Giải Nobel Y học 2020: Tôn vinh khám phá về virus viêm gan C

Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có hơn 70 triệu người bị viêm gan C và 400.000 người tử vong vì căn bệnh này trên toàn cầu

Giải Nobel Y học hôm 5-10 đã vinh danh những đóng góp của 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton, Charles M. Rice đối với cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan lây qua đường máu, một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây ra xơ gan và ung thư gan ở nhiều người trên thế giới.

Theo trang nobelprize.org, các công trình của họ trong những năm 1970 và 1980 có tác động sâu xa, dẫn đến việc phát hiện virus viêm gan C. Cụ thể, theo đài CNN, các cuộc nghiên cứu của ông Alter (người Mỹ, 85 tuổi) chứng tỏ một loại virus mới là nguyên nhân của nhiều ca viêm gan mạn tính. Trong khi đó, nhà khoa học Houghton (người Anh, sinh vào những năm 1950) đã phân lập bộ gien của virus mới này, được đặt tên là virus viêm gan C. Cuối cùng, nhà khoa học Rice (người Mỹ, 68 tuổi) cung cấp bằng chứng cho thấy chỉ virus viêm gan C thôi cũng có thể gây ra bệnh viêm gan.

"Trước khi có những phát hiện của họ, các công trình về virus viêm gan A và virus viêm gan B là bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn nhiều ca viêm gan không thể giải thích được nguyên nhân. Phát hiện về virus viêm gan C hé lộ nguyên nhân của số ca viêm gan mạn tính còn lại, cũng như dẫn đến sự ra đời của các cuộc xét nghiệm máu và thuốc mới giúp cứu tính mạng nhiều triệu người" - Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska (Thụy Điển) nhận định, đồng thời nhấn mạnh thành tựu này mang đến cơ hội tiêu diệt hoàn toàn virus viêm gan C.

Hình ảnh 3 nhà khoa học Harvey J. Alter (trái), Michael Houghton (giữa) và Charles M.Rice tại cuộc họp báo công bố giải Nobel Y học hôm 5-10 Ảnh: REUTERS

Hình ảnh 3 nhà khoa học Harvey J. Alter (trái), Michael Houghton (giữa) và Charles M.Rice tại cuộc họp báo công bố giải Nobel Y học hôm 5-10 Ảnh: REUTERS

Viêm gan A là bệnh cấp tính và lây qua đường ăn uống. Trong khi đó, viêm gan B và viêm gan C lây truyền qua đường máu và là bệnh mạn tính. Đáng chú ý, nhà khoa học người Mỹ Baruch Blumberg được trao giải Nobel Y học năm 1976 vì khám phá virus viêm gan B năm 1967. Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có hơn 70 triệu người bị viêm gan C và 400.000 người tử vong vì căn bệnh này trên toàn cầu.

Ông Graham Foster, chuyên gia tại Trường ĐH Queen Mary London (Anh), đánh giá các nhà khoa học trên xứng đáng nhận giải vì công trình của họ giúp ngăn hàng triệu người mắc bệnh hoặc tử vong. Cũng theo ông Foster, khám phá về virus viêm gan C có tầm quan trọng với các nước đang phát triển lẫn quốc gia phát triển, nơi nhiều triệu người bị nhiễm bệnh thông qua thiết bị y tế hoặc nguồn máu có vấn đề. "Phát hiện này cho phép truyền máu an toàn và sự ra đời nhanh chóng các phương pháp điều trị viêm gan C" - ông Foster nhận định với hãng tin AP.

Giải Nobel Y học năm nay được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nêu bật tầm quan trọng của nghiên cứu y học đối với kinh tế - xã hội của thế giới. Ông Patrik Ernfors, thành viên Hội đồng Nobel, so sánh những thành tựu được tôn vinh năm nay với nỗ lực của hàng triệu nhà khoa học trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. "Điều cần làm đầu tiên là xác định virus gây bệnh. Một khi hoàn thành, đó là xuất phát điểm của việc phát triển thuốc điều trị và vắc-xin phòng ngừa bệnh" - ông Ernfors nói với các phóng viên.

Giải thưởng Nobel Y học năm nay trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1,12 triệu USD) và được chia đều cho 3 nhà khoa học nói trên. Đây là giải thưởng đầu tiên trong mùa giải Nobel đang bị đại dịch Covid-19 phủ bóng. Quỹ Nobel đã hủy tổ chức bữa tiệc truyền thống của lễ trao giải vào tháng 12 tới do tác động của dịch bệnh.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/giai-nobel-y-hoc-2020-ton-vinh-kham-pha-ve-virus-viem-gan-c-20201005215754723.htm