Giải ngân đầu tư công TP.HCM đã khởi sắc

Giải ngân đầu tư công thấp được xem là một trong ba nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của TP.HCM thấp kỷ lục trong quý 1. TP.HCM đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, xem đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế và những tín hiệu lạc quan trong quý 2.

Cố gắng quý 2 giải ngân 35%

Theo Cục Thống kê TP.HCM, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đã khởi sắc trở lại. Cụ thể trong 5 tháng năm 2023, TP đã giải ngân 9,4% theo kế hoạch Thủ tướng giao, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái (3,59%). Còn nếu theo kế hoạch TP, giải ngân vốn đầu tư công đạt 16,4% (cùng kỳ 5,8%).

Ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết, có được kết quả này là nhờ sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương trong gỡ vướng giải ngân đầu tư công và sự nỗ lực của chính quyền địa phương.

“Trong thời buổi khó khăn này, việc giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực được xem là động lực để phát triển nền kinh tế. Đây là một trong những điều cho thấy nỗ lực rất lớn của chính quyền” - ông Trần Phước Tường nói.

Giải ngân đầu tư công quý 2 của TP.HCM có nhiều khởi sắc. (Ảnh: G.L)

Giải ngân đầu tư công quý 2 của TP.HCM có nhiều khởi sắc. (Ảnh: G.L)

Sơ kết quý 1 năm 2023, TP.HCM giải ngân được 1.600 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 5/2023, TP.HCM đã giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, đây là sự tập trung cao độ của TP.HCM, của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng Vành đai 3. Trên cơ sở đó, TP.HCM phấn đấu giải ngân đạt 35% trong quý 2.

“Theo dự báo thì đến hết tháng 6 chúng ta sẽ đạt 28,6%. Nhưng chúng ta sẽ tập trung hơn nữa các giải pháp trong tháng 6 để nâng tỷ lệ giải ngân đạt chỉ tiêu hết quý 2 là 35%. Trong đó, chúng ta tập trung cao cho giải phóng mặt bằng, các thủ tục dự án” - ông Phan Văn Mãi nói.

Vừa tăng tốc, vừa vượt chướng ngại vật

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Thành phố cho biết, năm 2023, TP.HCM được giao giải ngân vốn đầu tư công khoảng 70.000 tỷ đồng, cao hơn 2,6 lần so với năm 2022. Trong đó gồm 15.000 tỷ vốn Trung ương và 55.000 tỷ đồng vốn địa phương. Đây là con số “khổng lồ” và áp lực rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Theo bà Huỳnh Mai, việc giải ngân đầu tư công là một quá trình nên không thể đánh giá, việc giải ngân đầu tư công thấp ở những tháng đầu năm thì sẽ không hiệu quả trong cả năm.

Kinh tế - xã hội TP.HCM có nhiều khởi sắc. (Ảnh minh họa: H.K)

Kinh tế - xã hội TP.HCM có nhiều khởi sắc. (Ảnh minh họa: H.K)

Để đảm bảo tiến độ, TP.HCM tập trung vào giải pháp cải cách hành chính để tạo điều kiện giải ngân đầu tư nhanh; tập trung giải phóng mặt bằng. TP.HCM cũng lập 3 tổ công tác để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tăng cường giám sát để giúp chủ đầu tư thực hiện các kế hoạch đầu tư công của từng đơn vị.

Các dự án lớn đều phải có kế hoạch chi tiết từng tháng để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Hiện các tổ công tác liên ngành kiểm tra chặt chẽ tiến độ để đảm bảo quý 3 cố gắng đạt 55% và đến quý 4 (31/1/2024) đạt 95%.

“Mỗi khi anh nào chệch đường ray về kế hoạch đều được báo cáo lên UBND, nhận riêng ra các vướng mắc nào khó khăn ngoài thẩm quyền, vướng mắc nào thuộc thẩm quyền để mà tổ công tác của TP, hội nghị giao ban đầu tư công hàng tháng có danh sách nhận diện và giải quyết những khó khăn đó để đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng kế hoạch đặt ra. Và từ đó đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công” - bà Lê Thị Huỳnh Mai nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội. (Ảnh: H.K)

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội. (Ảnh: H.K)

Tại cuộc họp của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nhìn nhận, trong giải ngân đầu tư công, TP khởi động chậm nên thời gian vượt chướng ngại vật, tăng tốc và về đích sẽ gặp khó khăn.

Mặc dù các dự án lớn như Vành đai 3 đều có kế hoạch từng ngày một, thậm chí không có thứ 7 chủ nhật nhưng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, nếu làm sớm hơn, khởi động sớm hơn thì sẽ không bị tình trạng “đầu năm thư thả, cuối năm vội vã”. Đây là điều mà TP cần phải rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc giải ngân đầu tư công được thực hiện theo kịch bản, tới ngày tới tháng mới triển khai được nhưng cần phải tăng tốc tối đa: “Chúng ta tiếp tục giai đoạn vừa tăng tốc tối đa, vừa vượt chướng ngại vật, không để vướng bận bất cứ gì thì chúng ta có thể, nếu trục trặc sẽ ảnh hưởng, cái về đích của chúng ta sẽ không đạt chỉ tiêu Chính phủ giao là 95%... Tôi kiểm tra nhiều công trình cụ thể thì các đồng chí hứa là cố gắng tối đa có nơi cam kết được 95%, có nơi khó. Thì cái khó này phải giải quyết”.

Giải ngân đầu tư công được xem là một trong ba trụ cột để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bên cạnh giải quyết vướng mắc để hấp thụ vốn và phát triển thị trường nội địa. Những tín hiệu khả quan của giải ngân đầu tư công cũng đã giúp cho chỉ số về tình hình KT – XH TP.HCM khởi sắc trong quý 2 khi dự báo GRDP sẽ đạt 5,87%, vượt xa so với quý 1 (tăng trưởng chỉ 0,7%).

Điều này giúp cho nửa đầu của năm 2023, tăng trưởng của thành phố đầu tàu cả nước dự báo là 3,55% và góp phần tạo ra nhiều xung lực, động lực để TP.HCM nỗ lực đạt kết quả tốt hơn trong thời gian còn lại của năm. TP.HCM sắp được bổ sung một “lực đẩy” cực mạnh là Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế vượt trội./.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giai-ngan-dau-tu-cong-tphcm-da-khoi-sac-post1025732.vov