Giải mã 'tiếng hát' từ nơi cách Trái Đất 2.700 năm ánh sáng
Các nhà nghiên cứu Úc đã tìm thấy 'cỗ máy thời gian thiên hà' từ 27 ngôi sao trẻ hơn Trái Đất hơn 500 triệu tuổi.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học New South Wales (Úc) vừa phát hiện các ngôi sao có thể phát ra dạng dao động đặc biệt mà họ gọi là "tiếng hát của các vì sao" từ cụm M67 nằm cách Trái Đất 2.700 năm ánh sáng.

Cụm sao M67 cách Trái Đất 2.700 năm ánh sáng - Ảnh: NASA
Cụm sao M67, còn gọi là cụm sao King Cobra (Hổ Mang Chúa), chứa các ngôi sao gần như giống hệt nhau về tính chất nhưng khác nhau về khối lượng.
Các tác giả đã tập trung vào 27 ngôi sao trong cụm, cùng có tuổi đời khoảng 4 tỉ năm, tức sinh ra sau Trái Đất hơn nửa tỉ năm.
Chúng liên tục phát ra các dao động tinh tế có thể phát hiện được bằng kính thiên văn, mà các nhà khoa học mô tả là giống những tiếng hát.
"Tiếng hát" này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cách các ngôi sao thay đổi theo thời gian.
Mặc dù những ngôi sao này có cùng độ tuổi nhưng khối lượng khác nhau sẽ khiến chúng già đi với tốc độ khác nhau.
Ngoài ra, sự khác biệt về tần số các "nốt nhạc" trong "tiếng hát" mà mỗi ngôi sao phát ra, cũng cung cấp manh mối về các đặc tính bên trong của ngôi sao đó.
Do vậy, một quá trình theo dõi lâu dài các "tiếng hát" khác nhau từ cụm M67 sẽ giúp các nhà khoa học vẽ nên bức tranh đa dạng về cách mà các ngôi sao có thể tiến hóa khác nhau trong cùng một môi trường.
Mô hình này có thể mở rộng để nghiên cứu về lịch sử Mặt Trời của chính chúng ta - vốn có độ tuổi hơn các ngôi sao M67 chỉ một chút - và thậm chí là lịch sử phức tạp hơn của Milky Way (Ngân Hà, tức thiên hà chứa Trái Đất).
Do vậy, các tác giả mô tả việc lắng nghe "tiếng hát của các vì sao" như một "cỗ máy thời gian thiên hà", cũng có thể được áp dụng cho cả các thiên hà khác mà chúng ta muốn nghiên cứu trong tương lai.