Giải Nobel Hòa bình 2020: Vinh danh nỗ lực chống nạn đói

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc được trao giải Nobel Hòa bình năm 2020 vì những nỗ lực chống nạn đói và mất an ninh lương thực trên toàn cầu

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) - tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực - đã hỗ trợ gần 100 triệu người ở 88 quốc gia trên thế giới hồi năm ngoái. Ông David Beasley, người đứng đầu WFP, hôm 9-10 vui mừng nói với hãng tin AP rằng bản thân không nói nên lời khi hay tin tổ chức của mình được nhận giải Nobel Hòa bình 2020. Ông Beasley cho biết: "Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên trong đời tôi không có từ ngữ nào để diễn tả. Tôi thực sự rất bất ngờ".

Ủy ban Nobel Na Uy hôm 9-10 cho biết đại dịch Covid-19 đã đẩy thêm hàng triệu người trên thế giới rơi vào nạn đói và kêu gọi các chính phủ bảo đảm cho WFP và các tổ chức viện trợ khác nhận được nguồn hỗ trợ tài chính cần thiết để duy trì hoạt động. Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, cho rằng: "Với giải thưởng năm nay, Ủy ban Nobel mong muốn hướng sự chú ý của thế giới đến hàng triệu người đang phải chịu đựng hoặc đối mặt với hiểm họa của nạn đói. WFP đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác đa phương nhằm biến an ninh lương thực trở thành một công cụ hòa bình".

Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh việc hỗ trợ tăng cường an ninh lương thực không chỉ ngăn nạn đói mà còn giúp cải thiện mức độ ổn định và hòa bình của thế giới. WFP đã đi đầu trong việc kết hợp công tác nhân đạo với nỗ lực hòa bình thông qua nhiều dự án tiên phong ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.

Trụ sở của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại TP Rome - Ý Ảnh: Reuters

Trụ sở của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại TP Rome - Ý Ảnh: Reuters

Theo trang nobelprize.org, năm 2015, xóa đói đã được thông qua là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và WFP là công cụ chính của LHQ để thực hiện mục tiêu này. Năm 2019, có đến 135 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói nghiêm trọng, con số cao nhất trong nhiều năm. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do tình trạng chiến tranh và xung đột vũ trang.

Đại dịch Covid-19 đã góp phần làm tăng mạnh số lượng nạn nhân của nạn đói trên thế giới. Đối mặt với đại dịch, WFP đã chứng tỏ khả năng ấn tượng trong nỗ lực của mình khi từng tuyên bố "cho đến ngày thế giới có vắc-xin, thực phẩm là loại vắc-xin tốt nhất chống lại sự hỗn loạn".

Giám đốc điều hành WFP Beasley hồi tháng trước đã kêu gọi các tỉ phú và doanh nghiệp hỗ trợ 4,9 tỉ USD nhằm cứu trợ 30 triệu người trên thế giới đang có nguy cơ chết đói trong năm nay. Ông Beasley nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 đã làm phức tạp tình trạng mất an ninh lương thực vốn lan rộng do xung đột kéo dài nhiều năm ở Nigeria, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Yemen.

Ông Beasley cho rằng đại dịch hoành hành cộng với xung đột leo thang và biến đổi khí hậu đã khiến 270 triệu người bên bờ vực chết đói và cần sự giúp đỡ hơn bao giờ hết, đồng thời nhấn mạnh năm 2021 là năm quyết định thành bại. Trong nỗ lực cứu trợ 138 triệu người mà ông Beasley cho là đang đối diện "đại dịch đói", WFP đã phối hợp với hơn 50 chính phủ để mở rộng mạng lưới cứu trợ.

Giải thưởng danh giá năm nay đi kèm với phần thưởng tiền mặt trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1,1 triệu USD) và huy chương vàng sẽ được trao tại một buổi lễ ở thủ đô Oslo - Na Uy vào ngày 10-12.

Người dân xếp hàng tại khu vực hỗ trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại tỉnh Cabo Delgado-Mozambique hồi tháng 8.Ảnh: Reuters

Người dân xếp hàng tại khu vực hỗ trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại tỉnh Cabo Delgado-Mozambique hồi tháng 8.Ảnh: Reuters

Bất ngờ nhưng xứng đáng

Thông tin giải Nobel Hòa bình được trao cho WFP gây không ít ngạc nhiên. WFP không thuộc số những ứng viên sáng giá được nói đến nhiều trước khi bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, công bố quyết định trên.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, đã có nhận định 5 thành viên của ủy ban nói trên có thể chọn ủng hộ các nỗ lực đa phương nhằm chống lại dịch bệnh này, qua đó phát đi thông điệp phản đối xu hướng chủ nghĩa dân tộc. Theo một số nhà quan sát, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là một lựa chọn hợp lý dù cơ quan này từng bị chỉ trích vì cách ứng phó dịch bệnh. Nếu thành hiện thực, đây chắc chắn là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc làm mất uy tín WHO thời gian qua khi ông tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.

Dù WHO không được vinh danh, giải Nobel Hòa bình năm nay vẫn liên quan đến đại dịch Covid-19, sự đoàn kết quốc tế và hợp tác đa phương. Ông Dan Smith, Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), nhận định đằng sau giải Nobel Hòa bình năm nay là thông điệp của hy vọng và "sự ủng hộ dành cho hợp tác quốc tế". "Cũng như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và những vấn đề khác, nạn đói là vấn đề toàn cầu và nó chỉ có thể được giải quyết thỏa đáng thông qua sự hợp tác. WFP là một thể chế của hợp tác toàn cầu" - ông nói với hãng tin Reuters.

Theo giải thích của bà Reiss-Andersen, Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho WFP vì muốn hướng sự chú ý của thế giới đến số phận của hàng triệu người đang lâm vào cảnh đói hoặc đối mặt mối đe dọa này. Cái đói, theo bà, đã bị sử dụng làm "vũ khí chiến tranh và xung đột". Giải thưởng còn là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ đầy đủ cho WFP và bảo đảm không để ai bị đói.

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính khoảng 821 triệu người thường xuyên lâm vào cảnh thiếu ăn trước khi đại dịch bùng phát và tình hình càng tồi tệ bởi biến đổi khí hậu, xung đột và bất bình đẳng. Giờ đây, Covid-19 càng khiến cuộc khủng hoảng đói thêm nghiêm trọng.

Chính WFP hồi tháng 4 đã phát đi cảnh báo đáng sợ rằng dịch bệnh có nguy cơ đẩy thêm 130 triệu người vào cảnh thiếu ăn. Theo một báo cáo mới của tổ chức từ thiện Oxfam (Anh), số người thiệt mạng mỗi ngày vì cuộc khủng hoảng đói hiện nay có thể sớm cao hơn cả số nạn nhân hằng ngày của chính dịch Covid-19 khi đạt đỉnh.

Với những gì đã làm để giúp nhiều triệu người trên thế giới kể từ khi ra đời năm 1961, WFP vẫn xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình ngay cả khi dịch Covid-19 không bùng phát. Dù vậy, theo bà Reiss-Andersen, đại dịch này càng củng cố thêm lý do để trao giải thưởng danh giá này cho WFP.

Hoàng Phương

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/giai-nobel-hoa-binh-2020-vinh-danh-no-luc-chong-nan-doi-20201009213844818.htm