Giải mã thảm họa khiến 1.700 người chết bí ẩn sau một đêm - Kỳ cuối
Thảm họa hồ Nyos là thảm họa nổ khí CO2 thứ 2 trong lịch sử. Vào ngày 15/8/1984, một vụ nổ lớn phát ra từ hồ Monoun nằm trên miệng núi lửa cách hồ Nyos không xa, đã khiến 37 người thiệt mạng.
Ngăn chặn thảm họa tái diễn
Do đáy hồ Nyos đã bão hòa, CO2 bị dồn lên tầng nước áp suất thấp. Lúc này, chỉ một tác động nhỏ từ bên ngoài như một cơn gió hay một vụ sạt lở đất, cũng đủ để làm khí ồ ạt thoát ra không khí. Trong quá trình đó, có thể xảy ra hiệu ứng ống khói, kích hoạt phản ứng dây chuyền, khiến hồ Nyos phun toàn bộ CO2 tích tụ dưới đáy hồ qua hàng thập kỷ.
Khí CO2 không mùi, không màu và không độc hại. Thông thường không khí có chứa 0,05% khí CO2. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lên đến 10%, CO2 có thể gây chết người. Tỷ lệ 5% đã có thể dập tắt lửa. Điều này lý giải vì sao tất cả đèn dầu trong nhà nạn nhân đều bị tắt.
Nhiều tháng sau vụ thảm họa hồ Nyos, các nhà khoa học tiếp tục giám sát lượng khí ga trong hồ. Khi thấy nồng độ CO2 tăng trở lại, họ kết luận giả thiết đưa ra trước đó là chính xác. Không những vậy, họ còn ước lượng được lượng khí CO2 đã thoát ra khỏi hồ ngày 22/8.
Trước đó, vào ngày 17/8, nhiều người kể lại đã nhìn thấy hồ Nyos sủi bong bóng một cách kỳ lạ, tạo ra đám khói tựa mây trắng ùn ùn phía trên mặt hồ. Năm ngày sau, hồ Nyos đột nhiên phát nổ, tạo ra những cột nước khổng lồ cao đến hàng chục mét. Các nhà khoa học ước tính hồ Nyos đã giải phóng 1,2 km³ khí CO2, đủ để lấp đầy 10 sân vận động bóng đá trong vòng 20 giây.
Khí CO2 bay lên cao trước khi hạ xuống mặt hồ. Gia súc được chăn thả trên các quả đồi cao cả trăm mét vẫn bị chết. Sau đó, lớp khí này tràn xuống thung lũng với tốc độ 72 km/giờ. Những người sống ven hồ hoàn toàn không có cơ hội để thoát thân. Rất ít người ở sườn đồi đủ tỉnh táo để leo lên vùng đất cao hơn và thoát chết. Một nhân chứng sống cho biết anh đã nhảy lên xe mô tô và phóng đến nơi an toàn ngay khi nhìn thấy hàng xóm của mình chết gục trong đám khí. Đa số nạn nhân đều không nhận ra mối nguy hiểm cho đến khi đám khí bao trùm họ.
Ở những ngôi làng cách xa hồ, cơ hội sống sót là cao hơn. Mặc dù vậy, nhiều trường hợp tò mò với âm thanh lớn của vụ nổ khí, chạy ra ngoài nghe ngóng, hít phải khí độc rồi chết ngay trước cửa nhà. Cái chết của nạn nhân sẽ kéo theo những người còn lại trong nhà chạy ra ngoài và nhận cái kết tương tự. Có người mô tả âm thanh đùng đùng khi xảy ra vụ nổ nghe rất giống với tiếng súng.
Mặt khác, những người ở trong nhà, đóng kín cửa sổ và cửa ra vào sẽ sống sót. Cũng có trường hợp khí CO2 len lỏi qua khe cửa và lọt vào nhà, nhưng chỉ giết những ai đang trong tư thế nằm, còn những người đang đứng thì không chết do đầu ở vị trí cao hơn luồng khí độc. Một vài người sống sót không hay biết chuyện xảy ra cho đến khi họ phát hiện người thân đang nằm ngủ đều đã chết.
Thảm họa hồ Nyos là thảm họa nổ khí CO2 thứ 2 trong lịch sử. Hai năm trước, vào ngày 15/8/1984, một vụ nổ lớn phát ra từ hồ Monoun nằm trên miệng núi lửa cách hồ Nyos không xa, đã khiến 37 người thiệt mạng. Trong đó, 17 người bị chết khi đi làm qua vùng đất trũng tập trung lượng lớn khí CO2. Do thương vong ít nên sự việc không được nhiều người chú ý.
Ngày nay, giới khoa học cho rằng chỉ có ba hồ trên thế giới là Nyos, Monoun và Kivu nằm giữa biên giới Congo và Rwanda tích tụ đủ khí CO2 hòa tan ở đáy hồ gây chết người. Khi hồ Nyos bắt đầu tích tụ CO2 lần nữa, chính phủ Cameroon đã buộc người dân sống tại các làng ven hồ phải rời đi nơi khác. Họ tháo dỡ nhà dân để ngăn không cho bất cứ ai quay về trước khi khu vực hồ an toàn trở lại.
Mất khoảng một năm để tìm ra nguyên nhân, các nhà khoa học lại mất thêm 10 năm nữa để tìm cách giải phóng khí CO2, ngăn chặn thảm họa tái diễn. Họ đặt một chiếc ống có đường kính 13 cm xuống độ sâu 182 m, ngay phía trên đáy hồ. Nước ở tầng đáy được bơm qua ống, phun lên cao nhằm nhả khí CO2 ra ngoài. Quá trình này kéo dài liên tục cho đến khi CO2 dưới đáy hồ thoát hết. Sau khi thử nghiệm thành công vào năm 1995, ống thoát khí độc được chính thức đưa vào sử dụng năm 2001.
Tính đến mùa thu năm 2006, ống thoát khí vẫn hoạt động tốt và giải phóng được gần 20 triệu mét khối khí mỗi năm, lớn hơn lượng khí nạp vào hồ. Từ năm 2001 đến năm 2006, lượng khí CO2 trong hồ Nyos đã giảm 13%.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học lo ngại mức giảm này vẫn còn quá thấp trong khi lượng CO2 trong hồ Nyos đã tăng gấp đôi so với năm 1986. Điều đáng lo hơn cả đó là con đập tự nhiên ở phía Bắc hồ Nyos đang trong tình trạng bị xói mòn và có nguy cơ sụp đổ trong vòng chưa đầy 5 năm nữa. Nếu đập vỡ, tai họa kinh hoàng sẽ ập đến. 50 triệu m3 nước sẽ chảy vào hồ, tạo ra cơn lũ tràn qua thung lũng nhấm chìm hàng chục nghìn người. Sau cơn lũ, nước trong hồ giảm đáng kể, dẫn đến áp lực nước làm nhiệm vụ giống “cái nút” nén khí CO2 ở đáy hồ không còn. Khí CO2 phóng ra ngoài sẽ lớn hơn rất nhiều so với năm 1986.
Nhằm giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã đề xuất dự án gia cố con đập tự nhiên bằng bê tông, đồng thời lắp đặt thêm bốn ống thoát khí để duy trì nồng độ CO2 ở mức an toàn trong vòng bốn năm tới. Họ đang rất tích cực gây quỹ để thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất. Giáo sư George Kling đến từ Đại học Michigan, người đã nghiên cứu về hồ Nyos trong suốt 20 năm nói rằng: “Thảm họa rất có thể xảy ra bất cứ lúc nào và thảm khốc hơn rất nhiều so với trước. Mỗi ngày trôi đi nguy cơ xảy ra thảm họa lại lớn dần”.
>> Xem phần trước: Giải mã thảm họa khiến 1.700 người chết bí ẩn sau một đêm - Kỳ 1