Giải ngân đầu tư công hơn 69.000 tỷ đồng, Bộ GTVT giữ vững ngôi đầu

Ước giải ngân hơn 69.000 tỷ đồng trong 11 tháng, Bộ GTVT tiếp tục dẫn đầu về giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước.

Số vốn giải ngân tháng 11 tăng vọt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về tình hình giải ngân và khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2023; Đề xuất, kiến nghị giải pháp đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm.

Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 của cả nước là 389.700 tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương đã giải ngân là 182.100 tỷ đồng (đạt 49,89%), vốn ngân sách địa phương là 207.600 tỷ đồng (đạt 60,47%).

Đến nay, ước giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương khoảng 216.700 tỷ đồng (đạt 59,37%), vốn ngân sách địa phương khoảng 244.300 tỷ đồng (đạt 71,17%).

Các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao

Bộ GTVT

69135

Hà Nội

32576

TP.HCM

28800

Bộ Quốc phòng

16013

Bình Dương

13815

Hải Phòng

13380

Bà Rịa - Vũng Tàu

11530

Long An

9930

Riêng trong tháng 11, giải ngân ước khoảng 71.300 tỷ đồng. Còn trung bình 11 tháng đầu năm, số vốn đầu tư công giải ngân trong tháng đạt trên 41.900 tỷ đồng/tháng.

Tính theo giá trị tuyệt đối, Bộ GTVT đứng đầu trong số những bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cao nhất cả nước trong 11 tháng (69.135 tỷ đồng).

Đứng thứ hai là Hà Nội (gần 32.600 tỷ đồng), tiếp đến là TP.HCM (gần 28.800 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (hơn 16.000 tỷ đồng), Bình Dương (hơn 13.800 tỷ đồng), Hải Phòng (gần 13.400 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 11.500 tỷ đồng), Long An (hơn 9.900 tỷ đồng).

Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 10 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng giao, gồm: Bình Dương (113,4%); Long An (112,7%); Bà Rịa - Vũng Tàu (106,84%); Tiền Giang (101,42%); Đồng Tháp (100,82%); Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%); Hải Phòng (99,83%); Hội Luật gia Việt Nam (92,76%); Văn phòng Quốc hội (83,61%); Hội nhà văn Việt Nam (81,6%); Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,74%).

Điều đáng nói, có tới 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, như là: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ khoa học công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông…

Vướng mắc ở đâu?

Nhận định những vướng mắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có những khó khăn liên quan đến thể chế chính sách, và những khó khăn mang tính chất đặc thù của kế hoạch năm 2023 (quy mô vốn tăng khoảng 130.000 tỷ đồng, năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, giá cả biến đổi khó lường…). Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn nằm ở công tác tổ chức thực hiện.

Trong cùng một mặt bằng pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, nhưng một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng hiệu quả đến từ việc các bộ, địa phương này đã tăng cường phân cấp, phân nhiệm, chủ động ngay từ khi xây dựng kế hoạch hằng năm, có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải.

Ngoài ra, cũng nhờ việc lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực và kinh nghiệm; quan tâm, đào tạo, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ làm công tác đầu tư công, thay đổi nhận thức và thói quen của các cán bộ này, không phải chờ các nhà thầu báo cáo mà phải sâu sát, nắm rõ tiến độ, kịp thời tháo gỡ, xử lý khó khăn và cuối cùng là phải sát sao trong công tác chỉ đạo điều hành từ người đứng đầu đơn vị.

Theo Bộ KH&ĐT, cần thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh chụp công nhân thi công hầm số 3 đoạn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn).

Theo Bộ KH&ĐT, cần thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh chụp công nhân thi công hầm số 3 đoạn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn).

Đến nay, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là kết thúc năm, tuy nhiên, vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn (khoảng 247.000 tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng giao). Do đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc quyết liệt, triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành.

Để hoàn thành mục tiêu Thủ tướng đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn năm 2023. Ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, cần đôn đốc các nhà thầu, tư vấn tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ dự án…

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-hon-69000-ty-dong-bo-gtvt-giu-vung-ngoi-dau-192231130034834883.htm