Giải mã vua sư tử
'Mufasa' mở rộng câu chuyện về dàn nhân vật nổi tiếng của 'The Lion King', đồng thời thiết lập tương lai của thương hiệu.
The Lion King (1994) là một trong số tác phẩm hoạt hình kinh điển của Disney, gắn liền với tuổi thơ hàng triệu trẻ em trên toàn cầu. Bản điện ảnh ra mắt sau 25 từng mang về cho đế chế giải trí hơn 1,6 tỷ USD, con số không tưởng mà rất ít phim tại thời điểm đó đạt được.
Cũng vì thế mà tiền truyện Mufasa: The Lion King, bên cạnh những thách thức không nhỏ về mặt nội dung, còn bị áp lực doanh thu đè nặng. Phim vừa chính thức công chiếu từ 18/12, hiện nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Không khó nhận ra nhà Chuột đầy tham vọng khi mở rộng câu chuyện về dàn nhân vật vốn nổi tiếng đình đám. Song, bom tấn “chốt sổ” năm 2024 của Disney lại đang không hoạt động hiệu quả tại phòng vé như mong đợi.
Góc nhìn khác về kẻ phản bội vua sư tử
Nối tiếp The Lion King (2019), Mufasa đưa khán giả trở lại vùng thảo nguyên hoang sơ, điểm khởi nguồn hành trình của cha “vua sư tử” Simba. Mufasa từ một kẻ ngoại tộc, bị ghẻ lạnh, trở thành một cái tên biểu tượng. Ở phương diện khác, tác phẩm còn mang đến góc nhìn mới về Taka, người anh em của Mufasa, trước khi gã biến chất, trở thành Scar trong phần phim ra mắt năm 2019.
Câu chuyện bắt đầu khi Mufasa còn là một chú sư tử con, mơ ước về vùng đất Pride Lands màu mỡ trong truyền thuyết. Rồi một cơn lũ ập đến, khiến cậu lạc mất gia đình. Mufasa được gia đình sư tử Obasi - Eshe nhận nuôi, làm quen với người anh em mới Taka. Cậu được Eshe dạy những kỹ năng săn mồi. Trong khi, Taka chịu tác động bởi lối giáo dục độc hại của Obasi, khiến cậu ngày càng hèn nhát, đố kỵ.
Biến cố xảy ra khi đàn của họ bị nhóm sư tử khát máu tấn công. Mufasa và Taka buộc phải cùng nhau trốn chạy đến vùng đất mới. Song, những mâu thuẫn giữa hai anh em họ cũng khởi phát từ đây.
Cách giáo dục sai lệch của cha khiến suy nghĩ trong Taka trở nên méo mó, để rồi sẵn sàng phản bội lại người anh em thân thiết từ hồi thơ bé. Song ở một phương diện khác, trước khi trở thành phản diện, nhân vật cũng cũng từng có những khoảnh khắc thật sự dũng cảm.
Như lời Eshe từng căn dặn: “Con sẽ có những khoảnh khắc dũng cảm của riêng con”, Taka trong phim từng “cứu” Mufasa tới 3 lần. Từ khoảnh khắc đầu tiên chạm mặt, tới việc nhường chiến thắng trong cuộc thi chạy, và rồi đỡ một đòn tấn công chí mạng từ Kiros thay anh trai.
Qua ống kính của Barry Jenkins, hình tượng phản diện hiện lên đa chiều hơn, không còn hoàn toàn là một kẻ cay nghiệt, độc ác như trong phần hậu truyện về Simba. Khán giả hẳn không xa lạ với việc Mufasa sẽ trở thành vua của Pride Lands, trong khi Taka/Scar ôm hận với người anh trai rồi gây nên cái chết kinh điển trong thế giới hoạt hình.
Trên thực tế, Mufasa không cố gắng “tẩy trắng” Scar. Tác phẩm đơn thuần là lời giải thích cho hành trình từ một Taka hiền lành lại biến chất, trở thành một phản diện gây phẫn nộ.
Mufasa và Taka từng là anh em thân thiết, nhưng mỗi người lại tiếp nhận một phương pháp giáo dục khác nhau. Mufasa được mẹ dạy cho sự dũng cảm, mạnh mẽ và kỹ năng săn mồi. Taka lại bị cha đầu độc bằng các tư tưởng làm vua phải lười biếng và dối trá.
Trong khi Mufasa ngày một chứng tỏ tố chất thủ lĩnh, thì Taka càng sinh lòng ganh tị với anh trai. Để rồi, những cảm xúc tiêu cực ấy dần biến thành thù hận khi Mufasa trở thành vua, vị trí mà Taka nghĩ rằng vốn dĩ thuộc về mình.
Hụt hơi
Mufasa là một vị vua hiền lành. Hình tượng này tỏ ra khá khác biệt so với các bộ phim của Disney. Mà tại đó, nhiếp chính thường là những người đàn ông nghiêm khắc hay hung hăng.
Nguyên nhân được giải thích ngay từ khi Mufasa được nhận nuôi. Cậu rốt cuộc không trở thành một thủ lĩnh độc hại, tất cả là nhờ sự chăm sóc và dạy dỗ của Eshe. Taka nhìn thấy điều này. Song, sự đố kỵ và cả tính hèn nhát đã ngăn cản nhân vật noi gương anh trai.
Điều này cũng giải thích lý do Sarabi lại phải lòng Mufasa, thay vì Scar.
Ngoài Mufasa và Scar, một số cái tên quen thuộc từ The Lion King như Rafiki, Sarabi hay Zazu cũng tái xuất trong phần tiền truyện. Nguồn gốc của dàn nhân vật cũng theo đó mà được hé mở. Sarabi từng là nàng công chúa phải rời bỏ quê hương. Rafiki thì bị đồng loại tẩy chay vì tính cách khác biệt, muốn tìm một gia đình mới...
Với Mufasa, dường như Kiara và em trai đang được nhà Chuột thiết lập để trở thành nhân tố chủ chốt của tương lai loạt phim The Lion King. Theo Screen Rant, Kiara có thể là nữ hoàng tương lai của Pride Lands. Và theo cách đó, hình ảnh bộ đôi sẽ lặp lại hành trình ban đầu của Mufasa và Scar, trước khi Mufasa lên ngôi vua.
Mặt khác, cái kết của Mufasa để lại nhiều khoảng trống cho phản diện Scar. Nó giúp Disney có thể viết tiếp câu chuyện về cách gã lấy được lòng trung thành của bầy sư tử xuất hiện trong The Lion King II: Simba's Pride. Điều này giúp gắn kết câu chuyện của Scar với Kiara, mở ra cuộc phiêu lưu mới của The Lion King.
So với The Lion King (2019) diễn ra chủ yếu ở Pride Lands và các khu rừng rậm, bối cảnh Mufasa trải dài khắp lục địa châu Phi. Tác phẩm là sự kết hợp giữa hoạt hình, CGI thực tế và kỹ thuật làm phim live-action với những tiến bộ trông thấy về mặt công nghệ kể từ phần tiền truyện.
Dẫu vậy, phần kịch bản lại chưa đột phá, câu chuyện còn những điểm lợn cợn. Đơn cử, phim nặng tính diễn giải về những nhân vật trong vương quốc. Mối quan hệ giữa Mufasa và Taka là trọng tâm từ đầu, tới nửa sau bỗng trở nên rời rạc.
Theo Variety, Mufasa thống trị phòng vé toàn cầu tuần qua, song màn thể hiện tại phòng vé lại hụt hơi so với phần hậu truyện ra mắt 5 năm về trước. Kết thúc tuần mở màn, doanh thu phòng vé tác phẩm đạt 122 triệu USD trên toàn cầu. Trong đó, 35 triệu USD từ phòng vé Bắc Mỹ và 87 triệu USD từ thị trường quốc tế - kém xa kỳ vọng của giới quan sát.
Với ngân sách lên tới hơn 200 triệu USD, tiền truyện Vua sư tử theo ước tính phải dắt túi 550 - 600 triệu USD mới sinh lời cho nhà Chuột. Dù màn thể hiện tại phòng vé không khả quan như mong đợi, vẫn còn khá sớm để kết luận Mufasa là “bom xịt”. Dịp lễ Giáng sinh, với lượng khách ra rạp tăng đột biến, vẫn có thể mang tới “phép màu” cho bộ phim của Disney.
Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-ma-vua-su-tu-post1520247.html