Giải ngân nguồn vốn nước ngoài, vì sao chậm?

Tính đến ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, chỉ có 2 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân hơn 10%. Còn 8 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024, tức là 0%. Tỷ lệ giải ngân thấp được cho rằng có liên quan đến nhiều vấn đề như thủ tục, điều chỉnh dự án, thẩm định giá, giải phóng mặt bằng...

Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đã có chuyển biến hơn năm trước, nhưng vẫn không thoát được tình trạng đã diễn ra nhiều năm qua, là chậm trễ giải ngân trong nửa đầu năm. Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, không chỉ cần quyết tâm hơn, mà còn cần cả những giải pháp hữu hiệu hơn, để tháo gỡ những vướng mắc cũ, đã lặp lại nhiều năm, cũng như những vướng mắc mới nảy sinh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị với các địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024, bà Phạm Hồng Vân, Trưởng phòng Dự án trung ương, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, vướng mắc có nguyên nhân từ việc chậm trong khâu đấu thầu, ký kết; hồ sơ trình đi trình lại mất nhiều thời gian. Tiếp theo là nhiều dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay; chậm nhận được ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ…

Cùng với đó, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ giải ngân của nhiều dự án. Thủ tục giải phóng mặt bằng chậm khiến chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên theo thời gian chờ đợi, chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh vốn, lại chờ nhà tài trợ chấp thuận điều chỉnh vốn, chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án. Vòng “luẩn quẩn” chờ thủ tục rồi điều chỉnh dự án và lại chờ thủ tục điều chỉnh, khiến có dự án chậm trễ hàng năm trời.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) nêu thực tế: “Chúng tôi chủ yếu vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, vướng do đi qua khu vực nhiều rừng, thủ tục chuyển đổi rừng mất tới một năm rưỡi. Tiếp đến là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên khoảng 600 tỷ, phải làm lại thủ tục đầu tư. Trước mắt đã phân bổ 200 tỷ giải phóng mặt bằng”.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, trong những tháng đầu năm, bộ này gần như không giải ngân được vốn ODA cho dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cho Đại học Đà Nẵng. Dự án có 13 hạng mục công trình, nhưng đến nay mới được Bộ Xây dựng thẩm định 7 hạng mục. Chủ đầu tư phấn đấu đến tháng 9 mới có khối lượng giải ngân và trong điều kiện đấu thầu thuận lợi. Cả năm nay dự kiến giải ngân được khoảng 350 tỉ đồng, có thể trả lại ngân sách 280 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, năm 2024 có một số địa phương đã lúng túng trong việc lập kế hoạch vốn, không dự kiến được tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân nên đã lập kế hoạch vốn không sát với thực tế. Đặc biệt với các dự án có năm 2024 là năm giải ngân cuối cùng dẫn đến việc thiếu hoặc không có kế hoạch vốn để giải ngân.

Năm 2024 là năm quan trọng trong việc tạo sự bứt phá và chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển, giúp phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024, Bộ Tài chính cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Đồng thời, hướng dẫn rõ ràng hơn cho các địa phương về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án đối với các dự án Ô (dự án do một cơ quan giữ vai trò chủ quản, điều phối chung, các cơ quan chủ quản khác tham gia thành phần quản lý, thực hiện, thụ hưởng các dự án thành phần thuộc dự án đó).

Các địa phương và Ban quản lý dự án cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân hay thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao. Cần có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện.

Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng; sớm xử lý các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án.

Các Ban quản lý dự án trung ương của các dự án Ô do các bộ, ngành làm cơ quan chủ quản cần có hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ, năng lực cho các Ban quản lý dự án địa phương để dự án được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giai-ngan-nguon-von-nuoc-ngoai-vi-sao-cham-171289.html