Giải ngân vốn đầu tư công gắn với đánh giá năng lực cán bộ
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 3.609,503 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 1.604,376 tỷ đồng.
Năm 2020, Cà Mau gặp nhiều khó khăn trước “tác động kép” của hạn hán khốc liệt và đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, địa phương vẫn đặt ra mục tiêu tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những giải pháp như: xử lý nghiêm các tổ chức, các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định.
Coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, làm căn cứ đánh giá năng lực cán bộ năm 2020 - với quyết tâm này của Chính phủ, cùng với các địa phương cả nước, Cà Mau thay đổi hành động.
*Chuyển biến tích cực
Ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, đến đầu tháng 9, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 2.212,898 tỷ đồng, bằng 54,3% kế hoạch vốn (mục tiêu đề ra là 65%).
Cụ thể, vốn đầu tư công các năm trước chuyển sang, đã giải ngân 166,799 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch vốn, tăng khá nhanh so với tháng trước là 32,2%.
Tuy nhiên, hiện còn nguồn từ ngân sách tập trung do tỉnh quản lý khi giải ngân chỉ đạt 32,4%, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu bằng 37,2%, ngân sách trung ương bổ sung ngoài kế hoạch được giao đạt 31,1% kế hoạch vốn. Đối với nguồn đầu tư công năm 2020, đến nay tỉnh đã giải ngân trên 2.000 tỷ đồng, bằng 55,8% kế hoạch vốn.
Với kết quả trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến khá tích cực. Trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan chuyên môn quản lý vốn đầu tư công đã chủ động tổng hợp, đề xuất điều chỉnh vốn kịp thời.
Cụ thể, trong tháng 7/2020, HĐND tỉnh đã quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 65 danh mục dự án để bổ sung tăng kế hoạch vốn cho 35 danh mục dự án, với tổng kế hoạch vốn 126,559 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Đăng Khoa cũng chỉ ra nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng nên tiến độ bị chậm ở các dự án như: Đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính Đông - Tây tỉnh Cà Mau (đoạn từ Quốc lộ 1 đến cửa biển Gành Hào) và cầu qua sông Cái Nai (Khu kinh tế Năm Căn); cầu qua sông Tắc Thủ, thành phố Cà Mau…
*Gỡ ngay các nút thắt
Dù đã có nhiều chuyển biến, song thực tế thì nhiều dự án vẫn còn chậm giải ngân hoặc giải ngân đạt tỷ lệ quá thấp. Tại phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 8 vừa được tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu phải xác định nguyên nhân, đề ra giải pháp thời gian tới, cụ thể theo từng tháng.
“Bí thư Thành ủy, Huyện ủy cũng phải trực tiếp vào cuộc, giám sát, theo dõi tiến độ giải ngân các dự án. Ai lơ là, thiếu trách nhiệm, đề nghị xử lý theo thẩm quyền, cũng như làm cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ cuối năm. “Chậm giải ngân, không những cắt vốn mà còn bị kiểm điểm trách nhiệm””, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời khẳng định Cà Mau phải thực hiện nghiêm nội dung này.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đã nêu 10 nhóm vấn đề cần tập trung thực hiện trong tháng 9; trong đó, nhấn mạnh đến quyết tâm thực hiện tốt Chương trình hành động của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án đầu tư, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải ngân vốn.
Cùng đó, xử lý nghiêm những vấn đề vi phạm, ảnh hưởng, gây hậu quả nghiêm trọng đến tiến độ giải ngân vốn và chất lượng các dự án. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, tỉnh tiếp tục duy tu, sửa chữa các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp, hạn chế phát sinh hư hỏng lớn và đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân...
Cà Mau quyết tâm chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, góp phần phát triển, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong tình hình cả thế giới chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Cà Mau, các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, đầu tư xây dựng dự án, công trình rà soát, xác định rõ các hạn chế, những tồn tại từ khâu chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm và nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ được giao, xác định việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm đến cuối năm 2020. Kết quả này là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 3.609,503 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 1.604,376 tỷ; tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 chuyển sang 2020 là 411,778 tỷ đồng.
Cà Mau đề ra mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công theo thời gian quy định. Cụ thể, cuối tháng 9 giải ngân đạt 75%, cuối tháng 10 đạt 83%, cuối tháng 11 đạt 90%, cuối tháng 12 đạt 97% và trước ngày 31/1/2021 phải giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-gan-voi-danh-gia-nang-luc-can-bo/170117.html