Được tạo tác vào khoảng năm 1118-1121 dưới thời vua Lý Nhân Tông, tượng Kim Cương chùa Đọi (tỉnh Hà Nam) là minh chứng cho sự hoàn mỹ của về nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng bức tượng này.
Theo các nhà nghiên cứu, những pho tượng Kim Cương chùa Đọi từng được đặt quanh bảo tháp với ý nghĩa bảo vệ cho tám phương Phật Pháp. Do những biến động lịch sử mà ngày nay chỉ còn vài tượng còn tồn tại trong tình trạng không nguyên vẹn.
Dù vậy, tượng Kim Cương chùa Đọi vẫn lưu lại những giá trị nghệ thuật vô giá của Phật giáo thời Lý. Tượng được tạc bằng sa thạch nguyên khối, với dáng võ quan khỏe mạnh, đầu đội mũ có chỏm tròn trên đỉnh, bó sát đầu, ôm lấy hai bên mang tai cho đến tận cằm.
Giữa trán và chóp mũ nổi lên những đường gờ tạo thành hình vòng nối xuống những bông hoa cúc cách điệu hai bên mang tai.
Thân tượng vận giáp trụ, bó sát người xuống tận dưới đầu gối, ngực áo có hai xoáy lớn.
Vai có hình mặt hổ phù, phía trước bụng có dải như hình chiếc khánh.
Thân áo điểm những bông hoa cúc chạm nổi nhiều cánh.
Chân đi hài cao cổ.
Trong thế giới quan của Phật giáo Đại thừa, dòng Phật giáo chủ đạo của Đại Việt, Kim Cương nguyên là "Kim Cương thủ" là vị bồ tát có công bảo vệ Phật.
Theo các kinh điển Phật giáo, bất cứ ai tu thiền thành Bồ-tát trên đường thành Phật sẽ được thần Kim Cương gìn giữ bảo vệ, không bị ai phá hoại hoặc nhũng nhiễu, cho dù đó là người hay ma.
Hình tượng Kim Cương thủ Bồ tát được cho là có nguyên gốc từ nhân vật anh hùng Heracles của Hy Lạp, truyền bá vào Ấn Độ theo chân đoàn quân viễn chinh của Alexander Đại Đế và qua thời gian trở thành vị Bồ-tát cầm chùy, hộ vệ cho Phật giáo.
Tuy trong kinh điển chỉ nhắc đến một vị Bồ-tát, nhưng qua sự dung hợp với Lão giáo thì trở thành tám vị, gọi là Bát bộ Kim Cương. Tám vị thần này thường được bài trí trong các ngôi chùa Việt như các Hộ pháp, có vai trò bảo vệ Phật pháp, tín đồ và cơ sở thờ phụng Phật.
Vì là Hộ pháp, tượng Kim Cương được tạo hình với trang phục như võ tướng, thân mặc giáp, tay cầm khí giới như sẵn sàng xung chiến. Thông thường, trong tám vị sẽ có ba vị tô mặt trắng nét mặt nhân hậu, năm vị tô mặt đỏ dữ tợn, thể hiện hai chức năng "khuyến thiện" và "trừng ác"...
Mời quý độc giả xem video: Thách thức gìn giữ văn minh sông Hồng. Nguồn: VTC1.
Quốc Lê