Giải ngân đúng tiến độ - lời hứa và hiện thực

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Thường trực HĐND tỉnh, tình hình giải ngân nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước chậm được đem ra phân tích, mổ xẻ. Nhiều đại biểu cho rằng, khi giao vốn, đơn vị nào cũng hứa giải ngân đúng tiến độ nhưng hiện nay vẫn chỉ là lời hứa.

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, đến cuối tháng 11/2020, tổng số vốn giải ngân đã thực hiện là 1.405 tỷ đồng/ 2.396 tỷ đồng tổng kế hoạch vốn, đạt tỷ lệ giải ngân chung 58,7%. Riêng nguồn chuyển nhiệm vụ chi năm 2019 sang năm 2020 đã giải ngân được trên 237 tỷ đồng/298 tỷ đồng, đạt 79,6%. Cũng theo thống kê, đến ngày 24/11/2020, nhiều chủ đầu tư có các dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân nhưng đạt thấp.

 Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu bóc tách từng dự án, làm rõ nguyên nhân cụ thể và đề xuất xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức để xảy ra giải ngân nguồn vốn chậm. Ảnh tư liệu

Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu bóc tách từng dự án, làm rõ nguyên nhân cụ thể và đề xuất xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức để xảy ra giải ngân nguồn vốn chậm. Ảnh tư liệu

Cụ thể, các dự án chưa giải ngân được gồm: Chương trình bảo vệ, phát triển rừng từ nguồn ngân sách Trung ương với tổng vốn 4 tỷ đồng; Dự án hồ chứa nước Đắk N’Ting trên 48 tỷ đồng nguồn vốn ODA và 14 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương (Dự án có số vốn chuyển nhiệm vụ chi từ năm 2019 sang 2020 đến nay cũng chỉ mới giải ngân được trên 4,6 tỷ đồng, đạt chỉ 12%); Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh có nguồn ngân sách Trung ương 5 tỷ đồng…

Một số dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp gồm: Dự án xây dựng chính quyền điện tử Đắk Nông có nguồn ngân sách địa phương 16,4 tỷ đồng đến nay chỉ giải ngân được 5% tổng vốn; Dự án Hồ Gia Nghĩa – tiểu dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư có nguồn trái phiếu Chính phủ 20 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân đạt 28%...

Do nhiều nguyên nhân

Nguyên nhân được Sở Kế hoạch-Đầu tư lý giải là do từ đầu năm một số dự án đã có chủ trương điều chỉnh để tăng hiệu quả đầu tư, nhưng gặp vướng mắc khi triển khai điều chỉnh theo nghị định của Chính phủ. Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi.

Nguyên nhân chủ quan được xác định là do các nguồn vốn thu từ sử dụng đất, xổ số kiến thiết chưa đạt. Nhiều dự án lớn gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, phải thực hiện điều chỉnh giảm vốn để điều chuyển cho các dự án khác.

Công tác tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư còn chậm; trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, chưa tạo được đồng thuận cao trong dân.

Hiện nay, liên quan các dự án còn tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về chính sách đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu. Công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải, ở mỗi lĩnh vực, UBND tỉnh đều thành lập các tổ phụ trách, đôn đốc và theo dõi. Tuy nhiên, quá trình đôn đốc nhận thấy vướng nhiều vấn đề cần sửa. Các chủ đầu tư, các ngành phải có suy nghĩ để chọn công trình, đề xuất và ghi vốn đầu tư từ năm trước đó mới kịp thời gian. Hiện nay, hầu hết các công trình đều đến tháng 9, tháng 10 hàng năm mới đấu thầu, không chuẩn bị kịp đầu tư cho đầu năm nên mặc dù có đôn đốc cũng không thể nhanh được.

Ngoài ra, các đơn vị không quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Các đơn vị liên quan thực hiện không nghiêm theo chỉ đạo. Phần lớn chủ đầu tư “khoán trắng” cho đơn vị thi công và tư vấn, ít quan tâm, đôn đốc, giám sát, ít chịu trách nhiệm.

Xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị liên quan

Ông Nguyễn Đình Đạo, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, các dự án kéo dài lê thê, phần lớn là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng không tạo được đồng thuận trong dân. Quá trình lập phương án đền bù không công tâm, áp giá không hợp lý. Công tác chuẩn bị hồ sơ các dự án quá kém, dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh liên tục, gây mất thời gian.

Tại phiên họp, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: “Việc lý giải nguyên nhân do thời tiết là không chính đáng. Việc làm không xong rồi đổ cho trời đất là không được, trong khi đó các tỉnh thành khác vẫn giải ngân rất mạnh. Đây là tình trạng diễn ra nhiều năm nay. Khi giao vốn thì các chủ đầu tư đều hứa ngon lành nhưng đến giờ này lại giải ngân chậm".

Đồng chí Lê Diễn đề nghị, các đơn vị liên quan cần bóc tách rõ từng dự án để xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý nghiêm đối với những cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng giải ngân chậm, nhất là những dự án phải trả vốn về Trung ương.

UBND tỉnh và Sở Kế hoạch-Đầu tư rà soát lại tất cả các dự án. Những nguồn vốn địa phương và Trung ương cho chuyển chi sang năm 2021 phải nêu rõ khả năng giải ngân đến hết năm đạt hay không mới cho chuyển nguồn chi hợp lý. Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cần giám sát kỹ những nội dung này.

Nguyễn Hiền

1,614

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/giai-ngan-dung-tien-do-loi-hua-va-hien-thuc-83730.html