Giải mật ca trù

Ca trù - vốn quý của âm nhạc dân tộc nhưng còn xa lạ với số đông. Và kinh hoàng hơn, không ít người trong nghề cũng không thật sự 'hiểu' ca trù, chỉ biết đàn hát áng chừng theo các cụ. ('các cụ' gần như không còn trên đời để chỉ dạy). May thay, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã kịp chỉ ra được những quy luật vốn rất nghiêm ngặt của ca trù.

Các học viên CLB Ca trù Đông Môn tranh thủ học ban đêm Ảnh: Bạch Viên

Các học viên CLB Ca trù Đông Môn tranh thủ học ban đêm Ảnh: Bạch Viên

Có sự ăn khớp giữa đàn, hát, phách chuẩn “tổng phổ” như cổ điển phương Tây, lại vẫn có những khoảng ngẫu hứng thể hiện sáng tạo cá nhân như jazz. Công trình vừa công bố của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thực sự đã cho thấy vẻ đẹp cũng như đẳng cấp của thể loại âm nhạc chuyên nghiệp bậc nhất của người Việt.

Nhiều năm qua, Bùi Trọng Hiền bỏ công sưu tầm những tư liệu âm thanh còn lại của các nghệ nhân ca trù hàng đầu, số hóa và tìm ra những quy luật chung. Sau đó vẽ thành sơ đồ kèm âm thanh để bất cứ ai cũng có thể nắm bắt. Hóa ra “nhạc của các cụ chính xác đến từng cm”- lời một đào nương tham gia lớp huấn luyện của anh tại Hải Phòng. Dự án vừa được nghiệm thu thành công tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

DŨNG CẢM SỬA SAI

“Khuôn thước này có thể đánh lừa bất cứ đôi tai âm nhạc chuyên nghiệp nào”, anh Hiền nói về những phát hiện của mình. “Tôi buộc phải ký âm tổng phổ ra phân tích và đặt theo hàng dọc mới nhận ra quy luật. Trước đây mình không hiểu sao các cụ nghe phát biết ngay người đang hát không có phách, mà không cần đếm. Giờ thì tai tôi cũng thành nhà nghề, nghe cái biết ngay”…

Thuở xưa, không rõ các cụ có hệ thống ký hiệu gì để truyền dạy ca trù, nhưng đào nương đều học từ nhỏ cỡ chục năm. Khi ra nghề lại có môi trường hoạt động chuyên nghiệp nên không bị sai. “Ngày nay số ít đào kép được học nghệ nhân được vài năm. Mà thường học thẳng vào bài hát nên chắc chắn không nắm được khuôn thước”, anh Hiền cho hay. “Còn nghệ thuật này qua băng không thể học được, khẳng định luôn. Nếu không có căn cốt, không có khổ đàn khổ phách”.

Đầu năm ngoái, NSƯT Đỗ Quyên- Chủ tịch CLB Ca trù Hải Phòng đến tận nhà mời Bùi Trọng Hiền về Hải Phòng. Nếu không vướng COVID, lớp học đã diễn ra từ giữa năm. Bà miêu tả cảm giác “đảo lộn” khi thực sự tiếp cận với những niêm luật ca trù: “Hôm đầu tiên ngồi mình cứ đớ ra… Hóa ra trước giờ mình toàn đánh (phách) lệch. Nhưng 27 năm trong nghề, nó đã là cái lối mòn trong đầu. Giờ thay đổi thế nào, khó chứ!”. Và thế là dù không phải học viên chính thức (vì ở cương vị phụ trách lớp), bà vẫn thường dạy từ 4h sáng tranh thủ trước khi đi thể dục để xem lại bài. Sợ đánh thức con cháu, bà gõ phách xuống giường: “Mình cũng phải học, không nhỡ đến lúc các em hỏi lại không nắm được”. Nhưng bà tính cũng phải mất hàng năm mới có thể ngấm được những bài học hôm nay. Anh Hiền cũng khẳng định, phải khổ luyện ngày đêm mới trở về với khuôn thước cổ điển, rồi phải “thực hành hằng ngày như luyện võ”.

Nhưng bà nhận thấy rõ sự khác biệt: “Nó vào đúng khuôn khổ, ăn với tiếng đàn hơn. Trước đây có những lúc mình chờ đàn để kết hoặc mình kết phách rồi đàn lại chộp vội để cùng kết. Nghĩa là không hòa được với nhau, giờ thì hòa được. Mình tự tin hơn, kép cũng thế”. Bà cũng sử dụng luôn các sơ đồ của Bùi Trọng Hiền vào giảng dạy cho các đào nương, quan viên nhí. Thầy dạy nhàn hơn, trò tiếp thu cũng nhanh hơn.

Tất nhiên việc hiệu chỉnh ca trù không đảo lộn tâm trí của riêng ai mà toàn giới ca trù rồi sẽ rúng động. Liệu có bao nhiêu chủ nhân của các danh hiệu, các giải thưởng chấp nhận học lại từ đầu (ở tuổi 70) như NSƯT Đỗ Quyên?! Bản thân bà từ 1993 đã bỏ ra cả chục năm theo học các bậc thầy ở Hải Phòng như NNƯT Nguyễn Thị Chín, nghệ nhân Đào Thị Thẩm, Trần Trọng Quế (đàn), Nguyễn Hãn (trống chầu).

Khi Hải Phòng mở lớp, không tránh khỏi có những lời ra tiếng vào kiểu: “Nghệ nhân truyền dạy còn chả ăn ai. Ông Hiền biết cái gì về đàn về phách mà về đây dạy”? Nhưng những lời “kích động” đó chỉ khiến Hải Phòng thêm quyết tâm. “Chả có gì phải ngại”, bà Quyên nói. “Chúng tôi làm theo dự án nhà nước, có sự nghiên cứu bài bản của anh Hiền trong 6 năm giời”!

Dự án đã mở bốn đợt trong các tháng 9,10,11/2020 cho hai CLB Ca trù Hải Phòng và Đông Môn. Chỉ sau đợt 1, số lượng học viên cũng rơi rụng già nửa. Do lượng kiến thức nhiều, thầy có khi phải dạy 4 ca/ngày. Học viên thức đến 2-4h sáng để luyện phách, luyện đàn là thường. Kết thúc dự án, những người còn lại chia sẻ họ cảm thấy may mắn được tham gia lớp tập huấn và tiếc cho ai không được dự học.

“Để quay về bảo tồn giá trị nguyên gốc đúng như cổ điển rõ ràng phải rất dũng cảm”, Bùi Trọng Hiền kể. “Người đầu tiên bộc lộ quyết tâm đó với tôi chính là NSND Thanh Hoài. Khi tôi giảng giải cho chị các khổ đàn khổ phách, chị thú nhận ngay là chị chỉ bắt chước âm điệu của các cụ, chị vốn khác nghề, không hiểu. Và đề nghị tôi dạy đúng theo phách và đàn của các bậc thầy- bà Quách Thị Hồ, bà Nguyễn Thị Phúc, ông Đinh Khắc Ban. Người thứ hai là NSƯT Đỗ Quyên và các đào kép Hải Phòng. Dũng cảm nhìn lại bản thân là thách thức rất lớn của các nghệ sĩ vì họ đều thành danh với các huy chương, danh hiệu. Giờ bảo đi học lại rất nhiều người phản ứng dữ dội. Với những người đã dũng cảm, hãy tiếp tục đi đừng sợ! Có tôi đây rồi!”.

“THẾ MỚI LÀ NGHIÊN CỨU”!

Đó là câu cảm thán của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh sau khi nghe Bùi Trọng Hiền trình bày công trình. Ông diễn giải: “Khi nói đến một thể loại ca nhạc, người ta hay miêu tả: Cái này rung động lắm, bà này hát rất hay. Vậy thì cũng tốt nhưng hay ở đâu, vì sao hay, chẳng có một ni tấc nào để đo. Dự án này cho ta những ni tấc khách quan không thuộc về bà nào ông nào. Anh hiểu nó, từ đó sẽ nói được bà này hay chỗ này, còn chỗ kia chưa hay”!

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan bày tỏ sự khâm phục với chủ nhiệm công trình vì đã nghiên cứu thành công một vấn đề rất hóc búa: “Mô hình hóa được các khổ đàn khổ phách thì sẽ ngự trị được nó. Điều đó xưa nay chưa ai làm”. Ông cho hay, cách đây 20 năm đã đặt hàng nhạc sĩ Nhật Tân ký âm ca trù thành bản nhạc nhưng khi đem ra dạy cho cộng đồng (những người không biết đọc nhạc) thì không khả thi. Trong khi đó phương pháp mô hình hóa của Bùi Trọng Hiền có thể áp dụng đại trà. Thực ra việc hình thức mô tả ca trù bằng bản nhạc hay mô hình không quan trọng bằng kết quả nghiên cứu nền tảng phía sau. Cách đây 3 năm với các đào nương là sinh viên nhạc viện trong nhóm ca trù Phú Thị, Bùi Trọng Hiền cũng sử dụng bản nhạc để dạy hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu của Bùi Trọng Hiền thể hiện qua khóa tập huấn “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại các CLB ca trù Hải Phòng” xem ra hoàn toàn thuyết phục giới chuyên môn. GS.TS Từ Thị Loan nhận định: “Viện VHNT QG làm phải đến hàng nghìn dự án bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể, nhưng chủ yếu mới là sưu tầm, khảo tả, ghi chép, tư liệu hóa… Nói chung đang bảo tồn ở dạng đông lạnh. Vế phát huy chủ yếu cũng là các hoạt động phục dựng lễ hội, truyền dạy dân ca hay nghề thủ công thôi. Dự án theo hướng ứng dụng thế này rất ít. Đây là hướng đi rất nên tiếp tục phát huy”.

Hiện trong 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, chỉ còn duy nhất ca trù vẫn ở tình trạng “cần bảo vệ khẩn cấp”. Công trình của Bùi Trọng Hiền có khả năng thay đổi cục diện này. GS Từ Thị Loan cho hay rất xúc động khi đọc những phát biểu của các học viên tham gia lớp tập huấn: “Họ có cảm giác vỡ òa khi thấy mình như khám phá ra được một kho báu. Những điều vô cùng phức tạp vi diệu đã được thầy chứng minh, giải thích rất thuyết phục và dễ hiểu. Họ thu được những kiến thức về âm luật bài bản đúng với thực chất của ả đào chứ không còn mò mẫm như trước… Rất nhiều ý kiến tương tự thế”. Bà Loan khẳng định những người hiểu biết căn bản, tới nơi chốn, nhiệt tình, tâm huyết cống hiến hết mình như Bùi Trọng Hiền rất hiếm, cần được “tận dụng sức khỏe và chất xám”. Bà mong muốn việc hiệu chỉnh ca trù tiếp tục nhân rộng ra các địa phương.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: “Ca trù vẫn còn những bí mật chờ khám phá”

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: “Ca trù vẫn còn những bí mật chờ khám phá”

Lớp học hiệu chỉnh ca trù tại đình Hàng Kênh- Hải Phòng

Lớp học hiệu chỉnh ca trù tại đình Hàng Kênh- Hải Phòng

Sau khi giải mã xong về nhịp phách, Bùi Trọng Hiền tiếp tục khai phá phần cung điệu. “Có thể khẳng định ả đào là thể loại âm nhạc chuyển điệu nhiều nhất trong âm nhạc Việt Nam, chứng tỏ độ phát triển ở tầng bậc rất cao”. “Sơ đồ chuyển điệu của các thể cách là vô cùng phức tạp. Tôi cũng bàng hoàng khi nhận ra”. Bùi Trọng Hiền nói.

“Chúng ta đã có được kết quả bước đầu về chức năng của các khổ phách và mô hình cấu trúc để thực hiện các chức năng đó. Đây là công lớn của anh Hiền, trước đây chưa có, sau này không biết có ai đi theo con đường này không. Tức là vô tiền khoáng hậu”
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/giai-mat-ca-tru-1774526.tpo