Giải ngân vốn đầu tư công: Không để giải phóng mặt bằng là rào cản
Một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm luôn là rào cản lớn nhất. Để tháo gỡ vướng mắc này, tỉnh đã yêu cầu đề cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương với quyết tâm cao nhất không để GPMB làm ngưng trệ thi công các công trình.
Ngay sau khi UBND thành phố Tuyên Quang giao mặt bằng, đơn vị thi công Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ
huy động máy móc thi công công trình.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2022, tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tháo gỡ kịp thời khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trước đó, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư, yêu cầu cụ thể tiến độ giải quyết từng dự án.
Quyết liệt thực hiện công tác GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn, thành phố Tuyên Quang đang triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng. Đồng chí Tô Hoàng Linh, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang khẳng định: Thành phố xác định tháo gỡ nút thắt về công tác GPMB Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với Cao tốc Nội Bài - Lào Cai; xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn Km14 Quốc lộ 2 Tuyên Quang - Hà Giang là nhiệm vụ quan trọng phải làm ngay. Vì thế, thành phố đã chỉ đạo các phòng ban, xã, phường phối hợp làm quyết liệt để có mặt bằng giao cho chủ đầu tư, đơn vị thi công. Lãnh đạo UBND thành phố trực tiếp đối thoại với nhân dân tại các tổ, thôn, xã, phường đối với dự án có vướng mắc về GPMB, làm đúng chính sách và cương quyết cưỡng chế đối với những trường hợp chây ỳ, không thực hiện GPMB, đòi hỏi quá chính sách…
Với tinh thần cương quyết GPMB, ngày 4 - 4, UBND thành phố Tuyên Quang đã quyết định cưỡng chế thực hiện Quyết định thu hồi đất đối với 8 hộ dân thuộc thôn Hải Thành, xã Thái Long nằm trong quy hoạch xây dựng Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ giao mặt bằng cho chủ đầu tư tổ chức thi công thông tuyến. Theo hồ sơ giải quyết bồi thường, 8 hộ dân này không nhận tiền hỗ trợ bồi thường và không bàn giao mặt bằng, đòi hỏi bồi thường vượt mức quy định, không có cơ sở để giải quyết.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa bàn xã Thái Long, Lưỡng Vượng và phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) chiều dài 6,42 km với tổng diện tích đất thu hồi trên 100,4 ha đã cơ bản hoàn thành GPMB. 382 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, chỉ còn 4 hộ phạm vi vuốt nối chưa nhận bồi thường. UBND thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các phòng ban, địa phương vận động Công ty TNHH Trung Ngọc tại Km1 + 840 - Km1 + 879 khẩn trương tháo dỡ di chuyển nhà xưởng bàn giao mặt bằng. Đồng thời, tập trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 8 hộ tái định cư xã Lưỡng Vượng, họp xét bổ sung giao đất tái định cư cho 6 hộ.
Đối với dự án xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn, thành phố đang tập trung bố trí tái định cư cho 13 hộ dân nút giao đầu tuyến. Thành phố quyết tâm thực hiện trong tháng 4-2022 để thông tuyến thi công.
Tập trung gỡ vướng mắc các điểm nghẽn về mặt bằng để đẩy nhanh các công trình xây dựng, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh đang được huyện Yên Sơn quyết liệt thực hiện. Ông Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Yên Sơn cho biết: Trung tâm cùng với các phòng, ban của huyện tham mưu cho UBND huyện giải quyết 4 điểm nghẽn chưa thông được tuyến, gồm: Đoạn từ km1 + 600 - km5 + 770, km5 + 770 - km6 + 300, km6 + 300 - km9 + 400, km9 + 400 - km10 + 020 với 40 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường của đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; thực hiện kiểm kê bổ sung 47 hộ/65 hộ của Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với Cao tốc Nội Bài - Lào Cai giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Cùng với đó, thực hiện GPMB trên 10 công trình đang thực hiện thi công trên địa bàn huyện. Với phương án GPMB đến đâu sẽ giao cho đơn vị đầu tư đến đó để đảm bảo tiến độ thi công các công trình.
Ông Hoàng Anh nhận định, phần lớn công tác GPMB được nhân dân ủng hộ, tuy nhiên nhận thức về chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước trong nhân dân chưa đồng đều, dẫn đến một số dự án còn có hiện tượng chây ỳ trong di dời, GPMB. Các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa sát với thực tế (giá đất, giá cây trồng, tài sản trên đất…), do vậy, một số trường hợp chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
Năm 2020, huyện Sơn Dương triển khai công tác GPMB trên 10 dự án, trong đó 6 dự án lớn gồm: Đường tránh thị trấn Sơn Dương, cầu Trắng 2 (Tân Trào), hồ thủy lợi Đồng Trại (Phú Lương), nhà máy chế biến nông lâm sản, nhà máy sản xuất vải bạt nhựa PE xuất khẩu (Cụm công nghiệp Phúc ứng), đường điện và trạm biến áp 110 kw Sơn Nam, diện tích đất bồi thường giải phóng mặt bằng lên tới 60.000 ha. 100% các dự án đều liên quan đến đất ở, đất sản xuất của người dân.
Trong tháng 4-2022, huyện đang tập trung làm công tác bồi thường, GPMB đường tránh thị trấn Sơn Dương. Ông Trần Quốc Toản, Quyền Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sơn Dương cho biết: Công trình đường tránh thị trấn dài 4,4 km, tổng diện tích đất thu hồi 17,8 ha, kéo dài qua 9 tổ dân phố của thị trấn Sơn Dương và 1 thôn của xã Tú Thịnh. Trung tâm phát triển quỹ đất đã kiểm kê xong 227 hộ gia đình, 21 tổ chức trên toàn tuyến, dự kiến sẽ có 21 hộ thực hiện tái định cư. Hiện trung tâm đang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp từng tổ dân phố để công khai đơn giá bồi thường của tỉnh, đồng thời vận động nhân dân đồng thuận ủng hộ giao mặt bằng trước để công trình sớm được triển khai thi công.
So với những năm trước, công tác GPMB của huyện Sơn Dương có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chậm với yêu cầu đặt ra. Lý giải về việc này, Quyền Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sơn Dương Trần Quốc Toản cho biết: Thủ tục về đất đai còn khá phức tạp, khó khăn trong bố trí tái định cư, thu hồi các cơ quan đóng trên tuyến, di chuyển kết cấu hạ tầng như đường điện, viễn thông, kênh mương thủy lợi… Vì thế, công tác GPMB nhanh và thuận lợi thì rất cần sự đồng thuận từ phía nhân dân. Xác định được điều này, trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách đất đai, đơn giá bồi thường, lợi ích công trình… đồng thời minh bạch trong thực hiện công tác bồi thường, GPMB để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát”. Từ đó người dân tin tưởng chính sách, cán bộ nhận bồi thường, giao mặt bằng phục vụ xây dựng hạ tầng của huyện. Các dự án đang triển khai thi công trên địa bàn huyện hầu hết nhận được sự ủng hộ cao từ nhân dân, ít vướng mắc về công tác GPMB.
Công tác GPMB dù gặp nhiều vướng mắc nhưng với sự quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương đã và đang được tháo gỡ từng nút thắt, đảm bảo có mặt bằng cho các đơn vị thi công xây dựng các công trình đúng tiến độ đề ra.