là hậu duệ, cũng không cần tiền tệ để có thể đàng hoàng thăng tiến bằng trí tuệ và sự tận tâm trong công việc.
Ở Quảng Ninh hiện có rất nhiều cán bộ như ông Cường. Những cán bộ này đều cho rằng họ đã may mắn được sống, công tác trong thời kỳ lãnh đạo tỉnh có tư duy đổi mới, đột phá về công tác cán bộ, chuẩn bị rất tốt cho thế hệ kế cận chất lượng cao từ sớm, mà những cuộc thi tuyển lãnh đạo là nét riêng đặc sắc, trở thành văn hóa ở Quảng Ninh từ gần chục năm nay.
Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện triệt để chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương; 100% bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Mô hình “dân tin, Đảng cử” trong bầu trưởng thôn khu bản, đồng thời là bí thư chi bộ cũng được tỉnh áp dụng thành công. Trong giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh luân chuyển, điều động 3.349 lượt cán bộ (trong đó có 117 cán bộ cấp tỉnh và 3.232 cán bộ diện Ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy và sở, ban, ngành quản lý). Đến nay, 100% các trường hợp đều phát huy tốt vai trò nhiệm vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã được luân chuyển, tôi luyện tại vị trí Bí thư Thành ủy Móng Cái, ghi dấu ấn với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giữ ổn định an ninh quốc phòng tại vùng biên cương phên dậu, trước khi nắm các chức vụ chủ chốt của Đảng bộ tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Ký luôn đánh giá công tác cán bộ là gốc của mọi công việc.
“Chúng tôi luôn chủ trương công khai, minh bạch trong tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ. Cán bộ phải được đánh giá bằng hiệu quả thực tiễn trong công tác chỉ đạo điều hành. Cán bộ của tỉnh phải chứng minh năng lực bằng hiệu quả công tác. Ở Quảng Ninh không có chỗ cho người ngồi không không làm gì, chỉ mong tránh sai sót mà được thăng tiến trong sự nghiệp”, ông nói.
Ông Phạm Hồng Hà, nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho rằng lãnh đạo tỉnh những năm vừa qua đã “thổi một làn gió mới”, giúp thay đổi tư duy, tầm nhìn của cả hệ thống chính trị. Nhưng điều ông ấn tượng nhất là cách làm, cách chỉ đạo hết sức quyết liệt. Tổ chức thực hiện cũng rất cụ thể, chi tiết, sát sao.
“Tôi nhớ lại lãnh đạo đã giao việc là sát sao kiểm tra đến cùng. Liên tục giám sát, yêu cầu báo cáo tiến độ hoàn thành”, ông chia sẻ.
Khi ông Phạm Hồng Hà làm lãnh đạo thành phố thủ phủ Quảng Ninh, ông cũng áp dụng chính cách làm này vào công việc. “Tôi đã giao từng khu phố, từng con đường tới các chủ tịch phường, ông bà nào để xảy ra tình trạng chèo kéo khách du lịch, để hàng quán nhếch nhác sẽ bị kiểm điểm ngay lập tức, cảnh cáo rồi mà không chuyển biến sẽ bị điều chuyển”, ông Hà nói.
Thời ông Hà làm lãnh đạo có một “luật” khá thú vị được phổ biến tới cán bộ công chức thành phố, đó là: Ai làm tốt khỏi cần đi họp, người làm không tốt sẽ phải họp liên tục, bị truy tới nơi.
Ông Hà cười khà khà bên ly cà phê nhìn ra bờ vịnh đẹp không khác Marina Bay của Singapore: “Làm tốt là nhiệm vụ của cán bộ, làm tốt không cần báo cáo nhiều, không cần đi họp, cứ ở nhà làm việc. Tôi giao Chánh văn phòng lên danh sách những việc chưa tốt, những chỗ chưa ổn, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp của nhân dân".
"Sau đó, văn phòng gửi thông báo yêu cầu cả ban lãnh đạo phường hoặc cơ quan để xảy ra tình trạng đó đi họp. Tôi và ban lãnh đạo ủy ban thành phố sẽ truy tới nơi, rồi cho thời hạn chỉnh sửa. Chỗ nào làm không tốt chúng tôi thay cả dàn lãnh đạo, để những người khác lên làm”, ông kể.
Ông Hà và nhiều lãnh đạo các thành phố, huyện lỵ của Quảng Ninh cũng phải đối diện với thách thức lớn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đó là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Quảng Ninh luôn có quan điểm hài hòa lợi ích của nhà nước, của nhân dân và nhà đầu tư. Cùng với đó, công tác dân vận được thực hiện bài bản, sâu sát, quyết liệt. Chính vì vậy, trên địa bàn Hạ Long cũng như hàng chục huyện thị của Quảng Ninh, công tác thu hồi và chuyển đổi hàng nghìn hecta đất phục vụ cho phát triển hầu như không gặp tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đặc biệt ấn tượng với cách mà lãnh đạo tỉnh tạo ra một bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ông nói rằng: “Người đứng đầu có thể làm chuyển động cả một bộ máy, nó tạo ra một guồng công việc rất quan trọng cho một địa phương như ở Quảng Ninh”.
Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết ông đã đến Quảng Ninh rất nhiều lần trong những năm vừa qua, mỗi lần ông đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt bộ mặt của tỉnh theo hướng tích cực. Ông đánh giá để đi đúng hướng thì cần có quy hoạch bài bản, nhưng để hiện thực hóa được quy hoạch thì Quảng Ninh cần một bộ máy làm việc xứng tầm. Đến nay lãnh đạo tỉnh đã rất thành công khi tạo ra một bộ máy làm việc năng động, hiệu quả, tinh gọn và xứng tầm công việc.
“Nhà lãnh đạo vừa có ý tưởng, có tầm nhìn nhưng cũng phải biết cách tạo ra một bộ máy thực thi hiệu quả. Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm, tầm nhìn xa đến mấy mà bộ máy bên dưới ì ạch, thiếu năng lực thì cũng không thể hiện thực hóa được tầm nhìn, quyết tâm của lãnh đạo. Tôi thấy lãnh đạo Quảng Ninh đã làm được điều này”, ông nói.
Ông Tuấn còn ví von nếu nhà lãnh đạo mà chỉ có ý tưởng, có tầm nhìn thì chỉ giống nhà khoa học. Điểm khác là nhà quản lý, nhà chính trị vừa có ý tưởng, vừa có tầm nhìn, lại vừa có thể hiện thực hóa nó bằng một bộ máy hiệu quả, năng động, sáng tạo.
Ông Phạm Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group vẫn nhớ như in một ngày đầu năm 2014 khi lãnh đạo tập đoàn này tới Quảng Ninh theo lời mời của các vị đứng đầu tỉnh.
“Xe chúng tôi đi từ Hà Nội xuống mất gần 4 tiếng, qua Đông Triều, Uông Bí thấy nghi ngút khói nhiệt điện, qua vịnh Cửa Lục thấy bụi xi măng mù mịt, đến nơi làm việc ở Hạ Long bụi than bám đầy thành xe. Chúng tôi đã bàn với nhau là không thể làm gì ở mảnh đất này”, ông Hùng chia sẻ. Nhưng khi gặp những người đứng đầu Đảng bộ, Chính quyền tỉnh, lãnh đạo Sun Group đã thay đổi.
“Các anh chị lãnh đạo tỉnh chia sẻ với chúng tôi không chỉ với cái tâm và tầm nhìn thể hiện bằng lời, họ mở các bản quy hoạch ra, chỉ lên bản đồ, khẳng định với chúng tôi khi nào có đường cao tốc, khi nào mỏ than lộ thiên sẽ đóng cửa, cơ chế thu hút đầu tư là gì, rất rõ ràng, cụ thể. Cơ chế chính sách ưu đãi được thể chế hóa bằng văn bản. Chúng tôi 'bắt được sóng' của nhau từ đó, chúng tôi chia sẻ tầm nhìn, chia sẻ giá trị”, ông Hùng nhớ lại.
Tinh thần của lãnh đạo tỉnh được truyền xuống từng cá nhân cán bộ trong cơ quan hành chính. Hơn 300 ha đất ở Sân bay Vân Đồn được giải phóng chỉ trong nửa năm, không hề có khiếu kiện quy mô lớn. Theo ông Hùng, cán bộ từng huyện, từng xã, từng sở ngành luôn thể hiện sự chuyên nghiệp và nỗ lực nghĩ cho doanh nghiệp, coi việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà đầu tư trong phạm vi cho phép là trách nhiệm công vụ chứ không phải sự ban ơn.
Sungroup đã đầu tư tại Quảng Ninh hơn 6 năm qua với những công trình mang tầm vóc quốc tế, tạo diện mạo mới cho địa phương như sân bay, cao tốc hay cảng tàu, khu vui chơi giải trí…
Một điểm nữa khiến cán bộ ở Quảng Ninh ghi điểm với nhà đầu tư, theo ông Hùng, là sự chủ động, nhiệt tình, trách nhiệm. Có những vấn đề khúc mắc vượt khỏi phạm vi của tỉnh, thuộc thẩm quyền của cơ quan bộ ngành trung ương, các cán bộ chức năng của Quảng Ninh cũng chủ động gặp gỡ các cơ quan trung ương để tìm hướng giải quyết cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Hùng đánh giá: “Những vị lãnh đạo đầu tỉnh gần chục năm trước đã định hình và duy trì được tư duy dám nghĩ, dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm; truyền được tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp xuống đến từng cán bộ cơ quan hành chính. Ở Quảng Ninh có sự ổn định về chính sách, có sự nối tiếp tích cực, không bị đứt đoạn bởi tư duy nhiệm kỳ. Điều này khiến doanh nghiệp yên tâm bỏ tiền đầu tư và tiếp tục đồng hành cùng địa phương”.
Đó là cách mà Quảng Ninh đã và đang hút những đại bàng, chim ưng về làm tổ ở mảnh đất “rồng hạ cánh”.
Năm 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vượt Đà Nẵng và trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đến nay, tỉnh vùng Đông Bắc đã 3 năm liên tiếp giữ vững danh hiệu dẫn đầu, và trở thành địa phương có môi trường kinh doanh hấp dẫn nhất cả nước.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá Quảng Ninh là cái nôi của mô hình cải cách hành chính. Ông nhấn mạnh Quảng Ninh có nhiều mô hình hợp tác công - tư hiệu quả, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đồng thời, tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng ngày càng cao và sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với những nỗ lực không mệt mỏi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Chú trọng kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giảm bớt thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy là một trong những điểm sáng giúp Quảng Ninh tạo được đột phá về thể chế những năm qua. Chỉ số PCI duy trì ở vị trí dẫn đầu là một trong những minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của tỉnh.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, đặc biệt ấn tượng với Quảng Ninh. Ông đánh giá tỉnh là điểm sáng của môi trường đầu tư kinh doanh, của sự tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước. Ông cho rằng tiềm năng lợi thế chỉ là điều kiện cần, nhưng để phát huy được thế mạnh thì cần điều kiện đủ là một hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng. Khi đó sẽ thu hút được nguồn lực cho phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh không ngừng được cải thiện, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước. Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Cùng với đó, cải cách hành chính có bước đột phá, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển. Việc Quảng Ninh lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư chính là cụ thể hóa một quan điểm phát triển mà lãnh đạo tỉnh đã xác định: dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
Với tinh thần gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh tiếp tục được cải thiện và nâng cao. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%.
Thực tế, đột phá về thể chế cùng với hạ tầng và nguồn nhân lực giống như “3 mũi tiến công" giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt trung bình trên 10%/năm, quy mô kinh tế đã vượt 200.000 tỷ đồng.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang gấp rút hoàn thành, khi đó từ Hà Nội đi Móng Cái chỉ còn hơn 3 giờ thay vì gần 10 tiếng như trước. Cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3 đang sắp xong sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn cho Hạ Long về phía Hoành Bồ. Những công trình lớn đang tạo ra dư địa để Quảng Ninh đẩy mạnh gia tốc sẵn có, tăng trưởng bền vững trong các năm tiếp theo.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-ma-su-phat-trien-ngoan-muc-cua-quang-ninh-post1166530.html