Giải ngân vốn đầu tư công tại Kiên Giang: Nỗ lực gỡ nút thắt còn bóng dáng nước đôi
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Kiên Giang đã bãi bỏ các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư với các BQLDA chuyên ngành của tỉnh. Tuy nhiên, nỗ lực gỡ nút thắt này vẫn còn bóng dáng nước đôi.
Tháng 8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký bãi bỏ các quyết định ban hành các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư (một số sở, ngành) với các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh.
Các quy chế phối hợp này được cho là gây chồng chéo, một số công việc hành chính liên thông giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án chưa được thực hiện trơn tru, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, việc bãi bỏ các quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và các ban quản lý dự án của tỉnh Kiên Giang nhận được sự đồng thuận cao và kỳ vọng tạo thuận lợi cho việc giải ngân dự án công.
Tuy nhiên, với việc bãi bỏ các quy chế phối hợp, vấn đề đặt ra là xử lý các công việc, dự án trong giai đoạn chuyển tiếp ra sao để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện?
Các chủ đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình hoặc thỏa thuận ký hợp đồng ủy thác với ban quản lý dự án chuyên ngành để ban quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Đối với các gói thầu chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, các ban quản lý dự án giao lại chủ đầu tư thực hiện các nhiệm vụ của mình hoặc ký hợp đồng ủy thác cho ban quản lý thực hiện. Còn với các gói thầu đã và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, ban quản lý tiếp tục thực hiện đến khi hoàn thành gói thầu.
Thực tế, các ban quản lý dự án đang chờ các chủ đầu tư để bàn thảo hợp đồng ủy thác. Việc các ban quản lý sẽ nhận ủy thác quyền, nhiệm vụ thế nào tùy thuộc vào từng chủ đầu tư, bởi hiện chưa có mẫu hình chung cho hợp đồng ủy thác. Đáng ngại là, có ban quản lý dự án đang quản lý dự án cho nhiều chủ đầu tư là các sở. Nếu quá trình thương thảo hợp đồng ủy thác không thuận lợi, thì các dự án đầu tư công sẽ gặp khó, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công của tỉnh.
Cần phải dẫn giải lại rằng, việc “phân vai” chủ đầu tư, ban quản lý dự án được quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Cụ thể, Nghị định 59/NĐ-CP (18/6/2015) của Chính phủ về quản lý xây dựng quy định, ban quản lý dự án là chủ đầu tư, nhưng thẩm quyền giao ban quản lý dự án làm chủ đầu tư hay không là do cấp quyết định đầu tư đưa ra trước khi lập dự án hoặc khi phê duyệt dự án (trong trường hợp này là UBND tỉnh Kiên Giang).
Còn tại điểm 3, Điều 7, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định: “Căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, người quyết định đầu tư dự án giao cho ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư; trường hợp không có ban quản lý dự án dự án thì người quyết định đầu tư lựa chọn cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện làm chủ đầu tư”.
Trên thực tế, phần nhiều địa phương khi thành lập các ban quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành theo tinh thần Luật Xây dựng 50/2014/QH13, Nghị định 59/NĐ-CP, Thông tư 16/2016/TT-BXD đã thực hiện việc phân cấp triệt để như các quy định pháp luật nêu trên. Theo đó, cấp quyết định đầu tư ở địa phương là UBND các tỉnh đã quyết định cho các ban quản lý dự án đầu tư chuyên ngành “sắm vai” chủ đầu tư. Hàng năm, khi quyết định phân bổ vốn đầu tư công, nguồn vốn được phân bổ thẳng về ban quản lý dự án làm chủ đầu tư.
Việc nhất quán vai trò chủ đầu tư và quản lý dự án đã được khẳng định có nhiều ưu điểm. Có thể kể ra các địa phương như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chỉ có Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh. Hình mẫu này tạo điều kiện thuận lợi cho các ban quản lý dự án thực hiện các thủ tục đầu tư, giải ngân dự án nhanh chóng hơn.
Vậy vì sao cấp quyết định đầu tư tại tỉnh Kiên Giang vẫn chọn cách phân vai lưỡng cực mà chưa giao vai trò chủ đầu tư về các ban quản lý dự án như điểm 3, Điều 7, Luật Xây dựng? Vì sao các sở, ngành chưa sẵn sàng “từ bỏ” vai trò chủ đầu tư các dự án đầu tư công? Đây là các câu hỏi đang đặt ra cho cơ quan hữu trách tỉnh Kiên Giang tìm lời giải để gỡ khó về sự phối hợp giải quyết thủ tục hành chính, giúp dòng vốn đầu tư công chảy nhanh hơn về với các dự án xây dựng.