Giải mã sự 'thần kỳ' của nông nghiệp Việt Nam

Là doanh nhân bán nông sản Việt ra thế giới, ông Đỗ Hà Nam tự hào khi người nước ngoài nể phục sự phát triển thần kỳ của nông nghiệp Việt

Cuối năm Nhâm Thìn, chuẩn bị bước sang năm Ất Tỵ 2025, ông "trùm" về xuất khẩu nông sản Đỗ Hà Nam đã có bài viết chia sẻ về hành trình vươn mình của nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là năm 2024 với nhiều kỷ lục.

"Ông trùm" xuất khẩu nông sản

Ông Đỗ Hà Nam hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex – là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam với các mặt hàng: cà phê, gạo, hồ tiêu, hạt điều,…

Ông đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từng là Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nên sâu sát với rất nhiều ngành nông sản chủ lực của Việt Nam.

Việt Nam sau chiến tranh là một đất nước rất nghèo. Chỉ sau vài chục năm, đã phát triển thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trong đó, có những ngành là số 1 thế giới như: hồ tiêu, hạt điều; cà phê xếp thứ 2, số 1 về cà phê Robusta; gạo vị trí thứ 3, trái cây, đặc biệt là sầu riêng có sự tăng trưởng khủng khiếp.

Tập đoàn Intimex của chúng tôi cũng bắt đầu từ 2 bàn tay trắng và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam với doanh số 1,3 – 1,6 tỉ USD/năm và bán hàng khắp thế giới.

Ông Đỗ Hà Nam tại sự kiện do Báo Người Lao Động tổ chức - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Đỗ Hà Nam tại sự kiện do Báo Người Lao Động tổ chức - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tôi đi rất nhiều nước và những năm gần đây liên tục được khách hàng, đối tác và cả lãnh đạo các chính phủ bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Họ nhìn nhận ngành nông nghiệp của chúng ta những năm qua đã có sự phát triển thần kỳ và họ không hiểu bằng cách nào mà Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu nông nghiệp thành công đến vậy?

Tôi cũng tự nhìn lại và thực tế từ các chuyến đi đến vùng nguyên liệu và cũng không thể không thốt lên: Nông dân Việt Nam quá giỏi!

Nông dân các khu vực như: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL bây giờ rất giàu có nhờ cây sầu riêng. Đặc biệt, tại Tây Nguyên, tỉ phú nông dân rất nhiều. Ô tô của họ đầy đường chứ không phải là những nông dân nghèo khổ, yếu thế như hình ảnh mà một số người vẫn hình dung như trước đây.

Hiện có nhiều tỉ phú nông dân từ cây cà phê

Hiện có nhiều tỉ phú nông dân từ cây cà phê

Họ làm được điều đó do đâu?

Đó là sự thay đổi tư duy rõ rệt. Sản xuất theo nhu cầu thị trường và là thị trường toàn cầu chứ không phải chỉ nội địa. Thời gian qua, nông dân Việt Nam đã tập trung đầu tư sản xuất những mặt hàng mà thị trường có nhu cầu, Việt Nam có lợi thế. Khi nhu cầu thị trường thế giới cao, lượng hàng từ Việt Nam đáp ứng không đủ đẩy giá lên cao, có lợi cho người sản xuất.

Dẫn chứng cho nhận định này là cà phê Robusta. Nông dân đã từng bước thay đổi giống chất lượng cao, năng suất tốt, thay đổi phương thức canh tác, tưới tiêu nhỏ giọt, bón phân cũng tưới nước nên hạ được chi phí sản xuất, đem lại lãi kép khi vừa hạ giá thành vừa tăng giá bán. Cà phê Robusta tự hào đắt nhất thế giới. Giá cao cũng là sự ghi nhận cho chất lượng, cho nguyên liệu được người thế giới ưa chuộng.

Cà phê Robuta Việt Nam ngày càng có giá

Cà phê Robuta Việt Nam ngày càng có giá

Năm nay, nông dân cà phê Việt Nam đạt mức lợi nhuận 300% và trở thành nhóm điều tiết thị trường chứ không phải là doanh nghiệp. Nông dân có tài chính, có thông tin nên không vội bán hàng ra ngay sau khi thu hoạch như trước mà cứ bán ra từ từ. Họ biết từ nay đến tháng 5-2025, thế giới chỉ có trông cậy vào nguồn cung cà phê của Việt Nam nên nếu không xả hàng ra ồ ạt, giá cà phê vẫn sẽ ở mức cao.

Hay như gạo, dù hiện tại có một số khó khăn nhưng không thể phủ nhận 2 năm qua, xuất khẩu rất thành công. Thành công nhất là nông dân đã chuyển hướng sang trồng các loại lúa gạo chất lượng cao như OM18, Đài Thơm 8,… được nhà nhập khẩu ưa chuộng và có mức giá tốt.

Với ngành điều, từ chế biến một sản lượng khiêm tốn với nguyên liệu trong nước, nay Việt Nam đã trở thành nhà nhập khẩu nguyên liệu điều lớn nhất thế giới, từ đó chế biến và xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới. Trước đây, việc sản xuất còn thủ công, nay các công đoạn đều được cơ giới hóa, với máy móc do chính người Việt chế tạo. Những điều này khiến thế giới rất ngưỡng mộ và phải học hỏi mô hình từ Việt Nam.

Các vùng sản xuất cũng đã thay đổi rất nhiều khi nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật rất thành thạo, cơ giới hóa và sự sáng tạo không ngừng, đến mức các nhà khoa học cũng phải ngạc nhiên.

Sầu riêng Việt Nam cho thu hoạch quanh năm

Sầu riêng Việt Nam cho thu hoạch quanh năm

Gần đây, ngành trái cây Việt Nam tăng trưởng thần kỳ. Có những điều, trong nước nhìn vào thấy bình thường, quen thuộc nhưng người nước ngoài rất thán phục. Đó là, trái cây Việt Nam hiện đã ngon hơn rất nhiều khi thay đổi giống mới cùng với thổ nhưỡng, canh tác làm tăng khả năng cạnh tranh.

Đặc biệt là khả năng sản xuất trái cây trái vụ, điều mà hầu hết các nước không làm được. Hai loại quả đã rất thành công là thanh long và ngôi sao mới nổi "sầu riêng". Việc có hàng quanh năm là một lợi thế rất lớn trong thương mại hiện nay.

Chưa hết, phụ phẩm nông nghiệp từ "rác" đang trở thành tài nguyên mới, đem về giá trị xuất khẩu cao. Ví dụ như vỏ hạt điều, trước chỉ có đốt thì nay ép lấy dầu rồi mới bán vỏ làm chất đốt; vỏ trấu cũng không bỏ đi mà đóng thành bánh để bán,… Tất cả những điều đó đã làm nên giá trị gia tăng, cho sự phát triển thần kỳ của nông nghiệp nước nhà trong những năm qua.

Hạt điều Việt Nam đang ở vị trí số 1 tuyệt đối toàn cầu

Hạt điều Việt Nam đang ở vị trí số 1 tuyệt đối toàn cầu

Về phía doanh nghiệp, những năm qua, chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ cần thiết để mang nông sản Việt đi xa. Gần đây, hạ tầng cơ sở mở nhanh. Cao tốc đến đâu kinh tế phát triển đến đó. Nhờ cao tốc, chúng tôi mạnh dạn đầu tư nhà máy ở ĐBSCL, Bình Phước để tận dụng chi phí đất đai còn rẻ để tiếp tục đồng hành cùng nông dân phát triển.

Chúng ta là những người trong cuộc, thường hay xoáy sâu vào những điểm yếu mà không nhận ra những điểm mạnh của chính mình. Điều này đôi khi là sự không công bằng và khiến dư luận nhìn nhận không đúng về ngành nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp Việt Nam có quyền tự hào và ngẩng cao đầu ra thị trường thế giới. Tất nhiên, không vì vậy mà tự mãn, vẫn cần tiếp tục có sự đầu tư chiều sâu để tiếp tục gặt hái những thành tựu mới từ lợi thế của nước nhà!

Nông nghiệp chiếm 72% thặng dư cả nước

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt 62,5 tỉ USD, tăng 18,7% và thặng dư 17,9 tỉ USD, tăng 46,8% so với năm ngoái và chiếm gần 72% thặng dư cả nước.

Bài Ngọc Ánh - Ảnh: HOÀNG TRIỀU - NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-ma-su-than-ky-cua-nong-nghiep-viet-nam-196250126211043633.htm