Giải ngân vốn đầu tư công lại 'lỡ hẹn' cam kết
Theo cam kết của các chủ đầu tư cũng như các địa phương, kết thúc quý II-2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 50% kế hoạch. Tuy nhiên, cam kết này khó có thể được thực hiện khi tính đến cuối tháng 5, số đơn vị hoàn thành mục tiêu là rất ít.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 5-2024, trong tổng số 29 đơn vị chủ đầu tư và 11 huyện, thành phố, có đến 35 đơn vị chưa thể hoàn thành mục tiêu đã cam kết.
Chỉ có 5 đơn vị giải ngân trên 50% nguồn vốn
Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 19,3 ngàn tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện từ năm 2023 sang năm 2024). Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, tính đến cuối tháng 5-2024, tổng nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân trên địa bàn tỉnh là gần 2,7 ngàn tỷ đồng, đạt gần 14% kế hoạch.
Cụ thể đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, các đơn vị đã giải ngân được hơn 316 tỷ đồng trong tổng kế hoạch vốn hơn 5 ngàn tỷ đồng, đạt 6,3% kế hoạch. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, số vốn đã giải ngân là hơn 2,1 ngàn tỷ đồng trên tổng kế hoạch vốn gần 13,6 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 16% kế hoạch. Riêng với nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện từ năm 2023 sang năm 2024 thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị đã giải ngân được hơn 194 tỷ đồng trong tổng vốn hơn 692 tỷ đồng, đạt hơn 28% kế hoạch. Như vậy kết thúc 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất thấp và chưa đạt mục tiêu đã đề ra.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 31-5, trên địa bàn tỉnh còn 7 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là 0%.
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2024 và tiến hành ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị, địa phương trong tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách được tổ chức vào đầu năm 2024, các đơn vị cũng đã ký cam kết thi đua thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương đã cam kết đến thời điểm kết thúc quý
II-2024, sẽ giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn. Tuy nhiên, ở thời điểm cuối tháng 5, số lượng đơn vị hoàn thành mục tiêu này là rất ít.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, tính đến cuối tháng 5, chỉ có 5 đơn vị là các huyện Nhơn Trạch, Tân Phú; thành phố Long Khánh; Sở Y tế; Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi là có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt trên 50%.
Tìm “điểm nghẽn” để tháo gỡ
Trên thực tế, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn là công tác giải phóng mặt bằng để thi công các dự án, nhất là các dự án giao thông trọng điểm. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như 2 dự án thành phần thuộc Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, đường ven sông và công viên, kè bờ sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu), đường ven sông Cái (từ đường Hà Huy Giáp đến Trần Quốc Toản). Dù các cơ quan chức năng cũng như các địa phương đã vào cuộc rầm rộ triển khai “chiến dịch” tăng tốc giải phóng mặt bằng nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng đề ra.
Tại Hội nghị giao ban kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 được tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng như công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đạt kỳ vọng đề ra. Do đó, thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương phải lập chi tiết kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. “Khi đã lập kế hoạch thì phải tuân thủ thực hiện kế hoạch của từng tháng, từng quý. Phải tập trung thực hiện ngay từ những tháng đầu năm, tránh tình trạng đầu năm rảnh rang cuối năm phải chạy”- Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu.
Cũng tại hội nghị này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, trải qua 5 tháng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn thấp và có nguy cơ diễn lại đúng kịch bản của năm trước là “những tháng đầu năm thì rề rề, chậm chậm, không có tăng trưởng đầu tư công rồi cuối năm phải “vắt giò lên cổ” để chạy”.
Để chấm dứt tình trạng này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các cơ quan chức năng phải tìm nguyên nhân tại sao giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, vướng mắc nằm ở khâu nào, chủ đầu tư nào khiến cho không thể giải ngân được nguồn vốn. Từ đó, tìm giải pháp tháo gỡ để tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.