Giải ngân 700.000 tỷ vốn đầu tư công: Xông trận thế nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp mạnh mẽ để đốc thúc, chấn chỉnh các chủ đầu tư, Ban QLDA...

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra vào ngày 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020 là vô cùng quan trọng, và yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương phải "xông vào trận", bám ngày, bám đêm để giải ngân cho bằng được.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, nguồn vốn đầu tư công chủ yếu dồn vào các dự án hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm thế nhưng việc tiêu tiền từ vốn ngân sách trong lĩnh vực này chưa bao giờ là dễ.

Trước đây, nhiều dự án được tiến hành theo hình thức đối tác công-tư (PPP) nhưng nhà thầu lại không có hoặc có rất ít vốn trong tay, phải đi vay vốn của ngân hàng, cuối cùng giá trị dự án lại đội lên, Nhà nước phải trả thêm cả khoản vốn vay đó.

Trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng thì việc chuyển từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công là điều đúng đắn, thúc đẩy tiến độ dự án, đồng thời giảm bớt khâu trung gian.

Riêng trong lĩnh vực giao thông, theo Nghị quyết 52 của Quốc hội, dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông dài 654km được chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công, 8 dự án PPP. Tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT, 50.811 tỷ đồng vốn nhà nước.

Hiện nay 3 dự án vốn đầu tư công là Cam Lộ-La Sơn (Quảng Trị), Cao Bồ-Mai Sơn (Ninh Bình), cầu Mỹ Thuận 2 đã thi công. Tổng cộng 3 dự án này sử dụng 14.279 tỷ đồng vốn đầu tư công.

Còn 8 dự án PPP chuyển sang đầu tư công có tổng mức đầu tư 88.234 tỷ đồng, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục để có thể khởi công trong tháng 8/2020 sau khi Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư.

Ngoài ra, dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ cùng hai dự án nâng cấp, cải tạo hai đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng được thực hiện theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư lần lượt là 5.408 tỷ đồng và 4.152 tỷ đồng.

Nếu các dự án này khởi công được trong năm 2020, tạm ứng được cho nhà thầu 20% giá trị để thi công thì theo tính toán, cũng giải ngân được hơn 22.000 tỷ đồng trong năm 2020 để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để giải ngân được số vốn khổng lồ 700.000 tỷ đồng, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, trước hết cần giải quyết những vấn đề cố hữu khiến lâu nay giải ngân đầu tư công chậm chạp, có tiền không được tiêu.

Trước hết, theo quy trình, một dự án khi đã duyệt phải thi hành tất cả các khoản mục, mà đầu tiên là thành lập Ban QLDA, giải phóng mặt bằng rồi chọn nhà thầu.

Nhà thầu phải ứng trước một khoản tiền nhất định để khởi công công trình và chứng tỏ năng lực của mình thì lúc đó Nhà nước mới ứng một phần vốn ban đầu để nhà thầu triển khai. Nguyên tắc là vốn sẽ ứng theo khối lượng công việc làm được trong thực tế chứ không ứng tất cả ngay một lúc để nhà thầu giữ.

Vì vốn ứng theo khối lượng công việc thực tế nên yêu cầu đặt ra đối với Ban QLDA là phải sát sao, thúc giục nhà thầu làm nhanh, tránh để nhà thầu ỷ lại, hoặc không làm mà ứng vốn, dẫn tới phá vỡ kế hoạch, không giải ngân được.

Thứ hai, các vấn đề về thủ tục hành chính, địa phương giải phóng mặt bằng, Ban QLDA ký hợp đồng... phải thực hiện nhanh chóng thì lúc đó mới giải ngân được.

"Cùng một cơ chế, chính sách nhưng nơi giải ngân cao, nơi giải ngân thấp, ấy là do năng lực của các chủ đầu tư, Ban QLDA. Bản thân Ban QLDA không kiên quyết, đặc biệt là người đứng đầu, dẫn đến tình trạng chính sách từ Trung ương rất quyết liệt mà qua các cấp thì cứ trễ dần, khiến công trình mãi chưa thể hoàn thành, vốn không thể giải ngân.

Nếu là nhà thầu có năng lực, thường ký hợp đồng xong họ sẽ triển khai luôn, việc giải ngân rất dễ. Nhưng nếu chọn thầu không chính xác, nhà thầu không có năng lực dẫn đến giải ngân chậm chạp, mà hợp đồng đã ký rồi thì các nhà thầu khác không vào được nữa. Vốn ngân sách nhà nước không triển khai được, tất cả những dịch vụ, sản xuất phục vụ cho dự án cũng sẽ ứ đọng, ví dụ nguyên vật liệu, máy móc, nhân liệu..., từ đó kéo theo toàn bộ hệ thống kinh tế bị ảnh hưởng, đình trệ.

Bởi vậy, các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến dự án phải tích cực vào cuộc để làm rõ khó khăn, chọn nhà thầu có năng lực. Ngoài ra, phải minh bạch, rõ ràng, có các giải pháp mạnh mẽ để đốc thúc, chấn chỉnh các chủ đầu tư, Ban QLDA và xử lý nghiêm các đơn vị yếu kém làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ban QLDA phải điều tiết các bộ phận với nhau, như bộ phận kế hoạch, tài chính, xây dựng, mặt bằng, an ninh, nếu một khâu chậm trễ sẽ dẫn đến cả hệ thống bị ảnh hưởng", PGS.TS Nguyễn Đình Thám phân tích.

Cho rằng việc giải ngân ngay trong năm 2020 một lượng vốn đầu tư công khổng lồ tới 700.000 tỷ đồng chắc chắn phải được Bộ Tài chính chuẩn bị từ trước, song vị chuyên gia cũng lưu ý điều quan trọng là phải công khai để chọn được nhà thầu có năng lực.

"Trường hợp nhà thầu không đủ năng lực tài chính thì có thể cho họ liên doanh, liên kết. Dù gói thầu đứng tên một nhà thầu chính nhưng có nhiều đơn vị B' kết hợp lại để triển khai đồng loạt được nhiều việc.

Tuy nhiên, cần tránh chia nhỏ gói thầu bởi khi chia nhỏ thì việc đấu thầu sẽ nhẹ nhàng hơn nhưng các bên lại chia chác với nhau, dễ lợi dụng, từ đó nảy sinh tiêu cực", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Theo Thành Luân (baodatviet.vn/NLĐO)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12360/202005/giai-ngan-700000-ty-von-dau-tu-cong-xong-tran-the-nao-5682547/