Giải ngân dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo còn thấp
Ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Báo cáo của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 cho thấy, tỷ lệ giải ngân dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (dự án 1) còn khá thấp. Dự án 1 có 2 tiểu dự án là hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (tiểu dự án 1); triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tiểu dự án 2).
Đối với tiểu dự án 1, nguồn ngân sách trung ương đã phân bổ 3.685,667 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 3.350,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 335,067 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm giải ngân được 1.335,257 tỷ đồng, đạt 36,49%, trong đó vốn đầu tư phát triển đã giải ngân 1.311,236 tỷ đồng, đạt 39,13%; vốn sự nghiệp giải ngân 24,021 tỷ đồng, đạt 7,17%.
Nguồn ngân sách địa phương đã phân bổ 378,988 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 346 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 32,988 tỷ đồng). Kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm là 14,869 tỷ đồng, chỉ đạt 3,92%; trong đó có 14,323 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 4,14%; 546 triệu đồng vốn sự nghiệp, đạt 1,66%.
Nguồn huy động khác cho hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo là 250 triệu đồng nhưng chưa giải ngân được đồng nào.
Đối với tiểu dự án 2, số vốn được phân bổ từ nguồn ngân sách trung ương là 1.540 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 1.400 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 140 tỷ đồng). Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 20,525 tỷ đồng, đạt 1,33%; trong đó, giải ngân được 13,051 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 0,93%; 7,474 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 5,34%.
Nguồn ngân sách địa phương đã phân bổ 34,493 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 30,092 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 4,401 tỷ đồng) và cũng chưa giải ngân được đồng nào trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo mục tiêu đề ra của dự án 1, tất cả các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Ước tính năm 2023, thực hiện tiểu dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Với các huyện nghèo, tổng số công trình đầu tư là 1.610 công trình. Trong đó, 436 công trình giao thông, 88 công trình thủy lợi, 135 công trình giáo dục, 19 công trình y tế, 27 công trình nước sạch, 33 công trình văn hóa, 19 công trình điện, 853 công trình khác; 437 công trình duy tu bảo dưỡng.
Đã có 56 công trình được đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, trong đó, có 29 công trình giao thông, 6 công trình thủy lợi, 4 công trình giáo dục, 1 công trình y tế, 9 công trình văn hóa, 1 công trình điện, 6 công trình khác; 57 công trình duy tu bảo dưỡng.
Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến tháng 4/2023, 17 tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch phê duyệt Đề án hỗ trợ 22 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 theo quy định. Ước năm 2023, tổng số dự án giảm nghèo là 1.639 dự án, với 12.233 hộ tham gia.