Giải ngân đầu tư công của TP.HCM thấp hơn mặt bằng chung cả nước
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ đạt 11.511 tỷ đồng (đạt 14,5%), chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra và thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước (29,4%).
Đây là thông tin đáng chú ý mà Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo UBND Thành phố, mức vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là 79.263 tỷ đồng, Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên trên tổng số vốn này. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân đầu tư công đạt thấp, chưa đạt yêu cầu do việc áp dụng quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cụ thể, liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án, trong năm 2024 Thành phố phải giải ngân hơn 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai 2023 có điều chỉnh cách tính giá, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng có lợi hơn cho người dân.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, hạn chế việc khiếu kiện, khiếu nại phát sinh, UBND Thành phố đã triển khai xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai 2023 mới, ban hành các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng và giải ngân kế hoạch vốn nên việc giải ngân chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn chậm so với kế hoạch ban đầu.
Cùng với đó là liên quan công tác lựa chọn nhà thầu trong các tháng đầu năm 2024. Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực 1/1/2024, sau đó đến cuối tháng 4/2024 các văn bản hướng dẫn mới được ban hành đầy đủ, dẫn tới việc kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án và thời gian thực hiện các bước sau đó.
Trong khi đó, một số dự án có vốn đầu tư phải giải ngân lớn của Thành phố đang gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục và đang trong quá trình phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ nên chưa thể giải ngân ngay được số vốn đã bố trí như dự án chống ngập quy mô 10.000 tỷ đồng, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)…
Đối với giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, trong đó có các đối tác phát triển dự án còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hoàn thành dự án. Ngoài ra, trên thực tế, Thành phố có một số dự án cấp bách, cần triển khai đầu tư ngay đang trong quá trình thực hiện có gặp vướng mắc do phát sinh thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Việc thực hiện thủ tục này phải đảm bảo các thời gian theo quy định, chưa đáp ứng được tiến độ và yêu cầu về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Mặt khác, tình trạng thiếu đất, cát đắp nền ảnh hướng tới tiến độ thực hiện và giải ngân nhiều dự án. Nguyên nhân là do quy trình, thủ tục cấp phép khai thác đất, cát làm vật liệu san lấp có thời gian dài và quá trình khai thác phát sinh các khó khăn, vướng mắc nên khối lượng không ổn định, không đảm bảo tính liên tục theo tiến độ dự án.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra (giải ngân đạt từ 95% trở lên), trong các tháng còn lại của năm 2024 UBND TP.HCM đã chỉ đạo, quán triệt và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ như tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án có vướng mắc pháp lý vượt ngoài thẩm quyền của Thành phố để giải ngân số vốn đã cân đối cho các dự án này.
Thành phố chủ động có phương án điều chuyển tạm số vốn cân đối cho các dự án này để bố trí cho các dự án khác có thể giải ngân ngay trong thời gian chờ các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan xử lý vướng mắc cho dự án; khẩn trương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc ngay đối với các dự án đang chậm thủ tục đầu tư với tinh thần quyết liệt, chủ động, thực sự vào cuộc thực chất hơn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả.
Thành phố thực hiện nghiêm việc rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ.
Ngoài ra UBND Thành phố cũng giao Thủ trưởng các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Thành phố tập trung chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; trực tiếp kiểm tra, giám sát, bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan; tăng cường, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng, có số vốn giải ngân lớn và dự kiến sẽ tổ chức các đoàn giám sát về giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án này theo các cấp độ quản lý.
Hàng loạt dự án gặp vướng
UBND TP.HCM đã ban hành danh mục 42 công trình, dự án trọng điểm, 5 đề án và 3 đồ án quy hoạch. Trong đó có 17 dự án chậm tiến độ, 12 dự án đúng tiến độ, các dự án còn lại đang trong quá trình rà soát; có 3 đề án đúng tiến độ, 1 đề án chậm tiến độ, 1 đề án chưa tới giai đoạn xác định tiến độ cụ thể để đánh giá; có 2 đồ án đúng tiến độ, 1 đồ án chậm tiến độ.