Giải mã Thổ Nhĩ Kỳ, nền bóng đá 'mở' hàng đầu châu Âu

Với đội hình có 1/3 số cầu thủ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm nên một trong những bất ngờ thú vị nhất EURO 2024. Đằng sau chiến tích lọt vào tứ kết giải của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ là những con người nỗ lực tìm kiếm, vận động cầu thủ hồi hương, khoác áo đội tuyển quốc gia bằng nhiều cách.

Đội hình "Liên Hợp Quốc"

Tại World Cup 2022, Morocco từng làm nên bất ngờ khi lọt vào top 4 với đội hình nòng cốt là những cầu thủ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài. Xu thế "người ở đâu thi đấu ở đó" dường như không còn đúng với nhiều quốc gia. Tương tự Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước có lượng người di cư lớn, và họ có rất nhiều ngôi sao sinh ra, lớn lên ở nước ngoài.

Đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 8 cầu thủ sinh ra và lớn lên ở châu Âu.

Đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 8 cầu thủ sinh ra và lớn lên ở châu Âu.

Đâu là lý do giúp bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng chấp nhận những cầu thủ hồi hương, dù nhiều người trong số họ còn không nói sõi tiếng mẹ đẻ? Câu trả lời nằm ở vị trí địa lý, cội nguồn hình thành văn hóa quốc gia này. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ coi mình là một phần của châu Âu, thậm chí cố gắng gia nhập EU dù họ có 97% lãnh thổ thuộc châu Á.

Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ đã lọt vào tứ kết EURO với đội hình có 1/3 số cầu thủ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài. Hakan Calhanoglu, Salih Ozcan, Ferdi Kadioglu, Mert Muldur đều chọn khoác áo cố hương Thổ Nhĩ Kỳ, dù họ được đào tạo trong môi trường bóng đá châu Âu. Điều này cho thấy sự cởi mở của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ, nơi giao thoa văn hóa Á-Âu.

Trước lứa cầu thủ hồi hương hiện tại, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến không ít cầu thủ đa quốc tịch chọn cống hiến cho quê cha đất mẹ, thay vì nơi dưỡng dục họ. Ví dụ tiêu biểu nhất là hai anh em Hamit - Halil Altintop, cũng như Nuri Sahin. Họ đều là người Thổ sinh ra, lớn lên ở Đức, nhưng chọn khoác áo các đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ.

Tương tự anh em nhà Altintop, Ferdi Kadioglu trưởng thành trong môi trường bóng đá châu Âu. Anh từng được đánh giá là cầu thủ có bộ kỹ năng phù hợp cho vị trí tiền vệ số 10. Cầu thủ này thậm chí đã khoác áo những đội tuyển của Hà Lan. Nhưng theo thời gian, Ferdi Kadioglu đổi ý. Anh quyết định chơi cho Thổ Nhĩ Kỳ ở tuổi 23, và nhận đá mọi vị trí.

Thật khó tin khi chứng kiến một tiền vệ số 10 của Hà Lan lại đá hậu vệ cánh ở tuyển Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đó là điều Ferdi Kadioglu đã thực hiện. Trong tâm khảm, anh thậm chí luôn nhìn về bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ với niềm khao khát bất diệt.

Đồng đội của Kadioglu là Orkun Kokcu thậm chí còn có những tuyên bố mạnh mẽ hơn về khát khao thi đấu cho tuyển Hà Lan. Anh từng gây tranh cãi bằng phát biểu "tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Lan, nhưng luôn muốn đánh bại đội tuyển này, thay vì trở thành một phần của họ". Ước mơ này đã không thành hiện thực, nhưng Kokcu vẫn sẽ cố gắng hoàn thành nó.

Tìm người vì thiếu tài năng?

HLV trưởng hiện tại của đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ là Vincenzo Montella, nhưng "tiểu phi cơ" không phải nhân tố khiến các cầu thủ gốc Thổ hồi hương. Kiến trúc sư trưởng của công trình này chính là Hamit Altintop, người đang giữ cương vị Giám đốc các đội tuyển quốc gia. Bản thân Altintop thú nhận việc thuyết phục các cầu thủ hồi hương là việc không dễ.

Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công khi thuyết phục Calhanoglu, Sahin và anh em nhà Altintop khoác áo đội tuyển. Tuy nhiên, họ lại để hụt những con cá lớn nhất. Mesut Oezil và Illkay Guendogan, những tiền vệ Đức gốc Thổ tài hoa hàng đầu thế giới, lại chọn khoác áo đội tuyển Đức để hiện thực hóa giấc mơ vô địch World Cup, điều Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể làm được.

Để thuyết phục những cầu thủ như Calhanoglu và Kadioglu hồi hương, Altintop phải nói chuyện với từng người. Không phải ai cũng nhanh chóng quyết định khoác áo đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ chỉ sau một buổi nói chuyện. Họ cần trao đổi thêm với phụ huynh, các HLV đội tuyển quốc gia. Cuối cùng, nhân tố quyết định "đi hay ở" vẫn nằm ở lựa chọn cá nhân của mỗi người.

Bản thân Kadioglu thừa nhận, anh cảm thấy mình chưa bao giờ sai khi quyết định chơi cho đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay từ thời điểm khoác áo các đội tuyển trẻ Hà Lan, ý tưởng chơi cho Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã luôn nằm trong suy nghĩ cầu thủ này. Anh đã chuyển sang đầu quân cho Fenerbahce từ năm 2018, hơn 4 năm trước khi chọn đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ.

Giám đốc Hamit Altintop lại có một góc nhìn khác về hiện tượng sử dụng những cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương. Ông cho biết, chương trình kêu gọi những cầu thủ gốc Thổ được thực hiện trên toàn châu Âu vì một lý do đơn giản: Thổ Nhĩ Kỳ không thể đào tạo đủ những tài năng "cây nhà lá vườn" để cống hiến cho đội tuyển quốc gia.

Kadioglu đã về Thổ Nhĩ Kỳ thi đấu 4 năm trước khi được khoác áo đội tuyển quốc gia.

Kadioglu đã về Thổ Nhĩ Kỳ thi đấu 4 năm trước khi được khoác áo đội tuyển quốc gia.

Minh chứng rõ nhất cho luận điểm của Hamit Altintop là thành tích trồi sụt được đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện tại những giải đấu lớn. Họ từng giành hạng 3 tại World Cup 2002, nhưng không thể tham dự kỳ Cúp thế giới nào nữa kể từ đó. Câu chuyện cũng tương tự tại sân chơi EURO. Thổ Nhĩ Kỳ từng lọt vào bán kết năm 2008, rồi sau đó không vượt qua vòng loại.

Xét về bề dày lịch sử, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ có không ít câu lạc bộ tồn tại và phát triển hơn 1 thế kỷ. Nhưng vì một vài lý do nào đó, họ không thể nâng tầm những cầu thủ nội lên đẳng cấp thế giới như trước đây. Altintop khẳng định mô hình phát triển bóng đá nội của Thổ Nhĩ Kỳ kém xa các nước châu Âu, nên cầu thủ đào tạo ra cũng không có trình độ tương đồng.

Giữa bối cảnh hỗn mang, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ sản sinh một ngôi sao nhiều thập niên mới xuất hiện một lần: Arda Guler. Cậu nhóc sinh năm 2005 sinh ra và lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ, thi đấu chuyên nghiệp khi mới 16 tuổi, và đầu quân cho Real Madrid với giá 20 triệu euro ở tuổi 18. Guler được xem là thỏi nam châm thu hút nhiều cầu thủ gốc Thổ khác hồi hương.

Đằng sau quyết định hồi hương

Ferdi Kadioglu trở về Thổ Nhĩ Kỳ chơi bóng từ 2018, và anh mất 5 năm để bắt đầu tự tin giao tiếp bằng tiếng Thổ với truyền thông bản địa. Cầu thủ này không giấu sự thật, là anh gần như không biết tiếng mẹ đẻ trước đây. Để có thể khoác áo đội tuyển quốc gia, Kadioglu dành mỗi ngày để học tiếng Thổ, với khoảng thời gian nhiều như anh chơi bóng đá.

Oezil không chơi cho đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng được chào đón nhiệt liệt khi hồi hương.

Oezil không chơi cho đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng được chào đón nhiệt liệt khi hồi hương.

Ở thời điểm mới khoác áo Fenerbahce, Kadioglu thường trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh. Ngay cả truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng mặc định với điều này, cho đến khi Fenerbahce giành chức vô địch Cúp Quốc gia 2023. Chứng kiến Kadioglu được phóng viên hỏi bằng tiếng Anh, Arda Guler đã tới nhắc khéo "giờ anh ấy giao tiếp bằng tiếng Thổ rất tốt rồi".

Tiền đạo Kenan Yildiz, người sinh ra và lớn lên ở Đức, cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Anh cho biết, khi mình nói tiếng Thổ trên đội tuyển, nhiều đồng đội đã cười vì giọng nói "chẳng giống ai". Nhưng trong mắt khán giả Thổ Nhĩ Kỳ, chừng nào những cầu thủ này còn thi đấu tốt, việc họ không nói được tiếng mẹ đẻ dường như không quan trọng nữa.

Dường như người hâm mộ bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ luôn bao dung với những cầu thủ hồi hương. Mesut Oezil, người chọn khoác áo Đức thay vì Thổ Nhĩ Kỳ, từng được chào đón nhiệt liệt khi trở về cố hương thi đấu ở cấp độ CLB. Anh có thể không còn chơi bóng nữa, nhưng luôn được ghi nhận vì quảng bá hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ vươn tầm thế giới.

Ở chiều ngược lại, một câu hỏi lớn khác cần được đặt ra: Vì sao cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ lại chọn hồi hương? Câu trả lời không hẳn xuất phát từ góc độ chuyên môn, hay mặt bằng trình độ của đội tuyển. Khi Kadioglu quyết định khoác áo Fenerbahce, đội bóng này trải thảm đỏ mời anh bằng một bản hợp đồng có một không hai, lớn hơn hẳn các CLB Hà Lan.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm trong nhóm 15 nước có quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quan trọng hơn, họ vẫn được xếp vào nhóm những quốc gia đang phát triển, cùng tiềm lực kinh tế không thể đo lường. Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tiến xa cùng kinh tế, và đó mới là lý do khiến cầu thủ hồi hương.

Châu Âu cũng "nể" Thổ Nhĩ Kỳ

Tại vòng bảng EURO 2024, Thổ Nhĩ Kỳ là đội bóng hiếm hoi thi đấu 2 trận liên tiếp trên cùng một sân bóng. Chủ nhà Đức thể hiện rõ sự ưu ái với khán giả Thổ Nhĩ Kỳ, khi họ chọn sân Signal Iduna Park của Borussia Dortmund làm nơi chào đón những khán giả người Thổ đến theo dõi. Bởi từ lâu, Đức, cũng như Dortmund, được xem như "thủ phủ" của người Thổ.

Đức hiện tại có 83 triệu người, và có hơn 7 triệu trong số đó là người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư. Tân HLV trưởng của Dortmund, Nuri Sahin, mang quốc tịch Đức và từng thi đấu cho đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ. Sahin là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất đại diện cho cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, vốn chăm chỉ lao động và đóng góp không ít cho cộng đồng bản xứ.

Bên cạnh Dortmund, cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức còn tập trung sống ở Berlin. Họ chính là cộng đồng người nước ngoài có số lượng đông đảo nhất tại thủ đô nước Đức, khi có trên dưới 100.000 người thường xuyên sinh sống, làm việc. Truyền thông Hà Lan thậm chí từng ví von Berlin là "thành phố lớn nhất của người Thổ nằm ngoài Thổ Nhĩ Kỳ".

Số lượng đông đảo người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu nói chung và Đức nói riêng, cũng như sự phát triển kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây, đã giúp quốc gia này có tiếng nói nhất định tại châu Âu. Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã có văn bản yêu cầu các quốc gia trên thế giới gọi họ bằng tên "Turkiye" theo tiếng Thổ, thay vì "Turkey" bằng tiếng Anh như trước kia.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/giai-ma-tho-nhi-ky-nen-bong-da-mo-hang-dau-chau-au-i736938/