Giải mã vũ khí giúp đội quân La Mã cổ đại 'bất khả chiến bại' trên chiến trường

Đổi mới, sáng tạo trong từng phát minh như vũ khí, chiến thuật... đã giúp quân La Mã cổ đại trở thành đối thủ đáng sợ trên chiến trường.

Những đổi mới, phát minh về vũ khí, chiến thuật và trang thiết bị đóng vai trò quan trọng trong quân đội của nền văn minh cổ đại. Thực tế đã cho thấy hiệu quả và uy lực của chúng trong khi chiến đấu, giúp quân đội La Mã tạo được những bước đột phá và gặt hái được nhiều thành công.

Dưới đây là một số phát minh nổi bật của quân đội La Mã thời cổ đại khiến nhiều người kinh ngạc:

Cầu nối Corvus: Vũ khí giúp hải quân La Mã "lật ngược tình thế"

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chiến tranh Punic lần thứ nhất (264 - 241 TCN) giữa La Mã cổ đại và Carthage, gây bất ngờ với phần thắng nghiêng về một đội quân non kinh nghiệm trong lĩnh vực hải quân, đó là người La Mã.

Bên cạnh sự khéo léo và chiến thuật sáng tạo của người La Mã, phát minh tuyệt vời về cầu nối Corvus mới được cho là "đòn bẩy" quyết định giúp đội quân của đế chế này chiến thắng Carthage, một quốc gia có nhiều kinh nghiệm về hàng hải và hải quân trong nhiều thế kỷ.

Corvus là một loại cầu nối, có thể được đặt ở vị trí trên cao tới gần 4 mét và xoay theo bất kỳ hướng nào. Người La Mã thường dùng thiết bị này sau khi áp sát tàu đối phương và hạ xuống để cho quân lính trực tiếp tràn lên tàu địch để giao chiến.

Chiến thuật hải quân độc đáo này giúp người La Mã chiếm ưu thế, vì họ vốn nổi tiếng trong cách đánh cận chiến, trong khi người Carthage chủ yếu dựa vào lính đánh thuê.

Đỉnh cao của phát minh này đã mang lại chiến thắng vang dội cho quân đội La Mã tại trận Cape Ecnomus (năm 256 TCN), đánh bại 350 tàu chiến của Carthage (gồm hơn 150.000 thủy thủ và thủy quân lục chiến).

Tuy nhiên, loại vũ khí này cũng có những ảnh hưởng không nhỏ tới chính các tàu chiến La Mã. Cụ thể, do cấu tạo và vị trí lắp đặt thường cao nên khiến tàu nặng nề, gây mất ổn định và bất lợi trong những điều kiện như sóng lớn, gió to.

Những chiếc cầu nối Corvus dường như đã mất dần vị thế từ năm 255 TCN, có lẽ là do hiệu ứng "phá hoại" của chúng trên các tàu chiến La Mã.

Máy bắn đá Onager: Vũ khí uy lực, công phá thành và pháo đài

Máy bắn đá uy lực của người La Mã cổ đại.

Máy bắn đá uy lực của người La Mã cổ đại.

Trong khi cỗ máy Ballista nổi tiếng chủ yếu bắn được những mũi tên hạng nặng uy lực, thì máy bắn đá với tên gọi "Onager" được người La Mã phát minh và cải tiến có thể ném được đá lớn, công phá tường thành và các pháo đài nhỏ khi giao chiến.

Tường thành và các pháo đài vốn được cho là hệ thống phòng thủ luôn được gia cố một cách chắc chắn, với nhiều bức tường đá cao và dày. Thông thường khi chưa có máy bắn đá, việc công thành rất khó khăn và cần hao tổn một lượng lớn quân đội.

Tuy nhiên, khi phát minh đắc lực này ra đời, công việc tưởng chừng gian nan này trở nên đơn giản hơn rất nhiều, với uy lực vượt trội. Để phát huy tối đa sức mạnh, máy bắn đá Onager hoạt động dựa theo nguyên lý sử dụng lực của dây lò xo xoắn nhằm tạo lực đẩy lớn cho mỗi viên đá bắn ra.

Những viên đá lớn được bắn ra với sức mạnh khủng khiếp có thể phá hủy tường thành của quân địch và giúp đội quân La Mã rất nhiều trong quá trình bao vây, tiến đánh hệ thống phòng thủ.

Đặc biệt, đôi khi người La Mã cũng trộn lẫn những chất dễ cháy nổ vào các tảng đá lớn để làm đạn công phá pháo đài của quân địch. Tốc độ bay của đạn đôi khi cũng tùy thuộc vào vận tốc của gió, địa hình, nhưng nhìn chung uy lực của loại vũ khí này là rất lớn.

Sau đó, máy bắn đá không ngừng được cải tiến cả về quy mô, thiết kế với nhiều ưu thế vượt trội hơn, và dần trở thành một loại vũ khí có vai trò quan trọng trong những cuộc chiến của người La Mã cổ đại.

Cây lao Pilum

Lao Pilum là một vũ khí tầm xa có sức mạnh lớn. Ảnh: Peter Dennis

Lao Pilum là một vũ khí tầm xa có sức mạnh lớn. Ảnh: Peter Dennis

Lao là một loại vũ khí tầm xa, thường được trang bị cho các chiến binh cũng như lực lượng bộ binh trong quân đội. Chức năng của loại vũ khí này chủ yếu là đâm, ngoài ra còn có thể ném hoặc phóng ở khoảng cách xa.

Theo một số tài liệu, mỗi người lính La Mã thời cổ đại thường mang theo khoảng 2 chiếc lao phi vào chiến trường, một lao Pilum nặng và một loại lao nhẹ.

Tuy nhiên, cả hai loại lao này đều bao gồm trục gỗ dài khoảng 1.4 mét, với phần đầu là lưỡi lao được làm bằng sắt có mũi nhọn hình tam giác. Sự khác biệt giữa hai loại chủ yếu là độ mỏng, dày ở cán.

Tuy nhiên, điểm khác biệt độc đáo của lao Pilum so với các loại lao khác là chúng được thiết kế với phần lớn trọng lượng nằm ở đằng sau phần đầu của lao.

Điều này tạo ưu thế có lợi cho người ném và khả năng sát thương khi mũi lao đâm trúng là rất cao. Những cây lao Pilum của người La Mã thậm chí còn có thể đâm xuyên tấm khiên của kẻ thù và khiến người mang khiên bị thương.

Khi lao Pilum cắm chặt vào khiên thì có thể khiến quân địch buộc phải buông tấm lá chắn bảo vệ này xuống và điều này rất có lợi trong những trận chiến có số lượng quân lính lớn. Đây thực sự là một vũ khí đáng gờm của đội quân La Mã khi giao chiến.

Plumbata: Phi tiêu "ám sát" đáng sợ của La Mã

Tuy nhỏ bé, nhưng Plumbata là một loại phi tiêu "ám sát" có uy lực lớn trên chiến trường.

Tuy nhỏ bé, nhưng Plumbata là một loại phi tiêu "ám sát" có uy lực lớn trên chiến trường.

Plumbata là một trong những loại vũ khí có khả năng "đoạt mạng" kẻ địch đáng sợ của người La Mã, bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ IV.

Loại vũ khí này thực chất giống như phi tiêu, với cấu tạo gồm phần đầu hình tam giác giống như mũi giáo làm từ sắt, gắn với phần thân được làm từ gỗ buộc lông vũ, với đầu nối đúc bằng chì rỗng.

Plumbata được đặt sau mỗi tấm khiên khi chiến đấu. Ảnh: Internet

Plumbata được đặt sau mỗi tấm khiên khi chiến đấu. Ảnh: Internet

Với chiều dài khoảng hơn 30cm, và kích thước nhỏ gọn nên Plumbata rất thuận tiện để mang theo. Ngoài ra, vì là một vũ khí cầm tay có vẻ ngoài bé nhỏ nên Platium rất mạnh khi chiến đấu tầm xa.

Nó có thể được dùng như là một loại vũ khí tấn công hoặc công cụ ám sát đắc lực. Khả năng sát thương khá lớn, nhưng uy lực của loại phi tiêu Plumbata lại chủ yếu phụ thuộc vào lực tay của binh lính sử dụng.

Loại phi tiêu này có thể được dùng thay thế cho những loại vũ khí hạng nặng như lao Pilum và thường được gắn ở phía sau mỗi tấm khiên khi quân La Mã giao chiến.

Mặc dù có rất ít ghi chép hay hiện vật về Plumbata, nhưng nếu từng được dùng trong chiến đấu, thì đây thực sự là một vũ khí có uy lực lớn của quân đội La Mã.

Theo Nguyễn Hằng/Helino

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/giai-ma-vu-khi-giup-doi-quan-la-ma-co-dai-bat-kha-chien-bai-tren-chien-truong/20200509090024330