Giải mã 'trường tỉnh' xuất sắc ẵm giải quốc tế
Những năm qua, ngành Giáo dục Bắc Ninh - Bắc Giang liên tiếp ghi dấu ấn tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Riêng năm 2024, hai địa phương trở thành đầu tàu trong hành trình đoạt Vàng Olympic quốc tế cho đoàn Việt Nam với 4 Huy chương Vàng (2 Olympic Vật lý và 2 Olympic Hóa học), 1 Huy chương Đồng Olympic Toán học quốc tế...
Nhà giáo Trần Duy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Giang: “Quả ngọt” từ đổi mới căn bản, toàn diện
Năm học 2023 - 2024 ngành GD&ĐT Bắc Giang tiếp tục ghi dấu với chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn cao nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay (ngày 1/1/1997). Mở đầu bằng Kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) Quốc gia, ấn tượng với 86/110 thí sinh dự thi đoạt giải, trong đó có 4 giải Nhất, 25 giải Nhì, 38 giải Ba và 19 giải Khuyến khích.
Điểm nhấn cho giáo dục mũi nhọn là kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) 2024, Đội tuyển quốc gia Việt Nam có 5 học sinh tham dự và đều đoạt huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc. Đặc biệt, cả 2 Huy chương Vàng đều thuộc về 2 học sinh lớp 12 chuyên Vật lý, Trường THPT Chuyên Bắc Giang (học sinh Thân Thế Công và Trương Phi Hùng).
Đến cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế (IChO) 2024, em Giáp Vũ Sơn Hà (lớp 12 chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Bắc Giang) xuất sắc đoạt Huy chương Vàng. Đây cũng là lần đầu tiên Bắc Giang có 3 học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế trong một năm cùng đoạt Huy chương Vàng.
Những tấm Huy chương Vàng danh giá của Thân Thế Công, Trương Phi Hùng, Giáp Vũ Sơn Hà đã tiếp nối vào bảng vàng thành tích không chỉ của riêng Trường THPT Chuyên Bắc Giang, ngành Giáo dục Bắc Giang, quê hương Bắc Giang mà còn đóng góp vào thành tích chung của đất nước. Qua đó, góp phần nâng cao thành tích giáo dục mũi nhọn của quốc gia trên các đấu trường khu vực và quốc tế.
Để có được những kết quả trên, thời gian qua lãnh đạo tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm đầu tư nguồn lực về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính... Tỉnh Bắc Giang ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nghị quyết, kế hoạch để triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp GD&ĐT.
Điểm nhấn là năm 2023, HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 39 quy định một số chính sách hỗ trợ học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang; giáo viên, chuyên gia tập huấn và học sinh tham gia đội tuyển thi chọn HSG cấp tỉnh, cấp quốc gia, Olympic khu vực và quốc tế. Trong đó, Bắc Giang cũng quy định cụ thể các mức hỗ trợ học sinh, giáo viên và chuyên gia bồi dưỡng HSG để có thêm các điều kiện, kinh phí, yên tâm dạy và học.
Nhà giáo Hà Huy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Ninh: Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng tài năng
Năm học 2023 -2024 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Bắc Ninh có học sinh dự thi quốc tế và năm thứ 8 liên tiếp có học sinh thi khu vực - quốc tế đoạt giải,trong đó học sinh của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh đoạt 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng.
Tổng số lượt học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế từ năm 2020 đến 2024 là 17. Trong đó, Olympic quốc tế đoạt 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Olympic khu vực đoạt 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen.
Riêng năm học 2023 - 2024, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh có 2 học sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế (Nguyễn Hữu Tiến Hưng – Huy chương Vàng Hóa học; Nguyễn Văn Hoàng - Huy chương Đồng Toán học). Với thành tích xuất sắc nói trên, Nguyễn Hữu Tiến Hưng và Nguyễn Văn Hoàng đã tiếp tục làm dày thêm bảng vàng thành tích của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và ngành GD&ĐT Bắc Ninh, cùng góp phần làm rạng rỡ truyền thống hiếu học của quê hương thời đổi mới.
Để có được những thành tích trên, ngành GD&ĐT Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp chuyên môn. Trong đó, chú trọng công tác tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng HSG từ sớm, đồng bộ từ cấp THCS. Về cơ chế chính sách, Bắc Ninh ban hành đề án phát triển Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 8 trường THCS trọng điểm thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao.
Công tác khuyến học, khuyến tài luôn được Bắc Ninh quan tâm và phát triển rộng khắp. Hoạt động của tổ chức hội khuyến học các cấp, nhất là cấp cơ sở phát triển mạnh, phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” lan tỏa tại các địa phương.
Trường THPT Chuyên Bắc Ninh với chất lượng đội ngũ giáo viên bảo đảm tính kế thừa; có chính sách thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp các trường đại học sư phạm về địa phương công tác. Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách của Bắc Ninh hỗ trợ kịp thời người dạy, người học, phát huy tốt nhất khả năng trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và học tập, nâng cao chất lượng giáo dục.
Cô Vũ Thị Len - giáo viên Hóa học, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh: Hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ
Nguyễn Hữu Tiến Hưng (chủ nhân tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2024) với khả năng tập trung học tập, chú ý nghe giảng, chịu khó làm bài tập, luôn đạt kết quả cao, hầu hết đứng đầu các cuộc thi. Thành công của Hưng là cả hành trình nỗ lực học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ. Đơn cử, vào mùa Hè các năm lớp 10, lớp 11, hầu như Hưng chỉ nghỉ khoảng hai tuần rồi tập trung vào học tập. Đến giai đoạn cao điểm, thời gian học gần như cả sáng cả chiều, Hưng ôn tập và vạch chỗ chưa hiểu để giải đáp sau.
Đây là lần đầu tiên làm chủ nhiệm lớp có học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic nên tôi rất hạnh phúc. Lúc Hưng được xướng tên tôi vỡ òa cảm xúc, cuối buổi lễ vinh danh cô trò chia vui trong trung tâm hội nghị và cả tối đó, tôi gần như không ngủ, chỉ trả lời tin nhắn.
Nguyễn Hữu Tiến Hưng đang là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, tôi cũng luôn tin em sẽ trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai, bác sĩ của nhân dân vì nhân dân và phụng sự đất nước. Tôi và các thầy cô tổ Hóa tiếp tục hành trình “đãi cát tìm vàng”, rèn giũa những viên ngọc sáng bóng hơn để tìm thêm nhiều nhân tài. Đồng thời, mong muốn các anh chị khóa trên có thành tích về truyền lửa cho học sinh khóa mới.
Thầy Nguyễn Văn Đóa - giáo viên Vật lý, Trường THPT Chuyên Bắc Giang: Tự hào “đôi dép tổ ong” đi rinh Vàng quốc tế
Cả 2 tấm Huy chương Vàng Vật lý Olympic quốc tế 2024 đều thuộc về học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang (Thân Thế Công và Trương Phi Hùng). Cả hai em đều chứng tỏ năng lực, kiến thức tốt, bản lĩnh và khả năng chịu áp lực khi thi tài trước các thí sinh rất giỏi đến từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ…
Vật lý đòi hỏi đam mê, tư duy Toán học sắc bén, bởi vậy khi vào lớp 10 trường chuyên thì mới chỉ là bước đệm, có thầy cô ở bên dạy và giải đáp kiến thức kỹ lưỡng, bài bản, khoa học nhất nhưng thành công phụ thuộc vào ý chí, chuyên cần, nỗ lực của học sinh.
Muốn học tốt môn Vật lý, trước mắt, khi vào cấp học mới, học sinh cần học hết kiến thức cơ bản, tạo ra nền tảng vững chắc, sau học thêm kiến thức nâng cao. Hiện tượng Vật lý đã có, học sinh phải ghi nhớ kiến thức tổng quát và bản chất môn học, cộng thêm rèn luyện tư duy Toán học để đưa ra kết quả chính xác, mạch lạc…
Tôi rất ấn tượng về đôi dép tổ ong bình dị mà hai chủ nhân của các tấm Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế Trương Phi Hùng, Thân Thế Công thường sử dụng, với các em đó là sự nỗ lực trong học tập và quyết tâm chinh phục đỉnh cao của sự học. Bắc Giang còn nhiều khó khăn, song học sinh rất nghị lực vươn lên trong học tập.
Dù thành tích cao, nhưng không ai có biểu hiện của ngôi sao mà hòa đồng, bình dị, ngoan ngoãn. Thầy hiệu trưởng và tôi có lần nói khi nào kết thúc khóa học, các em cho các thầy xin lại những đôi dép tổ ong đã từng đi để thầy chia sẻ với các thế hệ sau là các anh học giỏi nhưng rất bình dị, đi dép tổ ong rẻ tiền. Không phải vì thế mà không chói sáng, ngược lại các em đã xuất sắc đem vinh quang về cho đất nước và quê hương Bắc Giang.
Thân Thế Công – sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông (Đại học Bách khoa Hà Nội): Học giỏi đi đôi với rèn luyện tích cực
Để học tốt môn Vật lý rất cần nền tảng Toán tốt. Hiểu được điều này, em đã đầu tư cho Toán học và trau dồi cách trình bày lời giải mạch lạc, thể hiện tư duy sáng rõ. Mỗi lần tham dự kỳ thi, với em lại thêm một lần kinh nghiệm về cách làm bài, trình bày, vẽ hình đầy đủ, liệt kê số liệu. Kinh nghiệm trong quá trình làm bài thi là phải bình tĩnh, đọc kĩ đề, không chủ quan với những câu hỏi dễ và kiểm tra lại đáp án, đồng thời phải phân bố thời gian làm bài hợp lý.
Hiện em đang theo học ngành Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông ở Đại học Bách khoa Hà Nội, tại đây giúp em học tốt về thiết kế vi mạch vì liên quan đến điện - mảng kiến thức Vật lý yêu thích. Em sẽ luôn phấn đấu học thật giỏi và rèn luyện thật tích cực, năng nổ tham gia các hoạt động.
Ngoài việc học em cũng có những niềm vui khác như đọc sách hay nghe nhạc để giải tỏa căng thẳng. Bản thân em đang đặt mục tiêu đi du học tại các trường ở Mỹ hoặc Singapore để học hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu hơn. Để đạt được mục tiêu trên, em đang trau dồi, nâng cao kỹ năng vốn tiếng Anh của mình.
Giáp Vũ Sơn Hà - sinh viên Khoa Hóa học (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội): Rèn tính tự học và ôn luyện
Trước khi trở thành sinh viên, em từng đạt Huy chương Bạc trong cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2023. Sau đó, em quyết tâm ôn tập và xuất sắc mang về Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế (IChO) 2024. Bí quyết học tập môn Hóa học, chủ yếu vẫn là tự học và tự ôn luyện. Em thường tìm đọc các bài báo, công trình nghiên cứu, làm nhiều bài tập để khắc sâu kiến thức. Em thích làm thí nghiệm, quá trình này đem tới cho em những điều mới mẻ, khơi dậy sự tò mò, ham mê học tập.
Hết giờ học trên lớp, em sẽ về phòng, gạch ra những kiến thức trọng tâm, quan trọng nhất để tìm hiểu sâu qua sách vở, tài liệu trên mạng. Buổi tối là thời gian thích hợp để xem lại bài cũ vì yên tĩnh. Tùy tính chất cuộc thi, thời gian dành ra sẽ nhiều hay ít. Nếu vào giai đoạn nước rút, em duy trì ôn luyện vài tiếng từ 19 giờ - 24 giờ tối, để duy trì cường độ cao, quen với áp lực khi thi. Sau đợt học căng thẳng, em sẽ giảm 1 - 2 tiếng để giữ sức khỏe.
Em có dự định du học ở nước ngoài một thời gian, sau đó quay về nước. Em mong muốn bản thân sẽ trở thành một nhà khoa học để góp một phần sức mình cống hiến xây dựng cho quê hương, đất nước.
Trương Phi Hùng - sinh viên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Đại học Bách khoa Hà Nội): Học Vật lý phải chú trọng thực hành
Để học tốt môn Vật lý, bản thân em luôn đặt tinh thần tự học, cẩn thận lên trên hết. Em học tốt Toán cũng là một lợi thế vì đây là môn học được xem là nền tảng của tất cả các môn khoa học tự nhiên.
Trước kỳ thi, em sẽ tập trung ôn lý thuyết và dành chừng hai tháng để xuống phòng thí nghiệm thực hành. Bởi thực hành nhiều sẽ nhớ lâu, rèn luyện tư duy, tránh học thuộc. Do vậy, em học rất nhiều các chủ đề, giải bài tập, đọc thêm kiến thức mới trên mạng và sách tham khảo của thầy cô giới thiệu. Đây là thói quen duy trì từ năm lớp 9, trước khi vào học trường chuyên.
Với lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng hiện nay và bản thân em cũng rất hứng thú, gia đình cũng ủng hộ. Tương lai xa hơn, em mong muốn có cơ hội du học tại Singapore hoặc Hồng Kông.
Ở đây có những trường đại học nổi tiếng về lĩnh vực công nghệ thông tin mà em muốn theo học như Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Khoa học và Công nghệ HongKong (HKUST), và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU)… Tuy nhiên, mong muốn cháy bỏng của em là có thể lập nghiệp trên chính quê hương để cống hiến cho đất nước.
Nguyễn Hữu Tiến Hưng - sinh viên ngành Y khoa (Trường Đại học Y Hà Nội): Nỗ lực trở thành bác sĩ giỏi
Em đam mê Hóa bởi môn học này cho em được trải nghiệm sự hấp dẫn của các phản ứng hóa học, tạo nên những màu sắc sặc sỡ, hiện tượng kết tủa, bay hơi… Em có thể dễ dàng giải thích được những sự vật, hiện tượng, nghiên cứu về thành phần, cấu trúc, tính chất và sự thay đổi của vật chất. Nó rất gần gũi với cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, đây là môn học có nhiều ứng dụng của cuộc sống.
Để học tốt môn Hóa, ban đầu cần học kỹ bản chất của môn học cơ sở bởi chúng chính là nền tảng để phát triển lên những khái niệm phức tạp hơn. Ngoài ra, cần chú ý nghe bài giảng trên lớp và hỏi ngay thầy cô khi chưa hiểu hay còn khúc mắc. Nếu có thể, nên trau dồi kiến thức tiếng Anh để đọc và hiểu các tài liệu nước ngoài. Trước mỗi kỳ thi, cần chuẩn bị sức khỏe thật tốt, về cả mặt thể chất và tinh thần, vì chỉ khi có tâm lý tốt các bạn mới có thể hoàn thành hết sức các bài thi của mình.
Mục tiêu của em trong quá trình học tập tại Trường Đại học Y Hà Nội là tiếp thu nhiều kiến thức về y học, được tham gia vào công việc nghiên cứu khoa học và quan trọng nhất là trở thành một bác sĩ giỏi để cứu chữa được nhiều người.
Vinh danh học sinh đoạt giải Olympic và khoa học quốc tế
Năm 2024, Bộ GD&ĐT cử 7 đoàn học sinh với 38 lượt học sinh tham dự các kỳ thi Olympic châu Á: Vật lý, Tin học và Olympic quốc tế: Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý, Tin học.
Kết quả, tất cả học sinh dự thi đều đoạt giải với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen. Tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 (Regeneron ISEF 2024), đoàn Việt Nam giành 1 giải Nhì với dự án thuộc lĩnh vực phần mềm hệ thống. Dự án này đồng thời cũng nhận được giải Đặc biệt (Special Awards) do Hiệp hội Tin học Hoa Kỳ trao tặng. Đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được kể từ năm 2013.
Để kịp thời khen thưởng thành tích các đội tuyển, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1961/QĐ-BGDĐT, giao Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp cùng các đơn vị chức năng của Bộ đã tổ chức chương trình vinh danh học sinh đoạt giải Olympic và khoa học quốc tế vào các ngày 28 và 29/12/2024.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-truong-tinh-xuat-sac-am-giai-quoc-te-post713980.html