Giải mã sự trường tồn

Ngày 30/9/2009, tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE), 128 thành viên của UNESCO đã nhất trí bỏ phiếu công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Điều đó đã khẳng định sức trường tồn mãnh liệt của một dòng dân ca đặc sắc của miền quê Kinh Bắc. Người Việt Nam tự hào vì có được một dòng dân ca trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Thiết chế văn hóa

Dân ca Quan họ trước hết là một dòng dân ca đặc sắc ở một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Nó được truyền tụng, phổ biến rộng rãi bởi một giai điệu trữ tình trong sáng, bởi những lời ca mộc mạc chân tình nhưng vô cùng đằm thắm nghĩa tình. Nghệ thuật dân gian mang nét đặc trưng chủ yếu là trường tồn theo hình thức truyền miệng cho nên để xác định thời điểm ra đời của nó từ bao giờ thì thật khó đoán định.

Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là những nhạc sỹ nỏi tiếng như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, thì thời điểm xuất hiện của Quan họ có thể là từ thời Trần và hậu Lê, với những tục kết bạn giao lưu của những quan viên các làng ở vùng quê Kinh Bắc.

Hiện tại có 44 làng Quan họ gốc thuộc tỉnh Bắc Ninh và 5 làng ở tỉnh Bắc Giang. Ngoài những làng Quan họ gốc, Bắc Ninh còn có trên 300 làng Quan họ thực hành, nghĩa là ở những làng xóm ấy, có câu lạc bộ Quan họ, có tổ chức học hát và biểu diễn Quan họ.

Để trả lời lí do tại sao UNESCO lại công nhận Quan họ là di sản văn hóa phi vật thể với sự nhất trí tuyệt đối như vậy, xin nêu mấy lí do sau:

Thứ nhất, so với nhiều dòng dân ca của nước ta, dân ca Quan họ có những nét đặc sắc, nổi bật. Thú chơi Quan họ của người Kinh Bắc có một thiết chế văn hóa ổn định và hoàn chỉnh nhất. Nghĩa là từ xa xưa, người Quan họ đã có những quy định chặt chẽ về thời gian, không gian về quy trình tổ chức lễ hội về tiến trình của những canh hát cũng như quy định về quan hệ giao lưu giữa các làng Quan họ cũng như giữa các liền anh liền chị Quan họ với nhau.

Thiết chế đó được coi như luật bất thành văn, một mĩ tục được duy trì, trở thành truyền thống tốt đẹp từ đời này sang đời khác trong các làng Quan họ vùng quê Bắc Ninh, Kinh Bắc. Chỉ riêng một quy định thôi, đó là khi hai làng kết chạ (một hình thức kết nghĩa coi nhau như anh em một nhà) với nhau thì con trai con gái hai làng không được kết duyên nên vợ nên chồng.

Thứ hai, số làn điệu của dân ca Quan họ là phong phú nhất. Theo các nhà nghiên cứu, đến thời điểm được công nhận là di sản văn hóa, dân ca Quan họ có khoảng 213 làn điệu, và trên 700 lời ca. Có thể rồi đây, việc sưu tầm và bảo tồn dân ca Quan họ được chú trọng hơn, số lượng làn điệu và lời ca của Quan họ sẽ không dừng ở những con số trên.

Thứ ba, dân ca Quan họ là sự kết hợp đặc sắc giữa âm nhạc và thi ca. Phần lớn các lời ca Quan họ là sự âm nhạc hóa kho tàng ca dao của người Việt, nhất là những bài ca dao cổ. Thí dụ bài: Sông Cầu nước chảy lơ thơ - Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi. Đó là một câu ca dao thể lục bát lưu truyền ở vùng Kinh Bắc xưa. Khi được hát lên, nó đã mang đến một giai điệu trữ tình làm nao lòng người. Phần lớn các lời ca Quan họ thường lấy các câu, bài ca dao thể lục bát nhưng thường đó là những bài ca dao mang yếu tố trữ tình sâu đậm, đặc biệt là những khúc tình ca về tình yêu đôi lứa.

Thứ tư, dân ca Quan họ còn là chủ thể của những lễ hội ở vùng quê Bắc Ninh, Kinh Bắc. Người đi hội Lim, hội làng Diềm (xã Hòa Lông, thành phố Bắc Ninh) và lễ hội các làng ở vùng Bắc Ninh chủ yếu là để được nghe hát Quan họ.

Thứ năm, đối với người dân Bắc Ninh, Kinh Bắc, Quan họ được xem như là tín ngưỡng, như là một đức tin. Đến với những lễ hội Quan họ, những làng Quan họ, gặp gỡ những nghệ nhân Quan họ lão thành, bạn sẽ thấy một phong cách sống vô cùng đẹp về nghĩa tình về đường ăn nết ở.

Lan tỏa ra thế giới

Theo Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, dân ca Quan họ Bắc Ninh không những được phổ biến đón chào trong nước mà đã có khá nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Pháp... dày công tìm hiểu và đã có những công trình được công bố về dân ca Quan họ ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, đã có 5 luận án Tiến sỹ (trong đó có 3 luận án ở nước ngoài) lấy dân ca Quan họ Bắc Ninh làm đề tài.

Nhiều sinh viên các trường đại học ở Hà Nội vốn là con em Bắc Ninh đã xây dựng một trang mạng về dân ca Quan họ Bắc Ninh (http/svkinhbac.com.vn). Điều đó chứng minh sức hút mạnh mẽ của dòng dân ca đặc sắc này và nó không bị thế hệ trẻ quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống của cha ông. Đầu năm 2010, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức một Festival hoành tráng để chào mừng và đón nhận bằng của UNESCO công nhận Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể. Buổi lễ hội đó để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân Bắc Ninh cũng như bạn bè cả nước và quốc tế.

Nhìn lại sau sau 10 năm dân ca Quan họ Bắc Ninh được thế giới vinh danh, tỉnh Bắc Ninh đã và đang tích cực triển khai những công việc cụ thể để duy trì và phát triển vốn quý Quan họ; Tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất để bảo tồn các di sản Quan họ; Đưa các lễ hội Quan họ vào nề nếp để đề cao tính thanh lịch, văn minh của nó; Đưa dân ca Quan họ vào trường học để giúp thế hệ trẻ hiểu biết, yêu quý và có ý thức bảo tồn vốn quý của quê hương; Có chế độ ưu đãi với những nghệ nhân Quan họ để động viên họ có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển dòng dân ca đặc sắc của Bắc Ninh.

Tuy nhiên, những mặt trái của kinh tế thị trường như đặt lợi nhuận làm mục đích khi diễn xướng, giao lưu Quan họ làm hạn chế sự phát triển. Cần chấm dứt những hành động phản cảm như Quan họ ngả nón xin tiền, biểu diễn Quan họ mua vui cho khách trong những bữa ăn... đó là những việc phải làm để cho dòng dân ca quê hương giữ được nét đẹp truyền thống và thanh khiết của nó.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/giai-ma-su-truong-ton-4030861-b.html