Giải mối lo bán trú thời Covid-19

Sau kỳ nghỉ dài để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, từ đầu tháng 5, về cơ bản học sinh, sinh viên trên cả nước sẽ đi học trở lại.

Vui thật, nhưng nhiều gia đình vẫn xen chút âu lo. Lo bởi con trẻ khi mải chơi có thể quên lời dặn của bố mẹ, thầy cô về việc phải thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh, đặc biệt là với học sinh bán trú.

Nhiều phụ huynh mong muốn con em mình được bán trú ngay sau khi đi học trở lại để vừa tạo điều kiện cho trẻ yên tâm học tập cũng như giúp cha mẹ không quá vất vả đưa đón, chăm sóc. Hội cha mẹ học sinh nhiều trường đã rất cẩn thận khi cử đại diện tới trao đổi ý kiến với lãnh đạo nhà trường về việc này. Lường trước sự quan tâm, lo lắng của các gia đình, nhiều trường đã chủ động vệ sinh trường lớp, lên phương án đón học sinh đi học trở lại cũng như tổ chức bán trú sao cho an toàn, đúng quy định. Một số trường đã tổ chức diễn tập phối hợp giữa các bộ phận của nhà trường để chủ động trong mọi tình huống học giãn ca, giãn lớp, cho học sinh ăn trưa, nghỉ trưa tại trường theo đúng tiêu chí đánh giá mức độ an toàn PCD Covid-19 trong trường học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế xây dựng.

Hầu hết phụ huynh học sinh yên tâm với các phương án của nhà trường cũng như bày tỏ hài lòng sau khi họ được tới tận lớp học kiểm tra từng bàn học, xem xét từng bồn rửa tay, kiểm tra từng lọ sát khuẩn, khu chế biến thực phẩm... Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều phụ huynh quan tâm là nhà trường sẽ làm thế nào để thực hiện giãn cách các em trong quá trình ăn trưa, ngủ trưa tại trường?

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, một số hiệu trưởng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho biết: Trước hết, tuân thủ nghiêm chỉ đạo của bộ và sở về giãn cách học sinh. Các khối lớp sẽ phải học lệch giờ để tạo sự lệch nhau về giờ ra chơi, giờ ăn trưa, giờ đi ngủ... nhằm tránh tập trung đông người cùng một thời điểm. Với học sinh đăng ký ăn trưa tại trường, nhà trường sẽ căn cứ số lượng thực tế để bố trí đủ giãn cách 1m theo quy định, như: Kê bàn ăn theo một hướng, không để học sinh ngồi đối diện nhau; tăng cường thêm bàn ăn bằng cách ăn ở nhiều địa điểm, cả nhà ăn, một số phòng học; khi ăn không nói chuyện...

Riêng về các bếp ăn, một hiệu trưởng tại TP Hồ Chí Minh cho biết, các công ty cung cấp thức ăn đều được cấp chứng nhận nằm trong chuỗi an toàn thực phẩm do thành phố và sở y tế cấp phép. Thực đơn, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm... được quản lý thống nhất, có sự giám sát chặt chẽ của nhà trường, ban phụ huynh và các cơ sở y tế. Những người nấu ăn và phục vụ cũng được đào tạo chuyên nghiệp.

Về việc ngủ trưa tại trường, tùy theo diện tích mỗi trường cũng như số lượng học sinh bán trú, các trường đã lên phương án giãn cách tối đa bảo đảm an toàn cho học sinh. Với những trường có diện tích nhỏ, nhà trường cho các em ngủ "tráo đầu đuôi" để hạn chế hơi thở và nước bọt bắn vào nhau... Tuy nhiên, theo các giáo viên, đây cũng chỉ là những biện pháp tạm thời, về lâu dài, vẫn phải chuẩn hóa trường học sao cho diện tích trường, lớp phù hợp với số học sinh.

Theo một số hiệu trưởng, tính toán mọi phương án là cần thiết, bởi mỗi phụ huynh lại có những nhu cầu khác nhau. Nếu như số đông phụ huynh học sinh yêu cầu bán trú, các nhà trường phải khắc phục khó khăn mà tổ chức bán trú trong điều kiện siết chặt quản lý ở các khâu, bảo đảm an toàn cho học sinh và an tâm cho phụ huynh.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/giai-moi-lo-ban-tru-thoi-covid-19-616918