Giải ngân khoản vay tín dụng: Không được phép bán kèm bảo hiểm

Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại sẽ không được 'ép' khách hàng phải mua bảo hiểm như một điều kiện để được giải ngân khoản vay tín dụng.

Mặc dù không cấm ngân hàng kinh doanh bảo hiểm như dự kiến ban đầu, song quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế phần nào những phiền phức mà khách hàng phải nhận thời gian qua, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Những quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Những quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Quy định chặt chẽ hơn

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua có rất nhiều phản hồi về những “chiêu” bán bảo hiểm của ngân hàng và hầu hết những người muốn vay vốn đều phải chấp nhận mua thêm một sản phẩm bảo hiểm dù không cần. Ngay cả với một số ngân hàng tuy không “ép” nhưng lại đưa ra điều kiện giảm khoảng 1%/năm lãi suất nếu khách hàng chấp nhận mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ. Thậm chí có nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng cứ ký hợp đồng bảo hiểm với chi phí đóng tiền lần đầu chia thành 4 kỳ/năm, sau đó bỏ ngang hợp đồng để hưởng quyền lợi về tín dụng. Chiêu thức của ngân hàng khá đa dạng, còn khách hàng thì đôi khi phải “tặc lưỡi” cho xong để sớm được giải ngân.

Đại diện một ngân hàng ở Hà Nội cho biết, hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng là "mảnh đất màu mỡ", mang về doanh thu lớn cho ngân hàng. Thông thường, mức chiết khấu trong năm đầu tiên của hợp đồng bảo hiểm rất cao, dao động từ 25% đến 40%, nên ngân hàng giao chỉ tiêu cao cho các phòng giao dịch, chi nhánh. Việc này dẫn tới tình trạng chèo kéo mua bảo hiểm hay bán kèm với khoản vay, làm mất niềm tin của khách hàng với bảo hiểm và ngân hàng.

Trước thực tế đó, tại Thông tư số 34/2024/TT-NHNN ngày 30-6-2024, quy định việc cấp đổi giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024), Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định, tổ chức tín dụng được cấp phép đại lý bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan. Theo hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm của Bộ Tài chính, tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng cấm tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Khắc phục tình trạng "bia kèm lạc"

Các chuyên gia đều có chung ý kiến, việc luật hóa quy định người quản lý, người điều hành, nhân viên ngân hàng không được gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thể khắc phục tình trạng “bia kèm lạc” gây nhức nhối trong thời gian qua. Đồng thời, quy định này tạo thuận lợi hơn cho hoạt động tín dụng, vốn tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm nay. Thực tế, sau khi có quy định, nhiều ngân hàng đã tuân thủ nghiêm túc. Anh Nguyễn Ngọc Long (phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) cho biết, hiện việc chèo kéo mua bảo hiểm giảm hẳn, nhân viên ngân hàng chỉ tư vấn còn quyền quyết định là của khách hàng. Đại diện Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho hay, ABIC và một số doanh nghiệp khác tuân thủ đầy đủ các quy định và việc tư vấn, bán bảo hiểm cho khách hàng đều trên tinh thần tự nguyện.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành bảo hiểm Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Bùi Thị Thanh Xuân khẳng định, ngân hàng tuân thủ quy định, song cũng bày tỏ băn khoăn, quy định vừa cho phép ngân hàng được hoạt động đại lý bảo hiểm, nhưng cũng lại có quy định cấm, dẫn đến cách hiểu không thống nhất. Cùng chung quan điểm, đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho rằng, nội dung quy định cấm "gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức" chưa rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho hay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng để phù hợp với tính chất và hoạt động ngành ngân hàng. Thời gian qua, bên cạnh việc yêu cầu các tổ chức tín dụng chấp hành các quy định về kinh doanh bảo hiểm, cơ quan này còn yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, không được tự ý kê khai khi chưa có sự đồng ý của khách hàng...

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm, đặc biệt là hành vi tư vấn, gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm VietinBank Lê Thị Quỳnh Hoa:
Sớm có văn bản hướng dẫn về hoạt động đại lý bảo hiểm

Tại Việt Nam, lùm xùm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ năm 2023 khiến dư luận có cái nhìn không thiện cảm về bảo hiểm. Bảo hiểm phi nhân thọ vì vậy cũng bị “vạ lây”; trong khi loại hình bảo hiểm phi nhân thọ có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ an toàn dòng vốn ngân hàng cũng như bảo vệ khách hàng.

Đây là các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ tài sản bảo đảm như: Xe cộ, nhà xưởng, máy móc thiết bị và sức khỏe, tính mạng của người vay. Sau khi vay vốn, chẳng may khách hàng gặp rủi ro, hoặc hàng hóa bị mất mát, bảo hiểm đứng ra chi trả toàn bộ khoản vay đó thay cho khách hàng. Như vậy, ngân hàng không bị nợ xấu, hệ thống hoạt động an toàn; khách hàng không mất đi tài sản lớn.

Mong muốn của các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm là Ngân hàng Nhà nước sớm có văn bản hướng dẫn về hoạt động đại lý bảo hiểm cũng như làm rõ quy định cấm ngân hàng gắn kèm sản phẩm bảo hiểm với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ để có cơ sở pháp lý triển khai, thực hiện.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:
Cần có chế tài xử lý

Câu chuyện "bán bia kèm lạc", ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm "nóng" lên trong thời gian qua cần phải được nhìn lại. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc không ít đơn vị gây sức ép, chạy chỉ tiêu cao nhằm mục đích hưởng lợi từ các khoản hoa hồng chia lại từ hợp đồng bảo hiểm. Áp lực này khiến nhân viên ngân hàng tìm mọi cách để “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Nhiều khách hàng phàn nàn về việc bị ép mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay hoặc mua bảo hiểm sẽ được áp dụng lãi suất cho vay giảm 1-2% so với lãi suất niêm yết.

Về cạnh tranh giữa các ngân hàng, theo tôi, các ngân hàng nên có thủ tục đơn giản, thuận tiện để có lợi thế, không nên ép khách mua sản phẩm không bắt buộc. Cần phải có chế tài chặt chẽ để xử lý những hành vi vi phạm quy định, trục lợi từ hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm qua ngân hàng, trong đó liệt kê cụ thể những hành vi điển hình không được phép làm và những hành vi tương tự...

Anh Lý Kiến Quốc (phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội):
Quy định mới về kinh doanh bảo hiểm là cần thiết

Tôi đã từng “gõ cửa” chi nhánh của một ngân hàng trên phố Lạc Long Quân thời điểm đầu năm 2024 để vay vốn mở rộng kinh doanh. Phải thừa nhận, thủ tục vay vốn ở ngân hàng khá nhanh và thuận tiện. Duy nhất một yếu tố khiến tôi không hài lòng chính là việc ngân hàng giới thiệu quá nhiều đến sản phẩm bảo hiểm.

Mặc dù cách chào mời khá thân thiện, nhưng ở thời điểm đó, công việc kinh doanh cần thêm nguồn vốn, nên ngay với 100 triệu đồng, tôi cũng không muốn phải tiêu tốn thêm. Hơn nữa, tôi có trao đổi với nhân viên ngân hàng, tôi đã có bảo hiểm nhân thọ nhưng nhân viên ngân hàng vẫn “bày cách" cho tôi là chỉ cần ký hợp đồng bảo hiểm và đóng tiền cho kỳ hạn đầu của năm là 25 triệu đồng để ngân hàng duyệt giảm lãi suất gói vay xong, là tôi có thể bỏ hợp đồng. Bản thân tôi thực sự cảm thấy không hài lòng với cách làm này của ngân hàng. Vì thế, quy định mới của cơ quan chức năng về việc quản lý chặt ngân hàng kinh doanh bảo hiểm là việc cần thiết.

Thanh Ngaghi

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-ngan-khoan-vay-tin-dung-khong-duoc-phep-ban-kem-bao-hiem-673261.html