Petrovietnam chuyển mình thành tập đoàn năng lượng xanh, sẵn sàng cho thị trường tín chỉ carbon

Tại Diễn đàn 'Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia cơ chế tín chỉ chung (JCM) hướng tới sẵn sàng cho thị trường carbon tại Việt Nam' do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức ngày 22/7, Petrovietnam đã chia sẻ về những dự án giảm phát thải và tạo tín chỉ carbon.

Petrovietnam tham gia chuỗi cung ứng thiết bị như chân đế, trạm biến áp cho các dự án điện gió ngoài khơi quốc tế

Petrovietnam tham gia chuỗi cung ứng thiết bị như chân đế, trạm biến áp cho các dự án điện gió ngoài khơi quốc tế

Hàng loạt dự án chuyển dịch năng lượng

Vừa qua, Petrovietnam chính thức đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam theo Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 9/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển Tập đoàn dựa trên 3 trụ cột chiến lược: Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ, trong đó "Năng lượng" là lĩnh vực cốt lõi.

Với nền tảng vững chắc về tài chính, công nghệ, hệ sinh thái đa ngành, cùng khả năng xây dựng các chuỗi giá trị và quyết tâm chiến lược mạnh mẽ, Petrovietnam không chỉ giữ vai trò trụ cột trong đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn đang định hình vị thế là doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển dịch năng lượng xanh, phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong dài hạn.

Với vai trò trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, Petrovietnam hiện cung ứng đến 70% nhu cầu xăng dầu và khoảng 9% tổng sản lượng điện của cả nước, song song đó lượng phát thải cũng một thách thức không nhỏ đối với chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn.

Để cắt giảm phát thải trong ngắn hạn và trung hạn, Petrovietnam đang tập trung tối ưu hóa khai thác và sử dụng khí tự nhiên trong nước - nguồn năng lượng quá độ có mức phát thải thấp. Điển hình là chuỗi dự án Lô B - Ô Môn phục vụ sản xuất điện và phân bón, cùng các cụm kho cảng - nhiệt điện khí LNG như Thị Vải - Nhơn Trạch 3 và 4, giúp chủ động nguồn cung nhiên liệu sạch hơn.

Bên cạnh đó, Petrovietnam đang từng bước chuyển mình trở thành tập đoàn năng lượng xanh. Nổi bật là dự án điện gió ngoài khơi Nam Trung Bộ công suất 1 GW, hợp tác với đối tác Đan Mạch - nằm trong nhóm 17 dự án chiến lược thuộc khuôn khổ JETP. Ngoài ra, dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore (2,3 GW), tận dụng lưới điện Malaysia, sẽ đưa năng lượng sạch của Việt Nam vươn ra khu vực.

Tập đoàn cũng định hướng phát triển năng lượng mới, đặc biệt là hydro xanh. Tại Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Petrovietnam - thông qua đơn vị thành viên là PV GAS - đã triển khai thí điểm dự án hydro xanh từ năng lượng mặt trời với công suất 1 MW, cho sản lượng 30-40 tấn H₂/năm. Bên cạnh đó, ý tưởng xây dựng Trung tâm công nghiệp dịch vụ năng lượng tái tạo tại Vũng Tàu và tham gia chuỗi cung ứng thiết bị điện gió ngoài khơi như chân đế, trạm biến áp cho các dự án điện gió ngoài khơi quốc tế, là những bước đi nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi năng lượng quốc tế.

Dấu ấn chuyển dịch xanh của Petrovietnam năm 2024

Dấu ấn chuyển dịch xanh của Petrovietnam năm 2024

Cùng với đó, Petrovietnam được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2, thể hiện bước đi chiến lược trong dài hạn.

Trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng, Petrovietnam đề xuất triển khai Tổ hợp điện sạch tích năng Lâm Sơn (Khánh Hòa) với sản lượng dự kiến 5,87 tỷ kWh/năm, tổng mức đầu tư gần 4 tỷ USD. Ngoài ra, PV Power - đơn vị thành viên của Tập đoàn đã bán thành công chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) từ các nhà máy thủy điện hiện hữu, đóng góp vào thị trường tín chỉ carbon.

Trong mảng dịch vụ, tính đến năm 2024, PV Power đã lắp đặt khoảng 400 trạm sạc xe điện tại hệ thống cây xăng, dự kiến triển khai thêm 1.000 trạm sạc giai đoạn 2025-2030, góp phần thúc đẩy hạ tầng giao thông xanh.

Góp phần hấp thụ CO₂ và thử nghiệm công nghệ CCS

Từ năm 2022, Petrovietnam đã triển khai chương trình trồng 3 triệu cây xanh. Tính đến cuối 2024, Tập đoàn đã trồng hơn 1 triệu cây tại 23 tỉnh thành, với tổng diện tích khoảng 130 ha. Mục tiêu đến hết năm 2025 trồng thêm hơn 300 ha, góp phần tăng khả năng hấp thụ CO₂ tự nhiên.

Song song đó, Tập đoàn đang hợp tác nghiên cứu với Cơ quan tài nguyên dầu, khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) về công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS). Một số dự án thử nghiệm sẽ được triển khai tại miền Trung Việt Nam và khu vực chồng lấn với Malaysia, mở ra hướng tiếp cận giảm phát thải mang tính công nghệ cao.

Dù có nhiều tiềm năng tham gia thị trường carbon, song tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng Ban An toàn môi trường và Phát triển bền vững Petrovietnam đã chỉ ra nhiều thách thức mà Tập đoàn đang đối mặt, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật. Cụ thể, hiện chưa có quy định đầy đủ về quyền sở hữu, cơ chế giao dịch tín chỉ carbon, cũng như hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng để tính toán lượng hấp thụ CO₂ từ rừng hay các công nghệ mới. Quy trình chứng nhận còn phức tạp và kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Petrovietnam kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và đồng bộ khung pháp lý về thị trường carbon tại Việt Nam; đơn giản hóa các cơ chế quốc tế như JCM, VCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận. Đồng thời, cần ban hành quy định riêng về tín chỉ carbon trong nước, phù hợp với thực tiễn và đặc thù hoạt động của doanh nghiệp nội.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/petrovietnam-chuyen-minh-thanh-tap-doan-nang-luong-xanh-san-sang-cho-thi-truong-tin-chi-carbon-730373.html