Giải mã vị thế của EU trong cuộc cạnh tranh Nga-Mỹ ở châu Âu

EU đang cảm thấy mình 'đứng bên lề' cuộc đàm phán quyết định về tương lai an ninh của châu Âu trong bối cảnh Mỹ và Nga thảo luận liên quan đến tình hình Ukraine.

Giáo sư Glenn Diesen tại Đại học Đông Nam Na Uy và là biên tập viên của tạp chí "Nga trong các vấn đề toàn cầu" (Russia in Global Affairs) bình luận trên trang RT ngày 18/1: EU đã bị cho "ra rìa" sau khi không có đại diện tham dự các cuộc đàm phán an ninh giữa Nga và Mỹ. Có vẻ như ngày càng rõ ràng rằng EU đang đối mặt với thực tế là các thành viên không còn có chỗ ngồi ở bàn đàm phán cao nhất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva. Ảnh: Sputnik

Trước cuộc đàm phán Mỹ-Nga tuần trước, Washington tuyên bố rằng an ninh châu Âu không thể được quyết định bởi những người đứng đầu EU và Ukraine, mà chỉ cần tiếp tục với thể thức song phương Mỹ-Nga. Nói một cách đơn giản, Washington không thể tiến hành ngoại giao với các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu.

Lý do đầu tiên cho vấn đề trên là các đảm bảo an ninh của Mỹ thường đi liền với thỏa hiệp. Năm 1962, Tổng thống Mỹ John Kennedy và phía Liên Xô trước đây đã đạt được một thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, trong đó quy định Mỹ rút tên lửa Jupiter khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lại việc Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba. Thay vì tán dương những nỗ lực ngoại giao ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, Mỹ ra điều kiện giữ bí mật thỏa thuận. Trong hai thập kỷ, công chúng Mỹ tin rằng cuộc khủng hoảng đã được giải quyết bằng cách đối đầu với Moskva với lập trường không khoan nhượng, điều này đã khiến Liên Xô lùi bước và Mỹ giành chiến thắng.

Jack Matlock, Đại sứ cuối cùng của Mỹ tại Liên Xô, cho biết, tương tự như vậy, Washington đã viết lại lịch sử bằng cách tuyên bố rằng Mỹ chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Trong khi trên thực tế, nó đã được đàm phán để kết thúc vào năm 1989 nhờ sự thỏa hiệp. Theo Matlock, mục đích sự thêu dệt của Mỹ là nhằm cho công chúng thấy hòa bình đạt được thông qua thế mạnh và đánh bại đối thủ, trong khi thỏa hiệp được coi là "nhân nhượng". Do đó, ngoại giao thực tế và thỏa hiệp phải được thực hiện sau những cánh cửa đóng kín.

Lý do thứ hai, nền tảng của "đoàn kết liên minh" phương Tây là luôn thống nhất chống lại đối thủ: Nga - điều đảm bảo rằng EU chỉ có thể đưa ra tối hậu thư và những lời đe dọa. Bài học chính từ Hội đồng NATO-Nga là 30 quốc gia thành viên sẽ thống nhất quan điểm chung trước khi gặp Nga. Điều này đã khiến cơ hội ngoại giao bị suy yếu, vì hình thức đàm phán từ “thế mạnh” ngụ ý rằng NATO sẽ gây áp lực hoặc đe dọa Nga phải chấp nhận các quyết định đơn phương. Do đó, cả Washington và Moskva đều nhận thấy rằng ngoại giao và thỏa hiệp chỉ có thể thành công trong hình thức song phương.

Không có chỗ trên bàn đàm phán

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell, đã chỉ trích cuộc họp Mỹ-Nga khi thảo luận về an ninh châu Âu (liên quan đến tình hình Ukraine) mới đây mà khối này không có mặt. Ông Borrell lập luận: "EU phải tham gia các cuộc đàm phán này vì an ninh châu Âu là an ninh của chúng tôi… Đó là việc liên quan chúng tôi. Đây không chỉ là trường hợp của hai bên, tức là Mỹ và Nga, hoặc NATO và Nga”.

Theo Giáo sư Diesen, trớ trêu là lý do của cuộc xung đột này là do phương Tây trong 30 năm qua đã đơn phương thay đổi nền tảng kiến trúc an ninh châu Âu mà không có sự tham gia của Nga với tư cách là quốc gia lớn nhất lục địa. EU đã hợp pháp hóa chủ nghĩa đơn phương thông qua cái gọi là “dân chủ” và “giá trị”, trong khi những lo ngại về an ninh của Nga đã bị lờ đi nhiều thập kỷ và các thỏa thuận an ninh toàn châu Âu dựa trên nguyên tắc “an ninh không thể chia cắt” đã bị vi phạm.

EU và Nga đã đạt được Thỏa thuận quan trọng về Không gian chung EU-Nga vào năm 2005, trong đó cam kết cả hai bên sẽ theo đuổi các nỗ lực hội nhập hướng tới khu vực lân cận chung “theo cách thức cùng có lợi, thông qua hợp tác và đối thoại chặt chẽ giữa EU-Nga để tạo ra một châu Âu vĩ đại hơn mà không có ranh giới phân chia".

Nếu EU tôn trọng thỏa thuận này và không tìm cách loại bỏ Nga trong khu vực lân cận chung, thì bế tắc hiện tại có thể sẽ không xảy ra. Do đó, một châu Âu bị chia rẽ sẽ ngày càng trở nên không còn phù hợp. Nỗ lực di chuyển từng bước các đường ranh giới về phía biên giới Nga đang làm tăng các lệnh trừng phạt lẫn nhau và nguy cơ xung đột quân sự, dẫn đến việc châu Âu ngày càng phụ thuộc hơn vào Mỹ. Giáo sư Diesen kết luận nếu không có quyền tự chủ chiến lược, quan hệ EU-Nga sẽ bị chi phối bởi quan hệ Mỹ-Nga.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/giai-ma-vi-the-cua-eu-trong-cuoc-canh-tranh-ngamy-o-chau-au-20220119122613691.htm