Giải mã về quá trình ra đời và ý nghĩa của tiền trong lịch sử Việt
Theo sách 'Lịch triều hiến chương loại chí', tiền ở Việt Nam lần đầu được phát hành dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh). Sau đó, mỗi triều đại lại cho phát hành những loại tiền khác nhau.
Tiền cổ Việt Nam được đúc bằng 2 nguyên liệu chủ yếu là đồng và kẽm. Trong đó, tiền đồng thông dụng nhất. Tiền kẽm chỉ xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ 17 trở về sau.
Theo sách "Lịch triều hiến chương loại chí", tiền giấy lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta vào cuối thời nhà Trần, đầu thời nhà Hồ. Vị vua đầu tiên cho phát hành tiền giấy là Hồ Quý Ly. Đây được xem là một trong những cải cách tiến bộ của ông vua này.
Theo sách "Tiền cổ Việt Nam", Lê Hiển Tông là vị vua cho phát hành nhiều loại tiền nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong 46 năm làm vua, Lê Hiển Tông cho đúc tới 16 loại tiền khác nhau để lưu hành trong nước.
Khi lên làm vua, Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu là Thái Bình và cho đúc tiền Thái Bình hưng bảo bằng đồng. Đây là tiền duy nhất được phát hành trong thời nhà Đinh. Hiện, các nhà sử học và khảo cổ học chưa xác định được chính xác thời điểm xuất hiện loại tiền này.
Dưới thời phong kiến, tên của đồng tiền gắn liền tên niên hiệu của nhà vua. Ví dụ, khi vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi lấy niên hiệu Thái Bình, liền cho đúc tiền Thái Bình hưng bảo. Lê Hoàn lên ngôi lấy niên hiệu Thiên Phúc, cho đúc tiền Thiên Phúc trấn bảo.
Theo sách "Tiền cổ Việt Nam", vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam cho đúc tiền phát hành trong dân là Bảo Đại với loại tiền Bảo Đại thông bảo. Tiền Bảo Đại thông bảo bằng đồng, được dập lá đồng bằng máy, kích thước tiền nhỏ và mỏng. Người dân không coi trọng giá trị tiền này.