'Giải mã' sức mạnh con chip ADC đầu tiên do kỹ sư Việt thiết kế

Chip ADC do người Việt thiết kế là bước đột phá cực lớn của ngành bán dẫn tại Việt Nam, qua đó khẳng định khả năng tự thiết kế chip, làm chủ công nghệ lõi của đội ngũ kỹ sư Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bản thiết kế chip ADC (Analog-to-Digital Converter) do đội ngũ kỹ sư Việt Nam tại công ty Diginal (một thành viên của CT Group) vừa giới thiệu cuối tháng 6/2025 không chỉ đánh dấu một bước đột phá trong ngành bán dẫn tại Việt Nam, mà còn khẳng định năng lực tự chủ thiết kế và làm chủ công nghệ lõi.

Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện và xu hướng xây dựng bản sao số (digital twin) đang trở thành động lực phát triển mới, việc các hệ thống thông minh cần có khả năng "cảm nhận," "hiểu" và "phản hồi" chính xác với thế giới vật lý là điều cốt yếu.

Các chuyên gia cho hay chip ADC và DAC (Digital-to-Analog Converter) giữ vai trò cầu nối quan trọng, biến đổi tín hiệu analog như âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ thành dữ liệu số để các vi xử lý, hệ thống AI hay FPGA dễ dàng xử lý, đồng thời thực hiện ngược lại để điều khiển loa, động cơ hay các module cảm biến.

Theo đại diện Diginal, ở lĩnh vực an ninh - quốc phòng, ADC và DAC đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống radar cảnh giới, vũ khí điều khiển chính xác, máy bay không người lái (UAV), hệ thống giám sát và dẫn đường.

Ở nông nghiệp thông minh, cảm biến độ ẩm, nhiệt độ, chất lượng đất kết hợp với bộ chuyển đổi ADC/DAC hỗ trợ việc thu thập dữ liệu thời gian thực và điều khiển hệ thống tưới tiêu tự động, góp phần tối ưu hóa năng suất và tiết kiệm tài nguyên nước, phân bón.

Đối với xe ôtô tự hành, chip ADC là thành phần then chốt trong hệ thống camera, cảm biến LiDAR và radar, giúp thu thập hình ảnh, khoảng cách và độ sâu của vật thể xung quanh một cách liên tục, chính xác. Dữ liệu này được chuyển thành tín hiệu số, cho phép thuật toán xử lý nhanh, đảm bảo phản ứng kịp thời với tình huống giao thông phức tạp.

Trong mảng thiết bị điện tử tiêu dùng và ứng dụng AI, ADC/DAC góp phần tạo ra trải nghiệm âm thanh sống động ở micro, tai nghe, loa thông minh, đồng thời giúp thiết bị thực tế ảo (VR) tái tạo hình ảnh và âm thanh mượt mà, chân thực.

Trong y tế, sự chính xác và độ tin cậy của ADC/DAC ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chẩn đoán và điều trị. Thiết bị siêu âm, máy đo nhịp tim, máy chụp cắt lớp vi tính (CT) hay cộng hưởng từ (MRI) đều phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi tín hiệu analog từ cơ thể thành dữ liệu số với độ phân giải cao và nhiễu thấp. Nhờ đó, hình ảnh chẩn đoán rõ nét hơn, giúp bác sĩ đưa ra nhận định chính xác và kịp thời.

Trên phương diện chiến lược, việc làm chủ công nghệ bán dẫn, đặc biệt là chip chuyển đổi ADC/DAC, chính là 'chìa khóa' mở ra tiềm năng xây dựng các hệ sinh thái số: đô thị thông minh, lưới điện thông minh, nông nghiệp chính xác, y tế số…

Trong giai đoạn 3 của quá trình chuyển đổi số khi trọng tâm đặt vào trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và tự động hóa toàn diện khả năng số hóa thế giới thực thành dữ liệu số, xử lý theo thời gian thực với độ trễ cực thấp (ultra-low latency) là yêu cầu bắt buộc. Chip ADC đóng vai trò 'cửa ngõ' kết nối hàng tỷ cảm biến, hỗ trợ vận hành robot công nghiệp, điều khiển phương tiện tự hành, tối ưu hóa sản xuất trong nhà máy thông minh, đồng thời cung cấp nền tảng cho các ứng dụng y tế chính xác.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được và Chủ tịch CT Group Trần Kim Chung thực hiện nghi thức ra mắt bản thiết kế chip ADC. (Ảnh: CT Group)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được và Chủ tịch CT Group Trần Kim Chung thực hiện nghi thức ra mắt bản thiết kế chip ADC. (Ảnh: CT Group)

Đối với Việt Nam, tự thiết kế và sản xuất chip ADC không chỉ nâng cao năng lực công nghệ lõi ở khâu thiết kế front-end và tối ưu hệ thống, mà còn giảm thiểu phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chất lượng và bảo mật ngay từ khâu đầu. Điều này giúp nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển các sản phẩm “Make in Vietnam” có hàm lượng công nghệ cao, sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc chủ động làm chủ công nghệ bán dẫn còn góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo vệ an ninh quốc phòng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số.

Chip ADC không chỉ là một linh kiện điện tử mà được ví như 'chìa khóa công nghệ' giúp Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số, khẳng định vị thế và đóng góp vào quá trình chuyển đổi số toàn cầu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giai-ma-suc-manh-con-chip-adc-dau-tien-do-ky-su-viet-thiet-ke-post1051057.vnp