Giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, ngân hàng không bị tính vào room tín dụng

Các ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay gói 120.000 tỷ đồng (hiện là 145.000 tỷ đồng) vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp.

Ngày 3/1/2025, NHNN có công văn số 55/NHNN-TD gửi 9 ngân hàng thương mại (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, HDBank, TPBank, Techcombank, VPBank, MB) về việc triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của Bộ Xây dựng và đề xuất của một số ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN đồng ý các ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội mà các NHTM đã đăng ký tham gia với NHNN (hiện nay là 145.000 tỷ của 9 NHTM) để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các NHTM đã được NHNN thông báo; thời gian thực hiện chính sách này tối đa đến năm 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà NHTM đã đăng ký tham gia Chương trình.

Trường hợp NHTM nào không có nhu cầu thực hiện chính sách này thì có văn bản gửi NHNN (qua Vụ Tín dụng CNKT) trước ngày 15/01/2025 để theo dõi, tổng hợp.

Định kỳ hằng tháng, các NHTM tiếp tục báo cáo tình hình cho vay đối với khách hàng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023.

NHNN yêu cầu các NHTM thực hiện nghiêm túc các cam kết tham gia Chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với đối tượng và mục đích vay vốn; quan tâm, phối hợp với các Dự án xây dựng đủ điều kiện cho vay để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.

Hiện tỷ lệ giải ngân gói 145.000 tỷ đồng rất thấp vì nhiều nguyên nhân: cung nhà ở xã hội hạn chế, cầu của người vay ít, điều kiện vay chặt chẽ... Bên cạnh đó, đây là gói tín dụng sử dụng nguồn lực của các ngân hàng thương mại nên lãi suất cũng chưa thật hấp dẫn. Theo các chuyên gia, để tín dụng nhà ở xã hội tăng trưởng mạnh, cần có sự tham gia hỗ trợ của ngân sách.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Bộ này đề xuất gói vay ưu đãi 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, áp dụng trong 5 năm. Gói này nằm trong khoản ngân sách 500.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng ước tính cần có để thực hiện Đề án Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030.

Theo dự thảo Nghị quyết, để đảm bảo gói tín dụng 100.000 tỷ đồng được triển khai liên tục và hiệu quả, ngân sách Nhà nước mỗi năm cần bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng cho các năm 2025-2029 và khoảng 17.500 tỷ đồng cho năm 2030. Chính phủ cần giao cho Bộ Tài chính rà soát, đánh giá khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Từ đó, tạo nguồn vốn cho ngân hàng này cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.

Khi Nghị quyết được ban hành, gói tín dụng này dự kiến sẽ được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP (về hướng dẫn triển khai Luật Nhà ở 2023). Người dân có thể vay vốn với hạn mức tối đa 80% giá trị hợp đồng. Trường hợp xây mới, sửa chữa nhà ở, mức vay tối đa là 70% và không quá 1 tỷ đồng. Lãi suất bằng mức cho vay với hộ nghèo được Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ, với thời hạn vay tối đa 25 năm.

Các thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến hết năm 2024 cả nước mới chỉ hoàn thành được khoảng 21.000 căn nhà ở xã hội, chiếm tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu 130.000 căn đã đề ra hồi đầu năm. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ người mua nhà chủ yếu đến từ NHCSXH với tổng dư nợ giải ngân cho vay đến cuối tháng 7/2024 khoảng 20.900 tỷ đồng.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giai-ngan-goi-120000-ty-dong-ngan-hang-khong-bi-tinh-vao-room-tin-dung-d238633.html