Người dân Nga ở một số nơi như vùng Novgorod và Pskov sống vào thời Trung cổ có truyền thống xây nhà thờ trong 1 ngày.
Theo quan niệm của người dân, việc xây dựng nhà thờ trong 1 ngày sẽ giúp họ tránh được những tai ương, thảm họa kinh hoàng, thường là dịch bệnh nguy hiểm. Người Nga gọi những nhà thờ hoàn thành trong 1 ngày là obydennaya tserkov (có nghĩa "nhà thờ một ngày").
Do xây dựng và hoàn thành trong 1 ngày nên những nhà thờ này là do công sức của cả một cộng đồng cùng nhau tạo ra. Những công trình này có thiết kế đơn giản bằng gỗ với quy mô nhỏ.
Người dân thường bắt đầu quá trình xây dựng nhà thờ vào ban đêm và kết thúc trước khi mặt trời lặn của hôm sau.
Nhà thờ hoàn thành quá trình xây dựng trước khi màn đêm buông xuống vì người dân tin rằng công trình này phải được thánh hiến. Theo niềm tin của người dân Nga, thánh hiến là tách rời một người hay một vật ra khỏi lãnh vực phàm tục, để dành riêng cho công việc thần thánh.
Nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận, nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Nga trong 1 ngày là ở Novgorod năm 1390. Khi ấy, người dân xây dựng một obydennaya tserkov bằng gỗ với hy vọng sẽ đẩy lùi dịch hạch đang hoành hành ở Nga cũng như các nước châu Âu.
Sau khi hoàn thành quá trình xây dựng trong 1 ngày, nhà thờ được giám mục thánh hiến và đi vào sử dụng. Không lâu sau, dịch bệnh được đẩy lùi. Vì vậy, người dân càng tin rằng mọi chuyện tốt đẹp xảy ra sau khi họ xây dựng nhà thờ và cầu nguyện.
Kể từ đó, nhiều nhà thờ xây trong 1 ngày xuất hiện nhiều nơi ở vùng Pskov và Novgorod trong thế kỷ 15 - 16.
Đến thế kỷ 18, truyền thống xây dựng nhà thờ trong 1 ngày biến mất. Đến cuối thể kỷ 20, truyền thống này được hồi sinh. Khi ấy, người dân Nga xây dựng những nhà thờ bằng đá.
Một số công trình nổi tiếng được xây dựng trong giai đoạn này gồm: nhà thờ thánh Varlaam Khutynsky ở Pskov, nhà thờ Anastasia Uzoreshitelnitsa tại thành phố Mariinsk, Nhà thờ Thánh Simeon ở Veliky Novgorod.
Mời độc giả xem video: Vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris được tiên đoán từ trước. Nguồn: Vietnamnet.
Tâm Anh (theo RBTH)